Khánh thành năm 2011, hầm Thủ Thiêm dài gần 1.490m, vốn đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng, nối quận 1 với bán đảo Thủ Thiêm (TP Thủ Đức), là hạng mục quan trọng nhất trong dự án đại lộ Đông Tây dài 22 km, tổng mức đầu tư 9.800 tỷ đồng. Đây là hầm vượt sông đầu tiên của Việt Nam và lớn nhất Đông Nam Á tại thời điểm đó.
Hầm có đoạn dài 371m nằm ngầm dưới lòng sông, gồm 4 đốt hầm, mỗi đốt dài 92,75m, cao 9,1m, rộng 33,3m và nặng 27.000 tấn. Hầm gồm hai chiều lưu thông, mỗi chiều có 3 làn xe (2 làn ô tô, 1 làn xe máy), với tốc độ tối đa 60 km/h cho ô tô và 40 km/h cho xe máy. Công trình được thiết kế có tuổi thọ 100 năm và khả năng chịu được động đất cấp 7.
Mặt cắt ngang hầm rộng 33,3m, bố trí hai lối thoát hiểm và 6 làn xe lưu thông hai chiều. Theo Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông đô thị TP.HCM, hầm Thủ Thiêm được thiết kế để đáp ứng lưu lượng 45.000 ô tô và 15.000 xe máy mỗi ngày.
Đáng chú ý, hầm Thủ Thiêm được thiết kế theo tiêu chuẩn đường bộ Nhật Bản với công nghệ tiên tiến, đảm bảo an toàn vận hành và môi trường bên trong lẫn bên ngoài hầm đều đạt độ tin cậy cao. Đây là đường hầm đúc sẵn và dìm dài nhất Đông Nam Á cũng như ASEAN tính đến thời điểm thi công.
Từ mẻ bê tông đầu tiên để đúc các đốt hầm đến khi cả 4 đốt được lai dắt và dìm thành công xuống đáy sông Sài Gòn, công trình đã trải qua nhiều công đoạn kỹ thuật phức tạp. Hầm chính thức được khởi công vào năm 2005.
Theo Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình, dìm đốt hầm số 4 là thử thách lớn nhất, đặc biệt ở công đoạn cuối cùng để hoàn tất việc ghép hầm. Để xử lý, nhà thầu Nhật Bản đã chọn một giải pháp táo bạo, sử dụng hệ thống trượt bằng gỗ như máng dẫn, giúp đốt hầm trượt chính xác theo hướng dẫn của máy dắt.
Căng thẳng nhất là khi đến bước 19, đốt hầm bị kẹt trong khe, dòng chảy mạnh khiến đốt gần như đứng yên. Kỹ sư Việt Nam trao đổi với Giáo sư Osamu Kiyomiya (Đại học Waseda, Nhật Bản) về phương án giải quyết. Giáo sư đáp lại là bình tĩnh, pha trà ngồi đợi, lát nữa sẽ nghe một tiếng rầm dưới nước dội lên. Khoảng một giờ sau, tín hiệu báo lưu tốc ổn định và đốt hầm bắt đầu chuyển động tiếp. Cuối cùng, đốt số 4 hoàn thành chỉ trong 2/3 thời gian so với các đốt khác.
Ban Quản lý đầu tư xây dựng hầm Thủ Thiêm cho biết, việc dìm và lắp 4 đốt hầm dài 370 m xuống sông Sài Gòn giữa dòng chảy xiết, không gian chật hẹp là một thử thách lớn. Khó nhất là khớp chính xác mặt cắt ngang giữa đốt hầm và đường dẫn, với sai số cho phép chỉ 10 mm. Để đảm bảo độ chính xác, 20 thợ lặn liên tục luân phiên xuống kiểm tra dòng chảy mỗi 30 phút. Hơn 1.500 người từ 16 cơ quan, đơn vị và sở ngành được huy động cho quá trình lai dắt và dìm hầm.
Trước khi được lai dắt ra vị trí lắp đặt, các đốt hầm đã được để chìm trong nước tại bể đúc để kiểm tra kết quả xử lý các vết rạn, nứt. Quá trình xử lý này cũng có sự tham gia và đóng góp ý kiến của các nhà khoa học Việt Nam. Đến năm 2010 hợp long thành công hầm Thủ Thiêm và chính thức đưa vào sử dụng từ năm 2011.
Theo Ban quản lý giám sát thi công, toàn bộ các khâu xây dựng hầm Thủ Thiêm đều do kỹ sư và công nhân Việt Nam trực tiếp thực hiện. Nhà thầu Nhật Bản chỉ cử một nhóm chuyên gia sang giám sát. Phần lớn thiết bị phục vụ thi công cũng được thuê ngay tại Việt Nam, chỉ một số thiết bị chuyên dụng mới được mang từ Nhật Bản sang. Vì vậy, nếu trong tương lai có thêm dự án hầm dìm tương tự, đội ngũ kỹ sư Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực đảm nhận.
Về công nghệ, hầm Thủ Thiêm được trang bị hệ thống thiết bị hiện đại, phục vụ vận hành an toàn và hiệu quả, bao gồm: hệ thống cấp nước, chiếu sáng, phòng cháy chữa cháy, thông gió, đo nồng độ ô nhiễm không khí, đếm lưu lượng xe... Ngoài ra, còn có hệ thống loa phát thanh và cảnh báo khi xảy ra sự cố. Tất cả các thiết bị đều được kết nối tự động với trung tâm điều khiển và có khả năng xử lý tình huống theo thời gian thực.
Chẳng hạn, khi nồng độ khí thải trong hầm tăng cao, trung tâm điều khiển sẽ tự động tăng công suất quạt thông gió. Nếu mật độ phương tiện vượt quá mức cho phép, hệ thống sẽ chủ động điều tiết, hạn chế xe vào hầm để đảm bảo an toàn. Hai bên hầm còn bố trí khoang thoát hiểm rộng 2 mét, cho phép người đi bộ di chuyển ra ngoài khi có sự cố.
Bên trong hầm, 54 camera được lắp đặt như những “mắt thần” giám sát liên tục mọi hoạt động. Hình ảnh được truyền trực tiếp về trung tâm điều hành, nơi luôn có người túc trực theo dõi. Chỉ cần phát hiện một sự cố nhỏ, đội phản ứng nhanh sẽ lập tức được kích hoạt để xử lý kịp thời, giảm thiểu nguy cơ ùn tắc trong hầm.