Cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị giải pháp khôi phục và phát triển kinh tế

Linh Khang | 15:24 21/02/2022

“Cho phép doanh nghiệp, hợp tác xã được giãn nợ, cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn giảm phí, không phạt trả chậm tín dụng, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để có thêm thời gian phục hồi trả nợ và khắc phục nợ xấu…”.

Cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị giải pháp khôi phục và phát triển kinh tế
Nâng cao hiệu quả các chương trình hỗ trợ đào tạo cho người lao động bị thôi việc, mất việc.

Đó là một trong những giải pháp mà cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam kiến nghị tại phiên cấp cao Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên với chủ đề “Phục hồi kinh tế và phát triển chuỗi cung ứng trong bối cảnh bình thường mới” diễn ra ngày 21/2.

Trạng thái của nền kinh tế đã thay đổi kịp thời

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Chủ tịch Liên minh VBF chia sẻ, chỉ cách đây 5 tháng, các doanh nghiệp chúng ta còn vô cùng lo lắng về tình hình hoạt động của doanh nghiệp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, với việc hàng loạt nhà máy phải đóng cửa, chuỗi cung ứng đứt gãy.

Tuy nhiên, với sự chỉ đạo, điều hành hiệu quả và kịp thời của Chính phủ, sự chủ động của cộng đồng doanh nghiệp và VCCI đã kịp thời thay đổi trạng thái của nền kinh tế… đã cho kết quả ấn tượng với tăng trưởng GDP cả năm 2021 ước đạt 2,58%, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2021 đạt mức kỷ lục 668,5 tỉ USD, thị trường tiền tệ, tín dụng, tỉ giá ổn định…

Cũng theo Chủ tịch VCCI, năm 2022 này mục tiêu của chúng ta đầy thách thức, với chỉ tiêu tăng trưởng GDP đặt ra từ 6% - 6,5% năm. Ngày 30/1/2022 tại Nghị quyết số 11/NQ-CP, Chính phủ đã ban hành Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, một loạt chuyển động chính sách quan trọng đã diễn ra trên thực tế, như giảm thuế VAT cho hầu hết các mặt hàng từ 10% xuống 8%, mở cửa lại các đường bay quốc tế từ ngày 15/2/2022 …

Ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh; “Vấn đề là chúng ta sẽ làm như thế nào để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế đầy tham vọng nói trên?”.

10 kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp trong nước

Để trả lời cho câu hỏi của mình, Chủ tịch VCCI cho biết, cộng đồng doanh nghiệp trong nước có một số kiến nghị các cơ quan nhà nước.

Thứ nhất là cần nâng cao hiệu quả công tác phổ biến các chính sách, quy định để các doanh nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ, nhỏ), Hợp tác xã và hộ kinh doanh dễ dàng tiếp cận thông tin.

Thứ 2, việc cho phép doanh nghiệp, hợp tác xã được giãn nợ, cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn giảm phí, không phạt trả chậm tín dụng, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để có thêm thời gian phục hồi trả nợ và khắc phục nợ xấu là rất cần thiết.

Cần nhanh chóng triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất tín dụng 2% đối với các khoản vay thương mại trong chương trình hỗ trợ phục hồi theo Nghị quyết 11 của Chính phủ. Các gói vay lãi suất thấp trong thời hạn từ 3 đến 6 tháng để hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động trong giai đoạn khôi phục kinh tế cần được triển khai mạnh mẽ;

Thứ 3 cần đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh, đi lại cho lao động, chuyên gia;

Thứ 4 là nâng cao hiệu quả các chương trình hỗ trợ đào tạo cho người lao động bị thôi việc, mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19;

Thứ 5 là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin với các thủ tục hành chính, tiến tới giải quyết hoàn toàn thủ tục hành chính trên môi trường mạng.

Thứ 6 là nâng cao hiệu quả thực thi của bộ máy chính quyền, tránh tình trạng "cát cứ" mỗi địa phương đưa ra và hiểu một cách khác nhau gây khó khăn cho các hoạt động của doanh nghiệp;

Thứ 7 là nâng cao khả năng tận dụng ưu đãi thuế quan FTA, khơi thông các chính sách liên quan đến quy tắc xuất xứ;

Thứ 8 là xác định phát triển kinh tế số là động lực tăng trưởng của nền kinh tế, tạo cơ chế thúc đẩy thương mại điện tử.

Thứ 9 là thúc đẩy phát triển thị trường nội địa, thị trường nội ngành thông qua việc tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và phong trào “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt”, đồng thời đẩy mạnh liên kết giữa các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng trong việc phối hợp tiêu thụ sản phẩm của nhau để đa dạng hóa nguồn nguyên liệu đầu vào và thị trường tiêu thụ đầu ra, giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường quốc tế.

Thứ 10 là cần tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, với trọng tâm là cải cách về thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị giải pháp khôi phục và phát triển kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO