Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động vừa công bố báo cáo tài chính quý 4/2023. Theo đó, tại thời điểm 31/12/2023, Thế Giới Di Động có 65.414 nhân viên, giảm gần 8.600 người so với cuối năm 2022, và giảm hơn 14.800 người nếu so với mức đỉnh hồi cuối quý 3/2022.
Việc giảm nhân sự trong năm 2023 đánh dấu lần đầu tiên trong 10 năm trở lại đây, Thế Giới Di Động cắt giảm người lao động.
Cụ thể, năm 2013, Thế Giới Di Động có gần 5.500 nhân viên, với 225 siêu thị. Đến hết năm 2022 công ty có hơn 74.000 người, với hơn 5.800 siêu thị, xây chắc vị trí chuỗi bán lẻ lớn nhất cả nước.
Tuy nhiên, tình hình kinh doanh của Thế Giới Di Động bắt đầu xấu đi, bởi sau đại dịch Covid-19, sức mua của người tiêu dùng bị ảnh hưởng mạnh và suy giảm đáng kể so với trước. Công ty liên tục phải đưa ra những chiến lược mới nhằm ứng phó với thị trường như cuộc chiến giá đầu năm 2023, hay ồ ạt đóng bớt các cửa hàng mà ông Nguyễn Đức Tài gọi là 'ăn bám' cuối năm 2023.
Việc giảm nhân sự có thể nói là một quyết định không mấy dễ dàng đối với ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Thế Giới Di Động, bởi xuyên suốt hành trình trở thành chuỗi bán lẻ hàng đầu cả nước, ông Tài vẫn luôn đề cao tầm quan trọng của nhân viên.
Trong một cuộc phỏng vấn năm 2016, ông Tài tiết lộ rằng Thế Giới Di Động đặt khách hàng ở vị trí số 1, ngay sau đó là nhân viên ở vị trí số 2. Còn đối tác, nhà cung cấp, nhà đầu tư... tất cả cùng đứng ở vị trí số 3.
Tại một sự kiện năm 2019, năm mà Thế Giới Di Động tăng trưởng nhân sự mạnh nhất, ông Tài cũng từng ví von Thế Giới Di Động như một con thuyền ra khơi: "MWG không có người sử dụng lao động và người lao động. MWG chỉ có một thủy thủ đoàn 45.000 người cùng ra khơi đánh cá và cùng chia sẻ thành quả".
Chủ tịch Thế Giới Di Động khẳng định, số đông nhân viên dù ở bất kỳ vị trí nào đều muốn làm thật ăn thật. Rất ít nhân viên muốn làm thật ăn dối. Do đó, để quản trị con người bền vững phải tạo được môi trường nơi mà nhân viên có thể cống hiến, từ đó nhận lại thu nhập xứng đáng. Phương châm của ông Tài là mọi thứ chi ra đều là phí, nhưng có 2 khoản chi không phí là chi cho nhân viên và khách hàng.
Tầm quan trọng của khách hàng rõ ràng không phải bàn cãi, bởi 'khách hàng là thượng đế'. Và để lấy được sự hài lòng của khách hàng, ông Tài muốn nhân viên của ông, những người phục vụ trực tiếp cho khách hàng, phải có thái độ thật tốt.
"Khách hàng cảm nhận rất rõ sự khác biệt giữa một nụ cười đểu so với một nụ cười chào đón. Để nhân viên phục vụ khách hàng một cách niềm nở, cần 2 yếu tố: Tiền bạc và niềm vui. Trong đó, niềm vui có thể xây dựng được theo thời gian, còn tiền bạc chính là các cổ phiếu ESOP", ông Tài nói.
Cũng chính vì thế, hàng năm Thế Giới Di Động đều phát hành ESOP để đảm bảo tài chính cho nhân viên, giúp nhân viên yên tâm, tập trung chăm sóc khách hàng, niềm nở chào đón khách hàng. Ngoài ra, ESOP còn giúp Thế giới di động giữ được người tài nhờ chính sách hạn chế chuyển nhượng trong vòng 4 năm.
Tuy nhiên, trong năm 2023 vừa qua, do tình hình kinh doanh quá khó khăn nên Thế Giới Di Động đã không thực hiện ESOP. Điều này khiến nhà đầu tư nhớ lại câu nói của ông Nguyễn Đức Tài: "Nếu một ngày nào đó chính sách ESOP không được thông qua thì hiệu quả kinh doanh của công ty sẽ có vấn đề".
Không những vậy, năm 2023 còn là năm Thế Giới Di Động mua lại cổ phiếu quỹ từ nhân viên nghỉ việc nhiều nhất từ trước tới nay.
Theo kết quả kinh doanh mới được công bố, Thế Giới Di Động kết thúc năm 2023 với doanh thu 118.280 tỷ đồng, giảm 11% so với năm trước và hoàn thành 88% chỉ tiêu.
Lợi nhuận sau thuế là 168 tỷ đồng, giảm 96% so với năm ngoái.