Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) tại Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn từ các chính sách hỗ trợ, nổi bật là Nghị quyết 68 của Chính phủ. Tuy nhiên, hành trình tận dụng cơ hội này không hề dễ dàng khi SME đối mặt với nhiều thách thức về vốn, quản trị, và tiêu chuẩn phát triển bền vững. Để làm rõ hơn bức tranh này, CafeF phối hợp cùng Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) tổ chức talkshow với chủ đề "Đồng hành cùng doanh nghiệp đón sóng Nghị quyết 68".

Trong tập đầu tiên của talkshow "Đón sóng Nghị quyết 68", PGS.TS Trần Đình Thiên – Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, và ông Từ Tiến Phát – Tổng Giám đốc ACB nhận định, Nghị  quyết 68 không chỉ được xem là cú hích chiến lược, mà còn là thời điểm vàng để SMEs bứt phá khỏi giai đoạn được cho là "khó khăn nhất trong 40 năm qua".

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, cũng có không ít thách thức. Vậy làm sao để các doanh nghiệp nhỏ và các hộ kinh doanh có thể tận dụng tốt các chính sách? Làm sao để giải quyết bài toán về vốn – được xem là bài toán lớn nhất đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME)? Những câu hỏi trên sẽ được giải đáp trong tập 2 của talkshow với chủ đề "Đồng hành cùng doanh nghiệp đón sóng Nghị quyết 68".

Tập 2 có sự góp mặt của hai vị khách mời đặc biệt: ông Ngô Tấn Long, Phó Tổng Giám đốc ACB – ngân hàng dẫn đầu trong hỗ trợ SME, và ông Mạc Quốc Anh, Viện trưởng Viện Kinh tế và Phát triển Doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa Hà Nội với sự dẫn dắt bởi MC Ngọc Nhi.  

233a1614.jpg
w_04.png

MC Ngọc Nhi: Thưa ông Mạc Quốc Anh, ông có thể chia sẻ tổng quan về vai trò của SME trong nền kinh tế Việt Nam và những khó khăn chính mà họ đang gặp phải?

Ông Mạc Quốc Anh: SME hiện là xương sống của nền kinh tế Việt Nam. Theo Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 6/2025, cả nước có khoảng 980.000 doanh nghiệp, trong đó SME chiếm tới 97%. Họ đóng góp hơn 45% GDP, hơn 31% tổng thu ngân sách nhà nước, và tạo ra hơn 60% việc làm. Đây là lực lượng then chốt, không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn góp phần ổn định xã hội thông qua việc làm và đổi mới sáng tạo.

Tuy nhiên, SME đang đối mặt với nhiều thách thức lớn. Trong đó, vấn đề vốn là điểm nghẽn chính. Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), khoảng 70% SME gặp khó khăn khi vay vốn ngân hàng do thiếu tài sản đảm bảo, dòng tiền chưa ổn định, hoặc hồ sơ kế toán chưa minh bạch.

Bên cạnh đó quản trị yếu cũng là rào cản. Hơn 60% SME vận hành theo kiểu gia đình, thiếu chiến lược bài bản và kỹ năng chuyển đổi số.

Ngoài ra, chuỗi cung ứng và thị trường đang chịu tác động từ đứt gãy do dịch Covid-19 và xung đột địa chính trị. Chỉ 15% SME tham gia trực tiếp vào chuỗi cung ứng xuất khẩu, phần lớn vẫn phụ thuộc vào thị trường nội địa hoặc gia công cấp thấp.

Cuối cùng, tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội, quản trị) là thách thức mới. Gần 80% SME chưa được đào tạo hoặc hiểu rõ quy trình tuân thủ ESG, trong khi các thị trường như EU, Mỹ, Nhật Bản yêu cầu khắt khe về phát triển xanh. Từ năm 2026, EU sẽ áp dụng Cơ chế Điều chỉnh Biên giới Carbon (CBAM), và nếu không giảm phát thải, SME có nguy cơ mất thị trường.

Những khó khăn kể trên phản ánh nội lực yếu của SME, kết hợp với bối cảnh thị trường biến động nhanh, như các chính sách thuế đối ứng của Mỹ. Nếu không có hỗ trợ từ chính sách như Nghị quyết 68 hay sự đồng hành của các ngân hàng như ACB, SME sẽ khó vượt qua giai đoạn này.  

w_06.png

MC Ngọc Nhi: Cảm ơn ông Mạc Quốc Anh đã mang đến bức tranh tổng quan. Thưa ông Ngô Tấn Long, ACB là ngân hàng tiên phong trong hỗ trợ SME. Ông đánh giá thế nào về bài toán vốn – điểm nghẽn lớn nhất của các doanh nghiệp này?

Ông Ngô Tấn Long: Vốn là yếu tố sống còn để SME phát triển, nhưng hiện nay chỉ khoảng 17-20% SME đang vay vốn từ các tổ chức tín dụng, cho thấy một khoảng cách lớn trong tiếp cận vốn. Tại ACB, chúng tôi nhận thấy điểm nghẽn chính nằm ở việc SME chưa chuẩn bị được kế hoạch kinh doanh khả thi, bài bản, và tình hình tài chính chưa minh bạch. Điều này khiến các ngân hàng, kể cả ACB, phải thận trọng và thường yêu cầu tài sản đảm bảo – yếu tố mà nhiều SME thiếu. Ngoài ra, không ít SME còn e dè khi làm việc với ngân hàng, chưa mạnh dạn chứng minh phương án kinh doanh của mình.

Tuy nhiên, tôi cho rằng giải pháp không chỉ nằm ở ngân hàng. Các quỹ bảo lãnh doanh nghiệp nhỏ và vừa, quỹ đầu tư tư nhân, hay sàn giao dịch gọi vốn cộng đồng – như được đề cập trong Nghị quyết 68 – cần được kích hoạt để tạo thêm kênh huy động vốn. ACB cam kết đồng hành cùng SME, không chỉ qua tín dụng mà còn qua các giải pháp tài chính toàn diện, giúp họ vượt qua rào cản này.

MC Ngọc Nhi: Vậy để vượt qua những khó khăn và thách thức này, theo hai vị khách mời, các doanh nghiệp cần làm gì?

Ông Mạc Quốc Anh: Doanh nghiệp cần thay đổi tư duy, từ quản trị tài chính minh bạch, công khai tài sản đảm bảo, đến xây dựng phương án kinh doanh khả thi. Để vượt qua thách thức, SME không thể đứng ngoài sân chơi toàn cầu mà phải hội nhập kinh tế quốc tế một cách thành công. Điều này đòi hỏi tư duy quản trị mang tính quốc tế, vì SME thường cung ứng cho các doanh nghiệp lớn trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Nếu chỉ tập trung vào thị trường nội địa, sẽ rất khó thích ứng với những biến đổi về địa chính trị, hàng hóa, và logistics.  

w_08.png

Để đổi mới toàn diện, SME cần áp dụng công nghệ hiện đại, đầu tư vào nguồn lực con người để giữ chân nhân tài, từ đó tạo ra sản phẩm sáng tạo, cạnh tranh.

Ngoài ra, SME cần thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Nhà nước, đặc biệt là tinh thần của Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân, hội nhập kinh tế quốc tế, áp dụng công nghệ đổi mới, và thực thi pháp lý.

Ông Ngô Tấn Long: Tôi cho rằng SME cần tập trung vào ba điểm sau:

Thứ nhất, thích ứng linh hoạt với môi trường kinh doanh: SME cần nắm bắt các cơ hội mới, như Nghị quyết 68 với ưu đãi miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 3 năm cho doanh nghiệp mới thành lập, giảm 30% tiền thuê đất trong 5 năm đầu tại khu/cụm công nghiệp, và cắt giảm nhiều thủ tục hành chính.

Thứ hai, đẩy mạnh chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo: Chuyển đổi số là cánh cửa dẫn đến phát triển bền vững. Bán hàng qua kênh số đã chứng minh mang lại lợi thế vượt trội, giúp tăng trưởng doanh thu.

Thứ ba, quản trị tài chính rõ ràng và sử dụng vốn hiệu quả: SME cần tối ưu hóa quy trình quản lý tài chính, sổ sách minh bạch, và quản lý dòng tiền tốt hơn để nâng cao uy tín khi quan hệ với ngân hàng.  

w_10.png

MC Ngọc Nhi: Theo ông Mạc Quốc Anh, Nghị quyết 68 nhấn mạnh phát triển bền vững là một trụ cột quan trọng trong khu vực kinh tế tư nhân. SME cần làm gì để đáp ứng các tiêu chuẩn xanh, giảm phát thải, và sử dụng năng lượng tái tạo, và đâu là những thách thức lớn nhất?

Ông Mạc Quốc Anh: Nghị quyết 68 đã đặt SME vào quỹ đạo phát triển dài hạn, tránh hy sinh môi trường để đổi lấy tăng trưởng ngắn hạn. Tuy nhiên, việc áp dụng các tiêu chuẩn xanh như ESG là một hành trình đầy thách thức.

Thách thức đầu tiên là thiếu vốn đầu tư. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2023, chi phí đầu tư vào thiết bị công nghệ tiết kiệm năng lượng cao gấp 1,5-2 lần so với thiết bị thông thường. Trong khi đó, SME vốn mỏng, và chỉ khoảng 3% tiếp cận được các gói tín dụng xanh, theo IFC.

Thách thức tiếp theo là thiếu thông tin và nhân lực chất lượng cao. Tiêu chuẩn ESG đòi hỏi đo lường khí thải CO2, quản trị rủi ro môi trường, và lập báo cáo bền vững. Nhưng hơn 70% SME chưa có bộ phận chuyên trách hoặc nhân sự đủ trình độ, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư năm 2024.

Sức ép từ thị trường nội địa thấp cũng là một thách thức. Khách hàng trong nước chưa chú trọng đến sản phẩm sạch, trong khi các thị trường xuất khẩu như EU, Mỹ, Nhật Bản yêu cầu khắt khe. Điều này làm giảm động lực tự nguyện chuyển đổi xanh của SME.

Ngoài ra, còn có thách thức về rào cản kỹ thuật và chứng nhận hay hệ sinh thái hỗ trợ chưa đồng bộ. Hiện nay, dù có nhiều chương trình khuyến khích từ Nhà nước, sự liên kết giữa ngân hàng, tổ chức tư vấn, hiệp hội, và cơ quan quản lý còn rời rạc. Để vượt qua, SME cần một hệ sinh thái hỗ trợ đồng bộ, từ chính sách ưu đãi, đào tạo nhân lực, đến các quỹ tài chính xanh mang tính đột phá.  

w_12.png

MC Ngọc NhiNhững thách thức về ESG quả thực không nhỏ. Thưa ông Ngô Tấn Long, ACB đã có những hành động cụ thể nào để hỗ trợ SME trong hành trình chuyển đổi xanh này?

Ông Ngô Tấn Long: Phát triển bền vững là kim chỉ nam của ACB. Chúng tôi đã triển khai ba nhóm giải pháp chính để đồng hành cùng SME:

Thứ nhất, tích hợp bền vững vào chiến lược. ACB là ngân hàng tiên phong lồng ghép tiêu chí bền vững vào mọi hoạt động, xây dựng khung tài chính bền vững với sự tư vấn của IFC, tuân thủ định hướng tín dụng xanh của Ngân hàng Nhà nước và thông lệ quốc tế. Chúng tôi cũng công bố báo cáo phát triển bền vững hàng năm từ 2022, cam kết đạt Net Zero vào năm 2050.

Thứ hai, đầu tư hạ tầng kỹ thuật số. Nội bộ ACB sử dụng chữ ký điện tử, loại bỏ chứng từ giấy. Với khách hàng, chúng tôi cung cấp hệ thống giao dịch trực tuyến, giúp hơn 75% giao dịch (thanh toán, bảo lãnh, cho vay, giải ngân) được thực hiện tự động, tiết kiệm thời gian và chi phí cho SME.

Thứ ba, sản phẩm tài chính xanh. ACB triển khai gói tín dụng xanh 4.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ SME trong các lĩnh vực như bảo vệ môi trường, giảm biến đổi khí hậu, và sử dụng hiệu quả tài nguyên. Ngân hàng Nhà nước cũng đang xây dựng kế hoạch hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách cho các dự án xanh, và ACB sẽ phối hợp để triển khai hiệu quả.

w_14.png

MC Ngọc Nhi: Một khía cạnh khác của Nghị quyết 68 là phát triển kinh tế chuỗi. Thưa ông Mạc Quốc Anh, tín dụng chuỗi cung ứng đang được kỳ vọng, nhưng tại sao hiệu quả chưa như mong đợi, và đâu là giải pháp?

Ông Mạc Quốc Anh: Tín dụng chuỗi cung ứng là giải pháp tiên tiến, cho phép SME vay dựa trên hợp đồng mua bán thay vì tài sản thế chấp. ACB đã triển khai rất hiệu quả, nhưng tổng thể tại Việt Nam, hiệu quả còn hạn chế do: (1) Thiếu minh bạch dữ liệu: Khoảng 65% hợp đồng mua bán của SME vẫn thủ công, thiếu xác thực pháp lý, khiến ngân hàng không tin tưởng cấp tín dụng. (2) Liên kết chuỗi cung ứng lỏng lẻo: Mối quan hệ giữa doanh nghiệp lớn và SME còn thiếu cam kết, dẫn đến dòng tiền không ổn định. (3) Cơ chế phối hợp chưa hoàn thiện: Quy trình của một số ngân hàng còn rườm rà, pháp lý về xác thực điện tử chưa phổ cập. (4) Thiếu kiến thức tài chính: Nhiều SME chưa quen với tín dụng dòng tiền, vẫn nghĩ tài sản thế chấp phải là bất động sản.

Giải pháp để khắc phục bao gồm: Các doanh nghiệp SME cần hoàn thiện khung pháp lý để công nhận hợp đồng điện tử; hợp tác giữa ngân hàng, hiệp hội, và doanh nghiệp lớn để tạo cơ chế bảo lãnh; tổ chức đào tạo tài chính ngắn hạn; khuyến khích hợp đồng dài hạn 1-5 năm; và ứng dụng blockchain, hợp đồng thông minh để minh bạch chuỗi cung ứng, như mô hình tại Hà Lan.

w_16.png

MC Ngọc NhiThưa ông Ngô Tấn Long, ACB đánh giá thế nào về tiềm năng tài trợ chuỗi cung ứng, và ngân hàng đã triển khai những sáng kiến gì để hỗ trợ SME?

Ông Ngô Tấn Long: Tài trợ chuỗi cung ứng là xu hướng tất yếu, giúp tối ưu hóa dòng tiền giữa nhà cung cấp, nhà sản xuất lớn, và nhà phân phối, giảm rủi ro thanh khoản. SME trong chuỗi được hưởng lợi từ uy tín của doanh nghiệp lớn, qua đó tăng khả năng tiếp cận vốn. Dù hiệu quả chưa như kỳ vọng, với đầu tư vào công nghệ số, chữ ký điện tử, và hạ tầng kỹ thuật, chúng tôi tin lĩnh vực này sẽ tăng trưởng mạnh.

Tại ACB, chúng tôi triển khai tài trợ bảo lãnh khép kín từ cung ứng đầu vào đến phân phối đầu ra, thiết kế phù hợp từng chuỗi. Chúng tôi đầu tư vào các nền tảng quản lý tự động để kết nối hoạt động tài trợ. Trong tương lai, ACB tập trung vào các chuỗi ngành hàng tiêu dùng nhanh và thương mại phân phối, nơi có số lượng lớn SME và hộ kinh doanh.

MC Ngọc Nhi: Thưa ông Mạc Quốc Anh, các doanh nghiệp đang kỳ vọng lớn vào Nghị quyết 68. Những kỳ vọng này có cơ sở không?

Ông Mạc Quốc Anh: Hoàn toàn có cơ sở, cả về lý luận lẫn thực tiễn. Nghị quyết 68 mang đến ba lợi ích chính: cắt giảm 30% thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh minh bạch; ổn định pháp lý, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; và ưu đãi về thuế, vốn, đất đai, như giảm 2% thuế VAT đến 2026. Những chính sách này giúp thị trường đạt mục tiêu tăng trưởng trên 8% trong năm 2025.

Chủ trương coi kinh tế tư nhân là động lực tăng trưởng mới thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ. SME cần chủ động đi trước, đón đầu xu hướng chuyển đổi kép (xanh và số) để chiếm lợi thế cạnh tranh và hội nhập quốc tế thành công.  

w_18.png

MC Ngọc NhiThưa ông Ngô Tấn Long, theo kế hoạch ngành ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước, ACB có những giải pháp nào để hỗ trợ SME theo tinh thần Nghị quyết 68?

Ông Ngô Tấn Long: ACB hiện triển khai bốn nhóm giải pháp:

Thứ nhất, nguồn vốn ưu đãi: Gói tín dụng 20.000 tỷ đồng với lãi suất thấp hơn thông thường từ 2%.

Thứ hai, giải pháp tài trợ linh hoạt: Cho vay dựa trên dòng tiền (hạn mức đến 10 tỷ đồng), cấp thấu chi (đến 3 tỷ đồng), tài trợ không cần tài sản đảm bảo, và cho vay dài hạn trả góp (đến 8 tỷ đồng, tối đa 15 năm). Đối với SME mới từ hộ kinh doanh, chúng tôi xem xét lịch sử hoạt động hộ kinh doanh.

Thứ ba, thanh toán không dùng tiền mặt: Các giải pháp như ACB Online, ACB One, QR code hỗ trợ thanh toán hiệu quả, phù hợp quy định từ 1/7/2025 về hóa đơn trên 5 triệu đồng.

Thứ tư, mở rộng thị trường: Nền tảng ACB Reward giúp SME đưa ưu đãi sản phẩm đến khách hàng ACB, miễn phí.

MC Ngọc Nhi: Ông Mạc Quốc Anh, ông đánh giá thế nào về các sáng kiến này?

Ông Mạc Quốc Anh: Các giải pháp của ACB rất thiết thực, đặc biệt là tư duy tín dụng dòng tiền, phù hợp với xu hướng quốc tế. ACB hỗ trợ đào tạo quản trị, cung cấp kênh hỗ trợ 24/7, và ưu tiên các ngành chiến lược. Mô hình đồng thương hiệu, như đưa sản phẩm SME lên thẻ Visa với ưu đãi 50%, là sáng kiến thông minh. Hợp tác với Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa Hà Nội để đào tạo định kỳ cũng rất cần thiết.

Sự hỗ trợ của ACB giúp SME tiết kiệm chi phí, nhân lực, tài lực, đặc biệt trong bối cảnh áp lực chuyển đổi xanh và số. Các nhóm ngành được ACB ưu tiên, như tái chế và kinh tế tuần hoàn, rất có ý nghĩa chiến lược. Nếu triển khai tốt, ACB sẽ trở thành đối tác dẫn đầu trong các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, đóng góp vào tăng trưởng GDP và tạo việc làm thông qua các phương án kinh doanh khả thi.  

w_20.png

MC Ngọc Nhi: Thưa ông Ngô Tấn Long, đâu là yếu tố then chốt để ACB giữ vị thế dẫn đầu trong hỗ trợ SME?

Ông Ngô Tấn Long: ACB ra đời để phục vụ nhóm khách hàng kinh doanh, đặc biệt là SME. Từ năm 1993, ACB đã xác định tiểu thương ở các chợ và doanh nghiệp tư nhân quy mô vừa và nhỏ là trọng tâm. Việc này giúp ACB hiểu sâu sắc nhu cầu, khó khăn của SME và xây dựng văn hóa phục vụ ăn sâu vào mọi cấp độ của ngân hàng. Đây là nền tảng để ACB thiết kế sản phẩm, dịch vụ "đo ni đóng giày" cho SME, trở thành "ngân hàng của SME" trong tâm trí khách hàng.

Hiện nay, ACB phục vụ hơn 300.000 SME và 800.000 hộ kinh doanh trên khắp Việt Nam, tự hào là ngân hàng tư nhân phục vụ SME lớn nhất. ACB đã chứng kiến nhiều doanh nghiệp vươn mình lớn mạnh và tiếp tục đồng hành cùng họ.

Các yếu tố then chốt để ACB giữ vị thế dẫn đầu trong hỗ trợ SME là: Hiểu biết sâu sắc nhu cầu SME để thiết kế giải pháp phù hợp; Luôn lắng nghe, xem doanh nghiệp như đối tác đồng hành, chia sẻ khó khăn; Đầu tư mạnh vào chuyển đổi số, quản trị rủi ro hiệu quả và cam kết phát triển bền vững; Hệ thống chi nhánh, phòng giao dịch trải rộng khắp cả nước, cùng đội ngũ quan hệ khách hàng tận tâm, chính trực, tạo sự yên tâm, tin tưởng cho SME.

MC Ngọc Nhi: ACB có cam kết hay thông điệp gì gửi đến SME và hộ kinh doanh đang tìm kiếm đối tác tài chính để phát triển?

Ông Ngô Tấn Long: ACB luôn lấy khách hàng SME làm trọng tâm. Mọi sản phẩm, dịch vụ đều hướng đến giải quyết "nỗi đau" của SME, từ bài toán vốn, công nghệ đến mở rộng thị trường. Sự thành công của khách hàng chính là thành công của ACB.

Trong hơn 32 năm, ACB xem SME là đối tác quan trọng, cam kết cung cấp bộ giải pháp tốt nhất thị trường và xây dựng mối quan hệ đối tác bền vững để cùng phát triển vững vàng trong tương lai.  

w_22.png
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO