Vị tỷ phú này là một trong những nhà tài trợ hàng đầu trong chiến dịch bầu cử của ông Trump và được cho là có thể đảm nhận vai trò cố vấn hoặc một vị trí trong nội các tại Nhà Trắng.
Trước thềm cuộc bầu cử, mối quan hệ của Musk và Trump đã thu hút được sự quan tâm từ phía Bắc Kinh, trong bối cảnh Tesla thúc đẩy mạnh hoạt động sản xuất tại quốc gia châu Á.
Theo Scott Kennedy, cố vấn cấp cao và Chủ tịch Ủy thác về Kinh doanh và Kinh tế Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, Trung Quốc rất quan tâm đến việc liệu Musk có phải là Kissinger mới hay không, tức là một nhân vật trung gian cho một thoả thuận giữa Washington và Bắc Kinh.
Kennedy nhận định rằng câu hỏi trên vẫn khó có thể trả lời ở thời điểm này.
Nhà ngoại giao Mỹ nổi tiếng Henry Kissinger, đã qua đời hồi năm ngoái, được coi là vị quan chức đóng vai trò quan trọng trong việc bình thường hoá quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, bắt đầu bằng chuyến thăm đầu tiên của ông tới Bắc Kinh vào năm 7/1971.
Kissinger cũng là một nhà ngoại giao “có tiếng” ở Trung Quốc và ông có nhiều lần gặp gỡ các nhà lãnh đạo ở nước này, với tư cách là một nhà ngoại giao không chính thức trong nỗ lực thúc đẩy mối quan hệ giữa 2 nước. Chỉ vài tháng trước khi qua đời vào tháng 11/2023, ông đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh.
Kỳ vọng về việc Musk có thể tiếp nối thành tựu của ông Kissinger đã nổi lên, khi vị tỷ phú ngày càng có nhiều lần trao đổi với các quan chức cấp cao của Trung Quốc. Trong chuyến thăm gần nhất vào tháng 4, CEO của Tesla và SpaceX đã gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường. Theo truyền thông nhà nước, ông Lý Cường từng nói rằng Tesla và một ví dụ về sự thành công trong hợp tác thương mại giữa Bắc Kinh và Washington.
Wang Yiwei, Giám đốc Viện Quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, nói với CNBC rằng Musk được coi là một doanh nhân hiểu cả Trung Quốc và Mỹ.
Quan điểm tích cực từ phía Trung Quốc có thể giúp Musk thúc đẩy những động thái linh hoạt hoặc thậm chí huỷ bỏ rủi ro tăng thuế quan mà ông Trump dự kiến sẽ áp đặt với hàng hoá Trung Quốc, theo Wang. Vị chuyên gia cũng kỳ vọng hoạt động sản xuất của Tesla ở Bắc Kinh có thể tạo điều kiện cho các công ty Trung Quốc xây dựng nhà máy ở Mỹ.
Musk từng lên tiếng bày tỏ sự lo ngại về căng thẳng giữa 2 nước và không hài lòng khi chính quyền Joe Biden tăng thuế với xe điện Trung Quốc lên 100% vào đầu năm nay.
Wang Huiyao, nhà sáng lập Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc và Toàn cầu hóa tại Bắc Kinh, cho biết, để tạo ra tác động thực sự đến chính sách của Mỹ, một doanh nhân - hay thậm chí là người giàu nhất thế giới, vẫn không đủ khả năng để cải thiện mối quan hệ như cách ông Kissinger từng làm.
Thay vào đó, Wang cho biết một nhóm các lãnh đạo doanh nghiệp nổi tiếng, bao gồm Elon Musk, Tim Cook của Apple và Stephen Schwarzman của Blackstone Group, có thể hoạt động như một "nhóm Kissinger”. Theo ông, nhóm này có thể không có sức ảnh hưởng tương tự như Kissinger, do bối cảnh phức tạp hơn, nhưng họ có thể giúp ổn định mối quan hệ 2 nước.
Dewardric McNeal, giám đốc điều hành và nhà phân tích chính sách cấp cao của Longview Global, nói với CNBC, "Mặc dù đúng là Trung Quốc đôi khi có đàm phán với những người Mỹ có ảnh hưởng làm ‘kênh' không chính thức, nhưng thật khó để coi Musk là một Kissinger thời hiện đại".
Theo McNeal, đối với các doanh nhân này, họ có trách nhiệm nhiều hơn với cổ đông chứ không phải lợi ích quốc gia. Việc tham gia vào các hoạt động chính trị có thể dẫn đến “xung đột lợi ích” và khiến họ phải chịu sự giám sát chặt chẽ nếu ngoại giao thất bại.
Tham khảo CNBC