Đúng như dự báo của nhiều công ty chứng khoán, phiên đầu tuần (10/6), dòng tiền mua của các nhà đầu tiếp tục áp đảo đà bán. Thị trường mở cửa trong sắc xanh, rồi lao vút lên gần 10 điểm, áp sát ngưỡng 1.300 điểm.
Thế nhưng, sau đó tâm lý thận trọng dần xuất hiện, dòng tiền của các nhà đầu tư “quay xe” âm thầm rời nhóm cổ phiếu bluechip khiến đà tăng của chỉ số chính VN-Index bị thu hẹp đáng kể.
Kết phiên 10/6, chỉ số chính VN-Index tăng 3,09 điểm, lên 1.290,67 điểm. Tại sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index tăng 0,59 điểm, lên 245,59 điểm. Tương tự 2 sàn chính, sàn UPCoM-Index tăng 0,62 điểm, lên 99,49 điểm.
Hôm nay, dòng tiền của các nhà đầu tư chảy vào thị trường được cải thiện rõ rệt so với phiên giao dịch cuối tuần qua. Phiên 10/06, tổng thanh khoản trên cả 3 sàn là gần 2.500 tỷ đồng, tăng hơn 4.000 tỷ đồng so với phiên giao dịch trước. Riêng sàn HoSE thanh khoản đạt hơn 21.600 tỷ đồng, tăng hơn 3.000 tỷ đồng so với phiên trước.
Độ rộng của thị trường nghiêng hẳn về bên mua, dòng tiền của các nhà đầu tư chảy về các nhóm ngành: Chứng khoán, công nghệ và thông tin, bán lẻ, chế biến thủy sản và vận tải – kho bãi …
Dù ghi nhận tới 15 mã giảm giá so với 11 mã tăng giá, nhưng rổ VN30 vẫn tích lũy thêm được 3,07 điểm, lên 1.311,1 điểm. Với đà tăng 2,43%, cổ phiếu GVR của Tập đoàn Công nghiệp Ca su Việt Nam đóng góp nhiều nhất cho chỉ số chính VN-Index với hơn 1,2 điểm. Theo sau là cổ phiếu CTG của Vietinbank với đà tăng 2,13%. Các cổ phiếu tăng trên 1% gồm có: FPT +1,41%, MWG +1,45%, PLX +1,08%, TPB +1,38%, STB +1,14%.
Dù chỉ giảm 0,56%, nhưng cổ phiếu VCB của Vietcombank vẫn dẫn đầu nhóm cổ phiếu gây áp lực lên chỉ số chính VN-Index với hơn 0,67 điểm. Theo sau là bộ đôi cổ phiếu giảm trên 2% là cổ phiếu BCM của Becamex và POW của Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam. Còn lại là các cổ phiếu giảm dưới 1% như SSI, ACB, BID, BVH, MSN, …
Nhóm cổ phiếu vận tải kho bãi hút mạnh dòng tiền của các nhà đầu tư, khi nhóm này có đến 39 mã tăng giá (gồm 10 mã tăng trần) so với 6 mã giảm giá.
Trong đó, 10 mã tăng trần của nhóm này gồm: cổ phiếu CAG +9,47%, DXP +9,35%, GSP +6,81%, HAH +6,89%, MAC +9,42%, QNP +6,87%, TCO +6,93%, VNL +6,9%, VOS +6,96%, VTO +6,87%.
Ngoài ra, nhóm này còn có các cổ phiếu tăng mạnh khác như CCR +9,09%, VMS +9,21%. Các cổ phiếu tăng trên 5% như CDN +5,68%, PGT +5,88%, PJT +5,83%, PVT +5,56%, SFI +5,54%. Ngoài ra, nhóm này còn một loạt cổ phiếu tăng từ 3 – 4% như: VSC, SGN, PVP, PRC, ….
Trên sàn UPCoM, cổ phiếu NCG của Công ty CP Tập đoàn Nova Consumer cũng thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư. Sau đà tăng gần 60% thị giá trong 4 phiền đầu tuần trước, 2 phiên gần đây cổ phiếu “họ Nova” này đã giảm gần 15% thị giá.
Kết phiên 10/6, cổ phiếu NCG ở mức 13.800 đồng/cổ phiếu, giảm 7,38% so với phiên giao dịch trước, khối lượng cổ phiếu giao dịch khớp lệnh là gần 130 nghìn đơn vị.
Khối ngoại tiếp tục duy trì đà bán ròng trên cả 3 sàn lên phiên thứ 12, với giá trị gần 1.250 tỷ đồng, gấp gần 2,5 lần so với phiên giao dịch trước. Trong đó, khối ngoại bán ra nhiều nhất cổ phiếu FPT của “ông lớn” công nghệ FPT. Theo sau là cổ phiếu LHC (127,08 tỷ đồng), cổ phiếu VCB (92,66 tỷ đồng), cổ phiếu HPG (87,14 tỷ đồng), cổ phiếu VNM và cổ phiếu SSI lần lượt là 81,35 tỷ đồng và 80,52 tỷ đồng.
Ở chiều mua vào, khối ngoại mua vào cổ phiếu FRT của Công ty CP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT với số tiền 44,06 tỷ đồng. Theo sau là cổ phiếu STB (38,28 tỷ đồng), cổ phiếu GVR và cổ phiếu HAH lần lượt 30,76 tỷ đồng và 22,94 tỷ đồng.
Riêng trên sàn HoSE khối ngoại hôm nay bán ròng ra hơn 1.100 tỷ đồng.