Thị trường hút khách, VN-Index tăng hơn 18 điểm phiên đầu tuần
Sau nhiều phiên điều chỉnh mạnh ở cuối tuần trước, tâm lý bắt đáy thị trường giúp phiên đầu tuần (03/6) giao dịch khởi sắc, với đà mua áp đảo hoàn toàn trên thị trường.
Kết phiên 3/6, chỉ số chính VN-Index tăng 18,28 điểm, lên 1.280 điểm. Sàn HNX-Index tăng 1,63 điểm, lên 244,72 điểm. Tương tự, sàn UPCoM-Index tăng 1,05 điểm, lên 96,93 điểm.
Phiên 3/6, khối ngoại tiếp tục bán ròng trên cả 3 sàn với giá trị hơn 266 tỷ đồng. Trong đó, khối ngoại bán ra nhiều nhất cổ phiếu MWG của Thế Giới Di Động với giá trị gần 130 tỷ đồng. Theo sau là cổ phiếu FPT (113 tỷ đồng), cổ phiếu TCB (95,6), VCB (86,5 tỷ đồng), …
Ở chiều mua vào, khối ngoại mua vào nhiều nhất cổ phiếu MBB của MBBank với giá trị hơn 137 tỷ đồng. Theo sau là cổ phiếu HPG (68,5 tỷ đồng), cổ phiếu DPM (gần 51 tỷ đồng), cổ phiếu STB (gần 49 tỷ đồng), ….
Thanh khoản trên toàn thị trường hôm nay đạt hơn 29.000 tỷ đồng, tăng gần 8.000 tỷ đồng so với phiên trước. Riêng sàn HoSE thanh khoản đạt hơn 26.000 tỷ đồng, tăng gần 7.300 tỷ đồng so với phiên trước.
Thị trường chứng khoán đang hội tụ đủ 3 điều kiện để bước vào sóng tăng ngắn hạn
Trong báo cáo triển vọng tháng 6 mới công bố, Chứng khoán VNDirect đánh giá chênh lệch giữa E/P của VN-Index với lãi suất tiền gửi 12 tháng đang duy trì ở mức cao so với lịch sử và điều này cho thấy kênh đầu tư chứng khoán vẫn đang rất hấp dẫn trong bối cảnh lãi suất thấp hiện nay.
Định giá của VN-Index đang ở vùng khá hợp lý nếu so sánh với các thị trường mới nổi khi xét trên tỷ lệ P/E và tương đối rẻ khi xét trên tỷ lệ P/B. Tuy nhiên, xu hướng cải thiện kết quả kinh doanh trong năm 2024 sẽ là yếu tố hỗ trợ mạnh mẽ cho thị trường chứng khoán. VNDirect giữ nguyên dự báo tăng trưởng lợi nhuận ròng của các công ty niêm yết trên HoSE là 16-18% so với cùng kỳ và chỉ số sẽ đạt mốc 1.300 – 1.350 điểm năm 2024.
Đặc biệt, báo cáo phân tích chỉ rõ có mối tương quan âm giữa Lợi suất trái phiếu Chính phủ 10 năm và tỷ lệ P/E của VN-Index. Tuy nhiên, sau khi tiến gần tới cột mốc quan trọng quanh mốc 3%, lợi suất trái phiếu Chính phủ 10 năm của Việt Nam đã điều chỉnh xuống mức 2,85%. Điều này sẽ phần nào xoa dịu tâm lý thận trọng trước đó của thị trường.
Kế hoạch huy động 38.000 tỷ đồng, các CTCK bước vào cuộc đua tăng vốn
Trong 5 tháng đầu năm 2024, khoảng 1/3 trong số 30 công ty chứng khoán lớn nhất đã công bố kế hoạch tăng vốn mới tổng cộng khoảng 38 nghìn tỷ đồng trong 12 tháng tới. Đây là kế hoạch tăng vốn rất đáng kể và sẽ giúp tăng tổng vốn chủ sở hữu của các công ty lên khoảng 20%.
Với nguồn vốn bổ sung, các công ty có thể đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh cốt lõi là đầu tư và cho vay ký quỹ trong năm 2024. Tăng trưởng lợi nhuận cao hơn từ các hoạt động kinh doanh này sẽ giúp các công ty chứng khoán tăng cường bộ đệm rủi ro.
Kế hoạch tăng vốn phần lớn đến từ các công ty chứng khoán trong nước quy mô lớn (ví dụ: HCM, SSI, VCI, VND) cũng như các công ty có liên kết với ngân hàng (ví dụ: ACBS, MBS, ORS, SHS). Các công ty này đã đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận năm 2024 so với cùng kỳ năm trước ở mức trung bình 30%, chủ yếu được thúc đẩy bởi việc mở rộng hoạt động cốt lõi đầu tư và cho vay ký quỹ cùng với việc các điều kiện kinh doanh của ngành được cải thiện.
Thị trường đảo chiều cuối phiên, khối ngoại bán ra thêm gần 140 tỷ đồng cổ phiếu MWG của Thế Giới Di Động
Thị trường hút khách trong suốt cả phiên nhưng bất ngờ đảo chiều đột ngột cuối phiên khiến chỉ số chính VN-Index “hụt” ngưỡng 1.290 điểm. Khối ngoại tiếp tục bán ra mạnh gần 140 tỷ đồng cổ phiếu MWG của Thế Giới Di Động trong phiên 5/6.
Kết phiên, chỉ số chính VN-Index tăng 0,83 điểm, lên 1.284,35 điểm. Tại sàn Hà Nội, chỉ số VN-Index tăng 0,17 điểm, lên 244,49 điểm. Tương tự 2 sàn chính, sàn UPCoM-Index tăng 0,41 điểm, lên 97,41 điểm.
Khác với phiên hôm trước, phiên 5/6, thị trường nghiêng hẳn về bên mua với 421 mã tăng giá (gồm 48 mã tăng trần) so với 368 mã giảm giá (gồm 6 mã giảm sàn).
Khối ngoại kéo dài đà bán ròng lên phiên thứ 9 trên thị trường, phiên 5/6 khối ngoại bán ròng hơn 25 tỷ đồng trên cả 3 sàn. Trong đó, khối ngoại bán ra nhiều nhất là cổ phiếu MWG của Thế Giới Di Động với giá trị hơn 137,6 tỷ đồng. Trước đó, thời gian qua, khối ngoại liên tục mua vào cổ phiếu MWG góp sức giúp cổ phiếu này đạt đỉnh cao nhất từ đầu năm tới nay, ở mức 64.000 đồng/cổ phiếu vào thời điểm đầu tháng 6.
Theo sau, là cổ phiếu VNM bị khối ngoại bán ra hơn 79 tỷ đồng, TCB và VCB lần lượt bị bán ra 37,2 tỷ đồng và 19,5 tỷ đồng.
Ngược lại, khối ngoại mua vào cổ phiếu E1VFVN30 và FUESSVFL lần lượt 48,1 tỷ đồng và 43,8 tỷ đồng. Theo sau là cổ phiếu FUEVFVND (19,7 tỷ đồng), STB (16,8 tỷ đồng), CTG (13,2 tỷ đồng), …
VN-Index ngắt chuỗi tăng điểm, cổ phiếu "họ Nova" bốc đầu
Sau 3 phiên tăng điểm liên tiếp, hôm nay VN-Index giảm gần 1 điểm so với tham chiếu. Đồng thời, có phiên thứ 2 hụt ngưỡng 1.290 điểm.
Kết phiên, chỉ số chính VN-Index giảm 0,79 điểm, xuống 1.283,56 điểm. Tại sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index giảm 0,31 điểm, xuống 244,18 điểm. Ngược dòng với 2 sàn chính, sàn UPCoM-Index tăng 0,86 điểm, lên 98,32 điểm.
Hôm nay, tổng thanh khoản trên toàn thị trường là hơn 25.200 tỷ đồng, giảm hơn 2.800 tỷ đồng so với phiên trước. Dòng tiền tập chung chủ yếu vào nhóm ngân hàng, giúp khối này có đến 12 mã tăng giá, 7 mã đứng giá và chỉ có 2 mã giảm giá (gồm NVB -1,01% và OCB -0,97%).
Tâm điểm của thị trường chứng khoán hôm nay tiếp tục là cổ phiếu “họ Nova”. Với đà tăng 13,24%, cổ phiếu NCG của Công ty CP Tập đoàn Nova Consumer có phiên tăng khủng thứ 4 liên tiếp trên sàn UPCoM. Cụ thể, kết phiên 6/6, giá cổ phiếu NCG ở mức 15.400 đồng/cổ phiếu, tăng 13,24% so với phiên trước, khối lượng cổ phiếu giao dịch khớp lệnh là hơn 427 nghìn đơn vị.
Trước đó, cổ phiếu NCG đã có 3 phiên tăng trần liên tiếp, khi lần lượt tăng 14,29%, 14,42% và 14,29%. Như vậy, chỉ trong vòng 4 phiên gần đây, giá cổ phiếu NCG đã tăng gần 60%.
Trước đó, cổ phiếu “họ Nova” này có thời gian dài "ngụp lặn" vùng đáy. Đến phiên 3/6, cổ phiếu NCG của Công ty CP Tập đoàn Nova Consumer bất ngờ tăng kịch trần lên mức 10.400 đồng/cổ phiếu.
Cổ phiếu NCG tăng bốc đầu sau khi Công ty CP Tập đoàn Nova Consumer công bố tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2024 với nhiều thông tin đáng chú ý. Tại Đại hội, công ty dự kiến sẽ trình cổ đông kế hoạch kinh doanh 2024 với mục tiêu doanh thu thuần đạt 5.057 tỷ đồng, tăng 22% và mục tiêu lợi nhuận sau thuế đạt 26,35 tỷ đồng. Công ty CP Tập đoàn Nova Consumer chưa có kế hoạch chia cổ tức cho cổ đông.
Số lượng tài khoản chứng khoán cao kỷ lục
Theo thống kê từ Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSD), thị trường chứng khoán Việt Nam đã đón thêm 132.220 tài khoản mở mới trong tháng 5 vừa qua lên hơn 7,9 triệu tài khoản.
Trong đó, nhà đầu tư cá nhân trong nước mở thêm 132.010 tài khoản, qua đó nâng tổng số lượng tài khoản lên 7,8 triệu đơn vị, chiếm 99,2% quy mô toàn thị trường.
Trong khi đó, lượng tài khoản của nhà đầu tư tổ chức trong nước chỉ tăng thêm 171 đơn vị lên 16.841 tài khoản.
Tính đến cuối tháng 5, số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước đã lên đến gần 7,9 triệu đơn vị, cao nhất từ trước đến nay. Luỹ kế từ đầu năm, số lượng tài khoản chứng khoán của nhóm này cũng đã tăng gần 645.000 đơn vị.
Với nhóm nhà đầu tư nước ngoài, lượng tài khoản mở mới của cá nhân và tổ chức lần lượt tăng 217 đơn vị và giảm 7 đơn vị.
Cổ phiếu “họ Nova” quay đầu giảm điểm
Trong ngày dòng tiền bắt đáy thị trường xuất hiện vào cuối phiên, giúp chỉ số VN-Index tích lũy thêm hơn 4 điểm, tiến sát về ngưỡng 1.290 điểm. Trên sàn UPCoM cổ phiếu “họ Nova” quy đầu giảm điểm, sau nhiều phiên bốc đầu.
Kết phiên cuối tuần 7/6, trên sàn HoSE, chỉ số VN-Index tăng 4,02 điểm, lên 1.287,58 điểm. Tại sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index tăng 0,8 điểm, lên 244,99 điểm. Tương tự 2 sàn chính, sàn UPCoM-Index tăng 0,54 điểm, lên 98,86 điểm.
Khối ngoại tiếp tục duy trì đà bán ròng lên phiên thứ 11, với giá trị bán ròng hơn 500 tỷ đồng. Trong đó, cổ phiếu STB của Sacombank bị khối này bán ra nhiều nhất với giá trị gần 76,8 tỷ đồng. Theo sau là cổ phiếu HPG của Hòa Phát (70,2 tỷ đồng), cổ phiếu GMD (60,9 tỷ đồng), cổ phiếu VPB (51,7 tỷ đồng), cổ phiếu VHM (43 tỷ đồng), cổ phiếu MWG (31,7 tỷ đồng),…
Đáng chú ý, trên sàn UPCoM, sau đà tăng gần 60% thị giá trong 4 phiên gần đây, phiên 7/6 cổ phiếu NCG của Công ty CP Tập đoàn Nova Consumer bất ngờ quay đầu giảm 7,14% so với phiên giao dịch trước.
Kết phiên 7/6, giá cổ phiếu NCG ở mức 14.300 đồng/cổ phiếu, khối lượng cổ phiếu giao dịch khớp lệnh là hơn 140 nghìn cổ phiếu.
Trước đó, cổ phiếu “họ Nova” này đã có 4 phiên tăng “khủng” trên sàn UPCoM, với thị giá tăng gần 60%.
Cổ phiếu LDG ‘tím lịm’ trước ngày tổ chức ĐHĐCĐ thường niên lần 3
Sau 2 lần tổ chức bất thành ĐHĐCĐ thường niên, Công ty CP Đầu tư LDG vừa phát đi thông báo tổ chức đại hội lần 3 vào lúc 14h vào ngày 28/6 theo hình thức trực tuyến.
Sau thông tin vừa được công bố, giá cổ phiếu LDG tăng hết phiên độ vào cuối phiên ngày 7/6 lên mức giá 3.020 đồng/cp. Thanh khoản gia tăng rõ rệt với hơn 4,5 triệu cổ phiếu sang tay, tăng 73% so với trung bình 20 phiên, trong đó có nhiều lệnh đặt mua hơn 100.000 đơn vị.
Trong những năm gần đây, doanh nghiệp địa ốc này luôn ghi nhận kết quả kinh doanh lao dốc khi các dự án lớn nằm “đắp chiếu” trong thời gian dài.
Quý 1/2024, LDG ghi nhận doanh thu thuần là -130 tỷ đồng, lợi nhuận gộp là -69 tỷ đồng. Kết quả, doanh nghiệp địa ốc này báo lỗ hơn 124 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm 2024.
Trước đó, trong năm tài chính 2023, LDG ghi nhận lỗ “khủng” hơn 527 tỷ đồng. Đây là năm tài chính duy nhất báo lỗ kể từ khi doanh nghiệp địa ốc này lên sàn vào năm 2013.
Bên cạnh đó, vào cuối năm 2023, thông tin Chủ tịch HĐQT LDG, ông Nguyễn Khánh Hưng bị khởi tố do liên quan đến các dự án ở Trảng Bom, Đồng Nai càng khiến cho nhà đầu tư dần mất niềm tin vào doanh nghiệp.