Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) vừa thông báo quyết định chuyển cổ phiếu KPF của CTCP Đầu tư Tài sản Koji từ diện hạn chế giao dịch sang đình chỉ giao dịch từ ngày 26/2. Lý do là tổ chức niêm yết chậm nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên 2024 quá 6 tháng so với thời hạn quy định, thuộc trường hợp chứng khoán bị đình chỉ giao dịch.
Trước đó, vào ngày 21/1/2025, KPF đã có văn bản báo cáo phương án khắc phục tình trạng cổ phiếu KPF bị cảnh báo. Cụ thể, KPF cho biết trong quý 4/2024, công ty đã đạt được một số kết quả tài chính khả quan, bao gồm tiến triển đáng kể trong thu hồi nợ vay và kỳ vọng lợi nhuận tích cực từ các khoản đầu tư trái phiếu. Tuy nhiên, một số yếu tố như trích lập dự phòng bắt buộc đã ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh chung, tạo áp lực nhất định lên báo cáo tài chính.
Về giải pháp khắc phục và lộ trình triển khai, giai đoạn 1 (quý 1 - 3/2025), doanh nghiệp dự kiến sẽ tập trung hoàn thành các kế hoạch thu hồi nợ và tiến hành rà soát, tái cơ cấu danh mục đầu tư hiện có nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Giai đoạn 2 (quý 3 - cuối năm 2025), đẩy mạnh đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, đồng thời triển khai các dự án tiềm năng nhằm tạo ra giá trị gia tăng bền vững cho cổ đông và nhà đầu tư.
Theo báo cáo tài chính tự lập quý 4/2024, KPF không ghi nhận doanh thu nhưng lãi ròng hơn 6,6 tỷ đồng nhờ hoạt động tài chính. Lũy kế cả năm 2024, KPF “trắng” doanh thu, đồng thời lỗ kỷ lục gần 277 tỷ đồng. Với khoản lỗ kỷ lục này, công ty lỗ lũy kế gần 135 tỷ đồng tính đến cuối năm 2024.
Trong quá khứ, cổ phiếu KPF từng gây sốt trên sàn chứng khoán khi tăng “phi mã” trong thời gian ngắn. Cổ phiếu nàytừng có nhịp tăng 700% (gấp 8 lần) từ 22/11/2017 đến 11/1/2028, tức chưa đầy hai tháng, trong đó có hàng chục phiên tăng trần. Đến nay, cổ phiếu này đã rơi xuống mức thấp nhất lịch sử, chỉ còn 1.490 đồng/cp. Vốn hóa thị trường vỏn vẹn gần 91 tỷ đồng.
