Trong 6 tuần qua, cổ phiếu của hãng xe này đã giảm hơn 10%. Đáng nói, điều này xảy ra ngay cả khi đồng yên Nhật liên tục phá đáy còn lợi nhuận hoạt động của công ty trong năm tài khóa kết thúc vào 31/3 vừa qua đạt kỷ lục 32 tỷ USD. Ngay cả như vậy, cổ phiếu công ty tiếp tục giảm 2,9% trong phiên giao dịch cuối tuần trước và tiếp tục giảm 1,72% trong phiên giao dịch hôm nay, 13/5.
Trên thực tế, đồng yên vẫn yếu hơn nhiều so với đồng USD trong thời gian gần đây, thậm chí có lúc còn thủng đáy được xác lập suốt nhiều thập kỷ qua khi 160 yên mới đổi được 1 USD. Nhìn vào tỷ giá hối đoái đồng yên – USD trong lịch sử và chỉ số Nikkei Stock Average, chúng ta có thể thấy mối tương quan trong những năm gần đây.
Hệ số tương quan dao động trong khoảng -0,8 đến -0,4 trong những năm 2010, củng cố lý thuyết cho rằng đồng yên yếu hơn và giá cổ phiếu cao hơn có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Hệ số đo lường mức độ mối quan hệ giữa 2 biến này được tính theo thang điểm từ -1 cho tới 1, trong đó mức 0 biểu thị không có mối tương quan. Nó luôn nằm ở mức -0,1 đến 0,1 trong 2 năm qua và gần đây được ghi nhận là -0,02.
Trong khi đó, mối tương quan giữa tỷ giá hối đoái và cổ phiếu của Toyota là khoảng -0,3, thấp hơn nhiều so với mức -0,8 vào năm 2017.
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và thảm họa kép động đất, sóng thần năm 2011 được xem là những bước ngoặt. Để ứng phó với đồng yên mạnh hơn và giá điện cao hơn, các nhà xuất khẩu đã thực hiện các bước đi như tăng cường sản xuất ở nước ngoài và điều chỉnh loại tiền tệ sử dụng trong giao dịch chuỗi cung ứng với các thị trường địa phương, nơi sản phẩm của họ được bán.
Shunsuke Kobayashi, nhà kinh tế trưởng tại Mizuho Securities, cho biết: “Các nhà xuất khẩu không còn phải gánh chịu rủi ro đến từ biến động tỷ giá hối đoái. Tuy nhiên, các biện pháp giúp doanh nghiệp hạn chế tác động của đồng yên mạnh cũng ngăn họ hưởng lợi từ đồng yên yếu”.
Theo phân tích của Citigroup Global Markets Japan, việc đồng yên giảm giá 1% so với đồng USD vào năm 2010 sẽ đẩy thu nhập trên mỗi cổ phiếu được niêm yết ở Topix lên 2%. Tuy nhiên, con số này hiện chỉ còn 0,6%.
Trong bối cảnh đồng yên yếu hơn không còn giúp tăng thu nhập nhiều nữa, các nhà đầu tư đang ngày càng tập trung nhiều vào tác động tiêu cực của việc này hơn là lợi ích. Các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá hiệu suất danh mục đầu tư bằng đồng USD phải đối mặt với tình trạng lợi nhuận giảm sút khi đồng tiền của Nhật Bản suy yếu. Nikkei đã tăng 25% kể từ nửa cuối năm 2022 trên cơ sở điều chỉnh theo đồng USD, thấp hơn so với mức tăng 36% của S&P 500.
Trong khi đó, dù giá trị xuất khẩu và lợi nhuận các công ty con ở nước ngoài sẽ tự động tăng khi tính bằng đồng yên nhưng điều này không liên quan tới các yếu tố giúp tăng cường khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Các nhà đầu tư dài hạn với hiểu biết sâu rộng về Nhật Bản chỉ coi là vấn đề chuyển đổi.
“Khi quyết định đầu tư, họ cũng tính đến tác động của việc chuyển đổi ngoại hối trong việc đánh giá lợi nhuận cơ bản của doanh nghiệp”, Naoki Kamiyama, chiến lược gia trưởng tại Nikko Asset Management, cho biết.
Tham khảo: Nikkei