Sau 3 năm thực hiện các chính sách chống dịch nghiêm ngặt, mới đây Trung Quốc đã chính thức công bố nới lỏng các biện pháp phòng Covid-19. Quá trình phục hồi kinh tế và mở cửa có thể diễn ra vào đầu năm 2023, giúp mở ra cơ hội phục hồi một số nhóm ngành, lĩnh vực của Việt Nam trong trung hạn.
Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán Agribank (Agriseco) kỳ vọng rằng doanh nghiệp Việt Nam sẽ được hưởng lợi khi Trung Quốc mở cửa và nối lại đường bay giữa hai nước.
Trước đó, trong thời kỳ Trung Quốc đóng cửa, nhiều doanh nghiệp đã gặp không ít khó khăn do thiếu nguyên vật liệt, chi phí đầu vào tăng mạnh, hàng hóa tắc nghẽn. Việc giá cước vận tải hạ nhiệt hơn 50% từ đầu năm, hàng hóa lưu thông trở lại, thời gian nhập khẩu nguyên liệu không bị chậm trễ sẽ giúp cải thiện hoạt động sản xuất, thương mại của doanh nghiệp.
Theo Agriseco Research, nhóm doanh nghiệp có thể hưởng lợi bao gồm cơ khí, dệt may, da giày, điện tử, ô tô. Mặt khác, giá một số mặt hàng nguyên liệu đầu vào có thể tăng trở lại khi nhu cầu hồi phục như sắt thép, xi măng, kim loại cơ bản cũng sẽ cải thiện đầu ra cho DN. Nhóm DN xuất khẩu chính vào Trung Quốc kỳ vọng sẽ phục hồi như cá tra, dệt may, cao su.
Nhóm ngành "chịu thiệt"
Bên cạnh những nhóm ngành được hưởng lợi, báo cáo của Agriseco cũng chỉ ra một số nhóm chịu bất lợi. Điển hình như ngành phân bón và hóa chất, các chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư cần theo dõi thêm chính sách khôi phục sản lượng của Trung Quốc.
Tại nhóm phân bón, mặc dù giá ure thế giới đã bắt đầu hạ nhiệt kể từ giữa năm 2022 trở lại đây, song vẫn neo ở mức khá cao so với trước đại dịch Covid-19. Việc Trung Quốc ban hành lệnh cấm xuất khẩu ure từ tháng 3/2021 và Nga áp dụng hạn ngạch xuất khẩu với ure kể từ tháng 7/2022 đã khiến giá ure tăng mạnh và neo ở mức cao. Từ đây, các doanh nghiệp như DPM và DCM có KQKD tăng trưởng kỷ lục trong năm 2022.
Đội ngũ phân tích Agriseco chỉ ra rằng khi Trung Quốc mở cửa nền kinh tế, nước này có thể khôi phục lại sản lượng sản xuất và gỡ bỏ các hạn chế về xuất khẩu, qua đó khiến giá phân bón tiếp tục hạ nhiệt trong năm 2023. Trung Quốc vốn là nhà sản xuất và xuất khẩu phân bón hàng đầu thế giới. Việc nước này cắt giảm sản lượng và hạn chế xuất khẩu đã mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ trong 2 năm qua. Những thuận lợi này có thể sẽ mất đi nếu Trung Quốc khôi phục lại sản lượng.
Với những đánh giá trên, Agriseco dự phóng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp phân bón có thể sẽ đi lùi trong năm 2023 do giá phân bón tiếp tục hạ nhiệt và suy giảm từ hoạt động xuất khẩu.
"Tuy nhiên, các doanh nghiệp sản xuất urê như DPM hay DCM đều có cơ cấu tài chính tốt và trả cổ tức cao. Với nhóm này, thay vì chiến lược đầu tư tăng trưởng như 2 năm vừa qua, chiến lược đầu tư giá trị và nhận cổ tức với tỷ suất cổ tức 15-20% sẽ là lựa chọn hợp lý hơn", báo cáo nêu rõ.
Tương tự, doanh nghiệp nhóm Hóa chất trong 2 năm vừa qua đã hưởng lợi từ việc Trung Quốc cắt giảm sản lượng khiến cho giá hóa chất như xút hay phốt pho vàng tăng mạnh. Do vậy, các động thái về sản lượng từ phía Trung Quốc có thể là những điểm then chốt với nhóm này.
Một trong các khu vực sản xuất phốt pho vàng chính ở Trung Quốc là tỉnh Vân Nam đã thực hiện “Kế hoạch quản lý hiệu quả năng lượng từ ngày 22/09/22 đến 23/05/23”, khiến hiệu suất và sản lượng phốt pho vàng giảm mạnh.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng việc Trung Quốc mở cửa toàn diện nền kinh tế sẽ khiến cho nhu cầu phốt pho vàng tăng cao để phục vụ các ngành công nghiệp sản xuất như chip bán dẫn, linh kiện điện tử. Nếu chính sách cắt giảm sản lượng tiếp tục duy trì thì giá phốt pho vàng có thể tiếp tục neo ở mức cao, tuy nhiên nếu Trung Quốc khôi phục lại sản lượng có thể khiến giá phốt pho vàng hạ nhiệt mạnh hơn.
Tựu chung lại, Agriseco Research nhận định rằng KQKD các doanh nghiệp hóa chất có thể sẽ đi lùi trong năm 2023 do giá hóa chất hạ nhiệt và việc Trung Quốc khôi phục sản lượng khiến hoạt động xuất khẩu cạnh tranh hơn.