Sau 4 phiên tăng điểm liên tiếp, các nhà đầu tư kỳ vọng thị trường phiên cuối tuần sẽ thiết lập phiên tăng điểm thứ 5 và chỉ số VN-Index tiến sát về mốc 1.100 điểm. Tuy nhiên, nằm ngoài kỳ vọng của nhà đầu tư dưới áp lực bán mạnh ngay khi thị trường mở cửa phiên giao dịch sáng nay khiến chỉ số chính có lúc mất gần 10 điểm.
Tâm lý chốt lời ngắn hạn của các nhà đầu tư bao trùm lên toàn thị trường suốt phiên giao dịch, chỉ số chính chủ yếu giằng co quanh 1.050 điểm. Cuối phiên chiều, một số cổ phiếu vốn hoá lớn phục hồi đã giúp VN-Index thu hẹp đà giảm và đóng cửa giảm nhẹ 2,95 điểm xuống 1.052 điểm.
Tại thị trường thế giới, thông tin chứng khoán Mỹ đồng loạt đi xuống khi cổ phiếu ngân hàng và các công ty tài chính bị bán tháo. Phiên giao dịch hôm nay, thị trường chứng khoán châu Á cũng rơi vào đà lao dốc.
Trong khi các nhà đầu tư lo ngại báo cáo việc làm tháng 2/2023 có thể thúc đẩy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất mạnh mẽ.
Sau những phiên dẫn dắt thị trường tăng điểm ấn tượng, cổ phiếu ngân hàng quay đầu giảm mạnh. Kết phiên 10/3, cổ phiếu ngân hàng rực lửa khi 16/20 mã chứng khoán được niêm yết trên sàn HNX và sàn HoSE đều đóng cửa trong sắc đỏ.
Cụ thể, hàng loạt cổ phiếu vốn hoá lớn giảm trên 1% như TCB -2,3%, TPB -2%, ACB -1,8%, BID -1%, VCB -1%, CTG -0,7%… Toàn ngành chỉ còn 3 mã giữ được sắc xanh nhẹ gồm BAB +2,80%, EIB +0,49%, VPB +0,55% và có 1 mã HDB đứng giá.
Trong đó, cổ phiếu NVB của ngân hàng Quốc Dân giảm mạnh nhất toàn ngành, giảm 4,7% xuống mức giá 16.200 đồng/CP. Khối lượng giao dịch cũng tăng gấp đôi lên 93.500 đơn vị. Kế đó, tại mã TCB (Techcombank) giảm 2,3% rơi về mức giá 27.150 đồng/CP.
Sau phiên tăng mạnh hôm qua, cổ phiếu STB (Sacombank) cũng đánh mất sắc xanh đầu phiên và đảo chiều giảm xuống 26.000 đồng/CP. Thanh khoản tại mã này dù không vượt trội như phiên trước nhưng vẫn cao hơn mức trung bình, đạt 23,5 triệu đơn vị.
Thanh khoản của nhóm ngân hàng cũng giảm mạnh gần 40% với phiên trước xuống 1.730 tỷ đồng. Chỉ có hai cổ phiếu STB và VPB giao dịch trên 10 triệu đơn vị, số khác đều ghi nhận khối lượng sụt giảm.
Chưa kể, tại kênh thoả thuận, cổ phiếu EIB (Eximbank) tiếp tục được chú ý với giá trị đạt 495 tỷ đồng trong hôm nay. Tính từ đầu tháng 3 đến nay, chỉ với 7 phiên giao dịch, mã này đã ghi nhận tổng giá trị thoả thuận lên tới 1.567 tỷ đồng.