Có nhà 3 tầng và 3 mảnh đất để “ngồi không cũng đủ tiền sống”, vợ chồng vẫn tính toán từng nghìn, chi tiêu tiết kiệm nhất có thể

Nguyệt | 16:22 09/05/2024

Họ sở hữu khối tài sản lớn nhờ biết tiết kiệm và đầu tư khôn khéo.

Có nhà 3 tầng và 3 mảnh đất để “ngồi không cũng đủ tiền sống”, vợ chồng vẫn tính toán từng nghìn, chi tiêu tiết kiệm nhất có thể

Đồng tiền kiếm được có hạn nên dù độc thân hay yên bề gia thất thì bạn vẫn cần học cách quản lý tài chính, kiểm soát từng đồng ra vào ví nếu muốn có tiền lo cho con cái ăn học, xa hơn là tính đến chuyện mua nhà, mua xe. Đó cũng là quan điểm tài chính của nhiều gia đình, dù có mức thu nhập cao hay thấp.

Chẳng hạn mới đây trên MXH, một cặp đôi đã chia sẻ cách chi tiêu hàng tháng, được tính toán chi li từng đồng một dù họ đã có gia tài đáng ngưỡng mộ sau 18 năm kết hôn, đó là 2 mảnh đất và 2 căn nhà.

Cụ thể, gia đình có 4 thành viên gồm chồng 42 tuổi, vợ 39 tuổi, 1 người con học lớp 12 và 1 người con học lớp 4. Cặp đôi sống ở tỉnh lẻ và có tổng thu nhập hàng tháng dao động từ 90 - 100 triệu, có tháng chỉ kiếm được 57 triệu. Đáng nói, dù tháng đó kiếm được nhiều hay ít thì sau khi trừ đi chi phí sinh hoạt và tiền dành cho đầu tư, quỹ tiết kiệm của họ vẫn chiếm 60 - 80% thu nhập.

Đáng nói, người vợ rất cẩn thận khi ghi chép từng khoản chi tiêu theo từng tháng ra một file excel. Trong đó phân kỹ từng cột như tổng thu, tổng chi, chi tiết từng khoản, khoản chi chiếm bao nhiêu %, bình quân từng tháng... 

442436023_1126263011759792_57876.jpg
Một phần bảng chi tiêu của cặp vợ chồng 

Nhìn vào file tổng kết thu chi mà cặp vợ chồng này chia sẻ, không ít người trầm trồ vì họ đang chi tiêu khá tiết kiệm so với mức thu nhập, đồng thời luôn ghi chép cụ thể, rành mạch từng khoản chi hàng tháng. 

Theo đó, trong 4 tháng đầu năm 2024, cặp đôi đã chi trung bình khoảng 24,6 triệu/tháng, trong khi tổng thu của gia đình là 84,6 triệu/tháng, Nếu chỉ tính riêng 4 tháng đầu năm 2024, những khoản chi tiêu trung bình hàng tháng của gia đình này mà bạn có thể tham khảo: 

- Chi trả cho đầu tư: 10 triệu.

- Chi tiêu cho ăn uống: 3,9 triệu. Được biết, tiền ăn hầu hết dành 3 mẹ con vì chồng đi vắng thường xuyên, chỉ dành khoảng 15 ngày/tháng ở nhà.

- Tiền điện, nước, xăng, mạng, điện thoại, ga: 1,5 triệu. 

Trong số đó, cặp vợ chồng không cần đóng tiền điện 1,6 triệu/tháng, do có người quen ở nhờ nhà đi thuê nên họ trả tiền điện cho vợ chồng thay cho tiền thuê nhà.

- Tiền mua nhu yếu phẩm (dầu gội, xà phòng, kem đánh răng, băng vệ sinh, nước tẩy): 400 ngàn.

- Tiền giao lưu (ăn cỗ, hội, hiếu, hỉ, ốm, giỗ, giao lưu, phúc lợi): 3,9 triệu.

- Tiền học hành của 2 con: 2,8 triệu.

- Tiền mua đồ dùng, sửa chữa: 1,8 triệu.

- Tiền mua quần áo, mỹ phẩm, giày dép: 900 ngàn.

- Tiền mua thuốc men, khám chữa bệnh: 700 ngàn.

- Các khoản chi tiêu khác: 500 ngàn.

85dfac8e7a8a3fe6d176d4984e56e884.jpeg
Ảnh minh hoạ

Học được gì từ cách quản lý chi tiêu của gia đình này?

1. Dù thu nhập cao hay thấp cũng không được phung phí tiền bạc

“Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm” - là nguyên tắc chi tiêu của gia đình này. Dù có mức thu nhập khá tốt nhưng nhìn bảng chi tiêu, có thể thấy vợ chồng tiết kiệm trong nhiều khoản tiêu dùng như tiền mua quần áo, mỹ phẩm, giày dép chỉ 900 ngàn/tháng, hay tiền học hành là 2,8 triệu/tháng do 2 con đều học trường công,...

Còn riêng tiền ăn uống, người vợ luôn cố gắng nấu ăn tại nhà, đi chợ mua đồ dùng cho cả tuần để tiết kiệm chi phí. Ngay cả các món ăn vặt như khoai tây chiên, trà sữa, bánh xèo, chè đá hay bánh chưng, bánh trôi,... cô cũng tự làm cho cả nhà vì rất sợ đồ ăn ngoài.

Ngoài ra, cặp đôi còn duy trì “tự cung tự cấp", tức tự trồng cây ăn quả (mít, xoài, bưởi, chuối, ổi, đu đủ, táo) và nuôi gà vịt ở nhà. Nhờ đó, cả gia đình vừa có đồ ăn sạch, tiết kiệm tiền mua thực phẩm mà còn dạy con cách làm vườn.

2. Ghi chép từng khoản chi tiêu hàng tháng 

Người vợ cho biết, cô đã tự lập bảng trên Google Sheet để theo dõi các khoản chi hàng tháng. “Mình có thói quen ghi chép, phân loại chi tiêu và thu nhập hàng ngày dù chỉ là 1 ngàn đồng. Suốt bao năm qua mình vẫn làm vậy”, cô vợ bộc bạch.

Thông qua bảng chi tiêu này, vợ chồng cô biết tổng thu - tổng chi hàng tháng, dễ dàng hiểu được tình trạng tài chính gia đình và phát hiện ngay nếu có khoản tiêu dùng quá tay. Đây cũng là thói quen tốt mà nhiều gia đình nên duy trì để quản lý dòng tiền trong nhà hiệu quả.

photo1714782912996-17147829132981550295024.jpg
Ảnh minh hoạ

3. Không ngại mang nợ và biết đầu tư đúng cách 

Hiện, sau 18 năm kết hôn, cặp đôi có khối tài sản đáng ngưỡng mộ là 2 mảnh đất và 2 căn nhà. Những bất động sản này đều đang sinh lời và giúp họ có nguồn thu nhập thụ động, bên cạnh tiền lương văn phòng.

Trong số đó, họ có 1 mảnh đất được bố mẹ chồng cho và đã dùng để xây nhà 3 tầng từ năm 2010, tổng chi phí xây dựng là 750 triệu. Ba mảnh đất còn lại được cặp đôi mua với giá 6,3 tỷ nhưng giờ giá trị bất động sản đã lên tới 13 tỷ. Một trong ba mảnh đất còn được vợ chồng dùng để xây nhà cho thuê, giúp “tiền đẻ ra tiền”.

Để có tiền đầu tư vào bất động sản, người vợ tâm sự họ không ngại mang nợ từ thời điểm kết hôn để có đồng vốn xoay vòng. Cô vợ bày tỏ: “Cách suy nghĩ như vậy là do mình sinh ra trong 1 gia đình hoàn cảnh khó khăn, nghèo đói nên mình luôn tự nhủ phải cố gắng. Mình nghĩ trẻ tuổi phải cố gắng nợ nần để phấn đấu, mai sau này có cuộc sống tốt hơn".

Theo thời gian, khi đã có trong tay nhiều bất động sản giá trị cũng là thời điểm họ dừng lại, hưởng thành quả từ đầu tư. Cặp đôi chia sẻ, giờ đây họ quyết tâm trong mấy năm nữa nỗ lực trả hết nợ và sẽ không đầu tư gì thêm. Thời điểm đó, chỉ khi dư dả tiền bạc và có tiền nhàn rỗi, họ mới quyết định tiếp tục đầu tư.


(0) Bình luận
Có nhà 3 tầng và 3 mảnh đất để “ngồi không cũng đủ tiền sống”, vợ chồng vẫn tính toán từng nghìn, chi tiêu tiết kiệm nhất có thể
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO