Đây là 5 lý do cơ bản thúc đẩy giá vàng trong năm 2024

Vân Chi | 06:39 13/05/2024

Từ chính sách của Fed cho đến thực trạng kinh tế toàn cầu, vàng đang chịu tác động từ rất nhiều yếu tố.

Đây là 5 lý do cơ bản thúc đẩy giá vàng trong năm 2024

Báo cáo của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) nêu bật nhu cầu vàng toàn cầu quý 1/2024 tăng 3%, đạt 1.238 tấn, là mức cao nhất trong các quý I kể từ năm 2016. Mức tăng mạnh đó chủ yếu được thúc đẩy bởi hoạt động đầu tư mạnh mẽ vào thị trường OTC và sự nhất quán mua vàng của các ngân hàng trung ương. Nhu cầu về thanh và tiền xu trong quý I cũng tăng 3%.

Tuy nhiên, nếu loại trừ các giao dịch OTC, nhu cầu vàng trong quý I/2024 giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 1.102 tấn. Vào năm 2023, dòng vốn ETF chảy ra khỏi thị trường vàng và nhu cầu vàng thỏi và tiền xu giảm nhẹ đã khiến tổng lượng đầu tư vàng hàng năm giảm xuống mức thấp nhất trong 10 năm, là 945 tấn, giảm 244 tấn so với năm liền trước.

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu bấp bênh, căng thẳng địa chính trị, cùng nhiều yếu tố khác hiện đang khiến vàng trở thành một lựa chọn đầu tư hấp dẫn cho năm 2024. Giá kim loại quý này đã tăng 15% từ đầu năm đến nay.

Diễn biến giá vàng năm 2024.

Dưới đây là 5 lý do chính đằng sau sức hấp dẫn ngày càng tăng của kim loại quý này trong năm 2024:

1.Chính sách của Fed

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã duy trì lập trường chính sách tiền tệ tương đối hạn chế trong suốt năm tài chính hiện tại, giữ lãi suất ổn định ở mức 5,25-5,50% trong 6 cuộc họp liên tiếp. Việc ngân hàng trung ương Mỹ bày tỏ dự định nới lỏng tiền tệ đã củng cố kỳ vọng về việc Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay. Các nhà đầu tư hiện dự đoán Fed chỉ có một lần cắt giảm lãi suất trong năm 2024.
Khả năng Fed cắt giảm lãi suất vào nửa cuối năm có thể gây áp lực giảm giá đối với đồng USD, có khả năng đóng vai trò là chất xúc tác tích cực cho giá vàng.

2. Lạm phát ở Mỹ

Chủ tịch Fed Jerome Powell đã cảnh báo rằng tiến trình hướng tới giảm lạm phát xuống mục tiêu 2% là không chắc chắn. Dữ liệu kinh tế gần đây cũng cho thấy lạm phát ở Mỹ giảm chậm hơn dự kiến. Báo cáo chỉ số giá tiêu dùng mới nhất ở Mỹ cho thấy chỉ số tháng 3/2024 tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước, sau mức tăng 3,2% trong tháng Hai.

Xung đột leo thang ở Trung Đông đã góp phần đẩy giá dầu thô tăng cao, làm gia tăng lạm phát. Với vai trò truyền thống là hàng rào chống lạm phát, vàng được kỳ vọng sẽ vẫn hấp dẫn đối với các khoản đầu tư trong những tháng tới.

3. Căng thẳng địa chính trị

Những căng thẳng địa chính trị xuất hiện trong năm 2024 chủ yếu liên quan tới cuộc chiến tranh ở dải Gaza. Kéo dài đã mấy tháng nay, khu vực này hiện vẫn tiếp tục căng thẳng, nhiều lúc gây lo ngại lan rộng trong khu vực.

Ngoài ra, khả năng xung đột Ukraine-Nga có thể kéo dài do các cuộc tấn công gần đây vào đường ống dẫn khí đốt của Ukraine - cung cấp cho thị trường Liên minh châu Âu.

Theo các nhà phân tích, hiện chưa thấy dấu hiệu nào chứng tỏ những căng thẳng này sẽ sớm kết thúc. Do đó, nhu cầu sử dụng vàng làm nơi trú ẩn an toàn sẽ còn tiếp diễn, dẫn đến giá vàng có khả năng tiếp tục tăng cao so với mức hiện tại.

4.Tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Theo Báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu mới nhất của Ngân hàng Thế giới, nền kinh tế toàn cầu có thể chứng kiến kết quả kém cỏi vào cuối năm 2024, với mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giai đoạn 2021-2024 chậm nhất trong nửa thập kỷ của 30 năm qua. Tuy nhiên, nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu đã giảm bớt, cho thấy nền kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục được củng cố.

Tăng trưởng toàn cầu được dự báo sẽ chậm lại năm thứ ba liên tiếp, giảm xuống 2,4% vào năm 2024 từ mức 2,6% vào năm 2023 trong khi các nền kinh tế đang phát triển được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức 3,9%.

Tăng trưởng kinh tế chậm lại cuối cùng sẽ có lợi cho giá vàng vì nhu cầu sử dụng vàng thỏi làm trú ẩn an toàn thường tăng trong những giai đoạn kinh tế bất ổn.

5.Nhu cầu từ ngân hàng trung ương

Các ngân hàng trung ương từ lâu đã coi vàng là một phần quan trọng trong danh mục dự trữ tài chính của họ, bổ sung vàng để đa dạng hóa tài sản trong quá trình quản lý tiền tệ trong nước. Năm 2023, các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã mua 1.037 tấn vàng, thấp hơn một chút so với mức 1.082 tấn của năm 2022 - mức cao nhất kể từ năm 1967. Hiện tại, các ngân hàng trung ương nắm giữ khoảng 20% sản lượng vàng toàn cầu, chỉ tính riêng năm 2023 đã mua được 1/3.

Trong quý 1 năm 2024, các ngân hàng trung ương đã mua gần 290 tấn, vượt kỷ lục của năm trước, trong đó Trung Quốc dẫn đầu, tiếp theo là Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ.

Vào tháng 4/2024, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã tăng dự trữ vàng thêm 1,9 tấn, đánh dấu tháng tăng thứ 18 liên tiếp. Tương tự, các ngân hàng trung ương khác trên toàn cầu đã tăng đáng kể dự trữ của họ trong quý đầu tiên năm nay, thúc đẩy giá cả.

Sự khởi đầu năm 2024 như vậy cho thấy nhu cầu vàng của các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục mạnh trong năm 2024.

Bạn nên đầu tư vào vàng như thế nào?

Các nhà phân tích cho rằng hoạt động mua mạnh của các ngân hàng trung ương toàn cầu và căng thẳng địa chính trị đã hỗ trợ giá kim loại quý và sẽ tiếp tục hỗ trợ. Tuy nhiên, sau đợt tăng mạnh vừa qua, giá vàng có thể thoái lui trước khi bước vào những đợt tăng mới.

Tham khảo: Livemint

Bài liên quan

(0) Bình luận
Đây là 5 lý do cơ bản thúc đẩy giá vàng trong năm 2024
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO