Có kim ngạch thương mại với EU chưa bằng 1/2 Việt Nam, nền kinh tế lớn nhất ASEAN quyết ‘vượt mặt’ Trung Quốc trong chuỗi cung ứng xe điện

Hữu Hiển | 10:02 06/05/2023

Indonesia đang cố gắng định vị mình là một trung tâm sản xuất xe điện mới và những gã khổng lồ sản xuất ô tô như Volkswagen rất muốn tận dụng lợi thế này.

Có kim ngạch thương mại với EU chưa bằng 1/2 Việt Nam, nền kinh tế lớn nhất ASEAN quyết ‘vượt mặt’ Trung Quốc trong chuỗi cung ứng xe điện

Theo kênh DW (Đức), Liên minh châu Âu (EU) và Indonesia đang thúc đẩy hoàn tất hiệp định thương mại tự do vào cuối năm nay, khi quốc gia Đông Nam Á này chuẩn bị phát triển ngành công nghiệp xe điện của mình.

Quốc gia Đông Nam Á với hơn 280 triệu dân tự hào có nguồn niken dồi dào và các nguyên liệu thô quan trọng khác để sản xuất ô tô hiện đại.

Nhưng Jakarta đã áp đặt lệnh cấm xuất khẩu niken và đang chuẩn bị một lệnh cấm khác đối với bauxite - loại quặng dùng để sản xuất nhôm. Thay vì vận chuyển tài nguyên khoáng sản của mình sang Trung Quốc và các nước khác, Indonesia hiện có ý định xây dựng chuỗi cung ứng xe điện “từ A đến Z” và định vị lại nền kinh tế của mình trong chuỗi cung ứng.

Kênh DW nhận định, khi làm như vậy, quốc gia này cũng đang định vị mình là một giải pháp thay thế Trung Quốc của các thương hiệu quốc tế.

Chiến lược này dường như đã mang lại kết quả, khi vào tháng trước, Bộ trưởng Đầu tư Indonesia Bahlil Lahadalia tiết lộ rằng, nhà sản xuất ô tô Đức Volkswagen dự định xây dựng một hệ sinh thái pin xe điện ở Indonesia.

Thông báo được đưa ra tại Hội chợ Thương mại Hanover - nơi Thủ tướng Đức Olaf Scholz gặp Tổng thống Indonesia Joko Widodo. Vào thời điểm đó, Thủ tướng Scholz nói với Tổng thống Widodo rằng, ông đang "nỗ lực làm việc để thỏa thuận [giữa EU và Indonesia] có thể về đích".

“Hiện tại, chúng tôi nhập khẩu nhiều [khoáng sản quan trọng] từ Trung Quốc. Và mặc dù thực tế đó là đất hiếm, đồng hoặc niken, nhưng thường không được khai thác ở đó, mà là ở các nước như Indonesia", ông Scholz nói sau cuộc gặp ông Widodo.

a.jpg
EU nhập khẩu nhiều nguyên liệu thô để sản xuất pin xe điện từ Trung Quốc, nhưng thực tế là chúng thường được khai thác ở Indonesia. Ảnh: DW

Ford và Tesla tìm chỗ đứng ở Indonesia

Theo kênh DW, mặc dù là quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á và là nền kinh tế lớn nhất khu vực, quan hệ thương mại của Indonesia với EU tương đối nhỏ. Kim ngạch thương mại hàng hóa song phương chỉ đạt 24,8 tỷ euro vào năm 2021. Con số này chưa bằng một nửa kim ngạch thương mại giữa EU và Việt Nam - quốc gia có dân số dưới 100 triệu người.

Và khi Đức tìm cách thắt chặt quan hệ với Indonesia, các đối thủ từ Mỹ cũng bắt đầu hành động. Ford - gã khổng lồ sản xuất ô tô của Mỹ đã hợp tác với một số công ty đang hoạt động ở Indonesia; trong khi Tesla - công ty dẫn đầu thế giới về xe điện - đang đàm phán với Chính phủ Indonesia.

BASF SE - một trong những nhà sản xuất hóa chất lớn nhất thế giới, có trụ sở chính tại Đức - cũng được cho là đang tìm cách đầu tư vào một nhà máy tinh chế niken-coban tại Indonesia cùng với công ty đa quốc gia Eramet SA của Pháp.

Chris Humphrey - Giám đốc điều hành của Hội đồng Kinh doanh EU-ASEAN, đại diện cho các doanh nghiệp châu Âu ở Đông Nam Á - cho biết: “Tôi tin rằng rằng chúng ta sẽ còn thấy nhiều thông báo đầu tư như vậy trong tương lai.”

Triển vọng về thương vụ bạc tỷ

Một trong những sản phẩm chính được sử dụng để sản xuất pin xe điện là kết tủa hydroxit hỗn hợp (MHP) - một vật liệu niken trung gian. Đối với Kevin O'Rourke - nhà phân tích và giám đốc tại công ty tư vấn Reformasi Information Services có trụ sở tại Jakarta, MHP là "dầu thô của tương lai".

Ông O'Rourke nói: "Tất cả đều mong muốn Đức mua MHP từ Indonesia. Đối với cả hai bên, làm như vậy sẽ giảm sự phụ thuộc tương ứng của họ vào Trung Quốc - nơi có những công ty hiện chiếm toàn bộ sản lượng MHP của Indonesia."

Đầu năm nay, các quan chức Indonesia cho biết, BASF và Eramet đang lên kế hoạch về một thỏa thuận hợp tác trị giá 2,6 tỷ USD để sản xuất MHP, mặc dù thỏa thuận này chưa được các công ty chính thức xác nhận.

Quá trình sản xuất MHP hiện tại của Indonesia - do các công ty thuộc sở hữu của Trung Quốc kiểm soát – áp dụng quy trình lọc axit áp suất cao (HPAL) để chiết xuất niken và coban từ các thân quặng đá ong. Các công ty này không tiết lộ có bao nhiêu chất thải độc hại đã được thải ra môi trường vốn đã chịu nhiều ảnh hưởng của Indonesia.

Ông O'Rourke cho biết: "EU đã đúng khi lên tiếng về việc cung cấp vật liệu pin không thân thiện với môi trường cho xe điện, xét cả về chất thải độc hại cũng như lượng khí thải nhà kính cao."

Nhưng theo hãng tin Reuters, nhà máy của BASF và Eramet cũng có thể sẽ sử dụng quy trình HPAL.

b.jpg
Nhu cầu cao về pin xe điện có thể gây hại tới môi trường. Ảnh: DW

Volkswagen có thể hợp tác với đối tác Trung Quốc tại Indonesia

Có nhiều cách khác để sản xuất MHP và dây chuyền sản xuất không carbon đã được bắt đầu ở Australia. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, liệu các công ty nước ngoài có bỏ tiền đầu tư vào các quy trình tương tự ở Indonesia hay không vẫn còn là một câu hỏi.

Họ cũng đặt câu hỏi về cam kết của Chính phủ Indonesia đối với giải pháp thay thế sạch hơn này.

Các công ty phương Tây cũng có thể cần hợp tác với các doanh nghiệp Trung Quốc đã có mặt tại địa phương. Theo tuyên bố từ Bộ trưởng Đầu tư Indonesia vào tháng 4, nhà sản xuất ô tô Đức Volkswagen có thể hợp tác với nhà sản xuất khoáng sản pin Trung Quốc Zhejiang Huayou Cobalt – doanh nghiệp liên doanh đầu tiên vận chuyển MHP tới Trung Quốc vào năm ngoái.

Gia tăng áp lực lên Brussels và Jakarta

Người phát ngôn của Hiệp hội Công nghiệp Ô tô Đức (VDA) nói với phóng viên DW rằng, điều rất quan trọng đối với EU và Indonesia là nhanh chóng hoàn tất hiệp định thương mại tự do.

Người phát ngôn cho biết: “Điều này có thể đóng góp quan trọng vào việc mở rộng và đa dạng hóa chuỗi cung ứng nguyên liệu thô toàn cầu, vốn là cơ sở cần thiết để thúc đẩy phương tiện giao thông chạy điện, đồng thời cải thiện khả năng tiếp cận thị trường của phương tiện và phụ tùng cho cả hai bên.”

Nhiều chính trị gia từ châu Âu và Indonesia đã khẳng định rằng, họ có ý định hoàn tất các cuộc đàm phán vào cuối năm nay. Thời gian là điều cốt yếu, vì các cuộc bầu cử vào năm 2024 có thể chứng kiến những thay đổi trong ban lãnh đạo của cả Indonesia lẫn EU.


(0) Bình luận
Có kim ngạch thương mại với EU chưa bằng 1/2 Việt Nam, nền kinh tế lớn nhất ASEAN quyết ‘vượt mặt’ Trung Quốc trong chuỗi cung ứng xe điện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO