Có bắt buộc phải thực hiện thẩm định giá khi đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế?

Lê Sáng | 14:08 15/09/2023

Cổng thông tin điện tử Chính phủ vừa có nội dung trả lời liên quan đến quy định về thẩm định giá trong đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập của địa phương.

Có bắt buộc phải thực hiện thẩm định giá khi đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế?
Bộ Tài chính vừa có văn bản trả lời về quy định liên quan đến thẩm định giá trong đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập của địa phương. Ảnh minh họa, nguồn - Int

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, vừa qua, công dân đã gửi đến Chính phủ câu hỏi liên quan đến việc áp dụng quy định về thẩm định giá trong hoạt động đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập của địa phương.

Cụ thể, theo bà Trần Hương Thu, hiện Điều 44 Luật Giá và Nghị định số 89/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về phạm vi hoạt động thẩm định giá của Nhà nước như sau:

"Hoạt động thẩm định giá của Nhà nước do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện trong các trường hợp sau:

1. Mua, bán, thanh lý, cho thuê tài sản nhà nước hoặc đi thuê tài sản phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước;

2. Không thuê được doanh nghiệp thẩm định giá;

3. Mua, bán tài sản thuộc bí mật nhà nước;

4. Mua, bán tài sản nhà nước có giá trị lớn mà sau khi đã thuê doanh nghiệp thẩm định giá, cơ quan hoặc người có thẩm quyền phê duyệt thấy cần thiết phải có ý kiến thẩm định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền".

Tại Khoản 7 Điều 1 Thông tư số 68/2022/TT-BTC ngày 11/11/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 58/2016/TT-BTC (sửa đổi Khoản 2 Điều 11 Thông tư 58/2016/TT-BTC) về giá gói thầu quy định:

"Kết quả thẩm định giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện thẩm định giá, doanh nghiệp thẩm định giá đối với các loại tài sản, hàng hóa, dịch vụ phải thẩm định giá theo quy định của Luật giá".

Hiện nay, các thông tư của Bộ Y tế về đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập (Thông tư số 15/2019/TT-BYT; Thông tư số 14/2020/TT-BYT; Thông tư 08/2023/TT-BYT bãi bỏ Thông tư số 14/2020/TT-BYT) đều không quy định về thẩm định giá nhà nước trong đấu thầu thuốc.

Do đó, bà Trần Hương Thu hỏi, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập của địa phương có phải trường hợp bắt buộc phải có thẩm định giá của cơ quan nhà nước theo quy định của Luật Giá và Nghị định số 89/2013/NĐ-CP không?

Bên cạnh đó, việc đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập của địa phương có được áp dụng theo Khoản 4 Điều 44 Luật Giá nêu trên hay không? Thẩm quyền quyết định thẩm định giá nhà nước trong đấu thầu thuốc, trang thiết bị là UBND tỉnh hay Chủ tịch UBND tỉnh?

Với những thắc mắc nêu trên, Bộ Tài chính trả lời vấn đề này như sau:

Theo Điều 31 Luật Giá quy định về tài sản thẩm định giá như sau:

"Điều 31. Tài sản thẩm định giá

1. Tài sản của tổ chức, cá nhân có nhu cầu thẩm định giá.

2. Tài sản mà Nhà nước phải thẩm định giá theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và quy định khác của pháp luật có liên quan".

Theo quy định trên thì Luật Giá không quy định cụ thể loại tài sản phải thẩm định giá. Việc thẩm định giá tài sản được thực hiện trong trường hợp tổ chức, cá nhân có nhu cầu thẩm định giá hoặc trường hợp Nhà nước phải thẩm định giá theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Căn cứ Điều 44 Luật Giá quy định về phạm vi hoạt động thẩm định giá của Nhà nước như sau:

"Điều 44. Phạm vi hoạt động thẩm định giá của Nhà nước

Hoạt động thẩm định giá của Nhà nước do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện trong các trường hợp sau:

1. Mua, bán, thanh lý, cho thuê tài sản nhà nước hoặc đi thuê tài sản phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước;

2. Không thuê được doanh nghiệp thẩm định giá;

3. Mua, bán tài sản thuộc bí mật nhà nước;

4. Mua, bán tài sản nhà nước có giá trị lớn mà sau khi đã thuê doanh nghiệp thẩm định giá, cơ quan hoặc người có thẩm quyền phê duyệt thấy cần thiết phải có ý kiến thẩm định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền".

Tại Điều 23 Nghị định số 89/2013/NĐ-CP ngày 6/8/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giá về thẩm định giá quy định:

"Điều 23. Yêu cầu thẩm định giá tài sản

1. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện thẩm định giá tài sản theo yêu cầu hoặc đề nghị (sau đây gọi chung là yêu cầu) bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao mua, bán, thanh lý, cho thuê, đi thuê tài sản nhà nước trong các trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 31 và Điều 44 của Luật Giá, cụ thể như sau:

a) Mua, bán, thanh lý, cho thuê tài sản nhà nước hoặc đi thuê tài sản phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nướctheo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước;

b) Không thuê được doanh nghiệp thẩm định giá đối với tài sản nhà nước trong trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao mua, bán, thanh lý, cho thuê, đi thuê tài sản nhà nước đã đăng công khai thông tin sau 15 (mười lăm) ngày mời cung cấp dịch vụ thẩm định giá nhưng không có doanh nghiệp thẩm định giá tham gia, trừ trường hợp đấu thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu;

c) Mua, bán tài sản thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật về danh mục bí mật nhà nước;

d) Mua, bán tài sản nhà nước có giá trị lớn mà sau khi đã thuê doanh nghiệp thẩm định giá, cơ quan hoặc người có thẩm quyền phê duyệt thấy cần thiết phải có ý kiến thẩm định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo phân cấp thẩm định giá tài sản nhà nước quy định tại điểm n khoản 2, điểm b khoản 3 và điểm b khoản 4 Điều 5 Nghị định này".

Điểm b Khoản 4 Điều 5 Nghị định số 89/2013/NĐ-CP quy định:

"4. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhiệm vụ, quyền hạn sau:

… b) Phân công và tổ chức thực hiện thẩm định giá tài sản nhà nước quy định tại Khoản 2 Điều 31 và Điều 44 của Luật Giá thuộc địa phương quản lý theo quy định về phân cấp quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, phân cấp quản lý ngân sách nhà nước và quy định của pháp luật có liên quan;".

Căn cứ vào các quy định trên, theo Bộ Tài chính, để trả lời câu hỏi bà Trần Hương Thu đặt ra thì trước hết cần xác định việc đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập của địa phương thuộc trường hợp tổ chức, cá nhân có nhu cầu thẩm định giá hay là thuộc trường hợp Nhà nước phải thẩm định giá theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Từ đó, căn cứ vào quy định tại Điều 44 của Luật Giá; Điều 23 của Nghị định số 89/2013/NĐ-CP và quy định về phân công và tổ chức thực hiện thẩm định giá tài sản nhà nước của UBND cấp tỉnh theo quy định tại Điểm b Khoản 4 Điều 5 của Nghị định số 89/2013/NĐ-CP để xác định cụ thể trường hợp áp dụng và thẩm quyền quyết định thẩm định giá của Nhà nước.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Có thể bạn quan tâm
Sau tuần giá vàng giảm mạnh, giới phân tích và đầu tư bỗng 'chia rẽ' quan điểm
Thị trường vàng đã trải qua một tuần rớt thê thảm khi mất hơn 2%, đánh dấu tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 12/2023. Mặc dù vậy, nhìn lướt qua biểu đồ giá hàng tuần cho thấy hầu hết mức giảm rơi vào gần cuối tuần, khi các nhà giao dịch bán kiếm lời sau khi giá tăng vào đầu tuần, và tăng trở lại vào thứ Sáu, sau dữ liệu lạm phát của Mỹ.
Có bắt buộc phải thực hiện thẩm định giá khi đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO