Theo thông tin trên báo Thanh Niên, ngày 9/12 vừa qua, Công ty cổ phần Bình Định Sport có văn bản do ông Nguyễn Hữu Sang - giám đốc - ký gửi lãnh đạo tỉnh Bình Định thông báo CLB Topenland Bình Định mà họ đang điều hành hiện còn nợ 38,5 tỉ đồng, trong đó khoảng 20 tỉ là nợ các khoản phí và thưởng các trận thắng, thưởng thành tích cuối mùa bóng 2022.
Do những khó khăn về kinh tế tác động sâu rộng đến tài chính của các doanh nghiệp nên 2 nhà tài trợ chính cho CLB Bình Định là Topenland và Hưng Thịnh Land buộc phải cắt giảm tài trợ khiến cho công ty không đủ nguồn chi trả số tiền kể trên.
Phía Công ty Bình Định Sport đề nghị lãnh đạo tỉnh hỗ trợ 15 tỉ đồng từ ngân sách hoặc kêu gọi các đơn vị tài trợ khác để chi khen thưởng đội bóng. Ngoài ra từ mùa bóng tới công ty này đề nghị tỉnh vận động thêm các nhà tài trợ đồng hành khác chung tay hỗ trợ tối thiểu 50% kinh phí hoạt động đội bóng (khoảng 60 tỉ đồng).
Trong trường hợp đội bóng không nhận được sự hỗ trợ từ phía tỉnh thì khả năng tác động trực tiếp đến hoạt động của đội bóng và không loại trừ kết quả xấu nhất trong mùa giải tới sẽ xảy ra. Có nghĩa nếu không đủ kinh phí vận hành thì khả năng lớn Công ty Bình Định Sport sẽ “buông” đội bóng, khiến CLB Topeland Bình Định rơi vào khủng hoảng và nguy cơ giải thể sẽ rất lớn.
Ngày 25/12/2020, trong sự kiện Lễ công bố Nhà tài trợ CLB bóng đá Bình Định và ra mắt đội hình mùa giải V.League 2021, diễn ra tại Quy Nhơn (Bình Định), đội bóng Bình Định chính thức được đổi tên thành CLB bóng đá Topenland Bình Định (Topenland Binh Đinh FC), đồng thời Topenland, Hưng Thịnh Land trở thành hai nhà tài trợ chính cho CLB bóng đá Bình Định trong 3 mùa giải V.League 2021 – 2023 với tổng kinh phí 300 tỉ đồng.
CLB Topenland Bình Định đã mua sắm ồ ạt trong mùa giải 2022 từ nguồn tiền do 2 nhà tài trợ Topeland và Hưng Thịnh Land chi lên đến hơn 355 tỷ đồng từ năm 2020 đến nay. Trong khi đó, kết quả thu về chưa tương xứng, cộng với dịch bệnh gần 2 năm qua đã làm cho công ty quản lý đội bóng chưa thể tìm thêm nguồn tài trợ từ 2 đơn vị này khiến họ không thể gồng gánh nổi nữa.
Được biết, Công ty cổ phần Topenland thành lập đầu năm 2020, hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ kinh doanh bất động sản trên nền tảng số. Tháng 7 năm nay, TopenLand đã chính thức ra mắt nền tảng công nghệ kết nối bất động sản (BĐS) TopenLand.
Theo giới thiệu trên website, TopenLand là nền tảng bất động sản công nghệ được ra đời nhằm khẳng định vị thế chuyển đổi số tiên phong trong lĩnh vực bất động sản.
Nền tảng tích hợp toàn diện các giải pháp cho lĩnh vực bất động sản thông qua việc ứng dụng các công nghệ tiên phong như Dữ liệu lớn (Big Data), Trí tuệ nhân tạo (AI), Chuỗi khối (Blockchain)…. Với sứ mệnh kiến tạo nền tảng (Platform) giao dịch bất động sản toàn diện giúp trao quyền kết nối, mở rộng kiến thức, chia sẻ và tạo lợi ích cho tất cả.
Năm 2021, TopenLand cũng đã hoàn tất thương vụ M&A với DataFirst - một công ty công nghệ sở hữu kho tài nguyên dữ liệu lớn trong ngành BĐS. Trước đó, TopenLand cũng đã ký kết hợp tác chiến lược với Boston Consulting Group – tập đoàn tư vấn chiến lược toàn cầu.
Còn Hưng Thịnh Land là một nhà phát triển dự án bất động sản lớn ở khu vực phía Nam trong gần 20 năm, đã cung cấp ra thị trường hơn 50.000 sản phẩm. Được biết, sau quá trình tái cấu trúc của tập đoàn Hưng Thịnh thì Hưng Thịnh Land đã có bước phát triển mới với việc phát triển và kinh doanh 100 dự án, với tổng quỹ đất tính đến hiện tại vào khoảng 4.500ha. Dự kiến trong năm 2020, tổng doanh thu bán bất động sản của Hưng Thịnh Land là hơn 16.000 tỷ đồng. Công ty chứng khoán Vietcombank từng đánh giá Hưng Thịnh Land là nhà phát triển BĐS lớn thứ 2 chỉ sau Vinhomes với 4% thị phần BĐS nhà ở tại Việt Nam trong giai đoạn 2016 – nửa đầu 2020.