Đi học Đại học, các bạn trẻ bắt đầu hành trình trưởng thành và sống tự lập khỏi vòng tay cha mẹ. Lúc này, đa phần sinh viên mới bắt đầu tìm hiểu những khái niệm mới mẻ về quản lý tài chính, trong đó có thẻ tín dụng.
Trước khi mọi thứ trở nên quen thuộc, ai cũng có "lần đầu tiên". Hãy cùng lắng nghe những sinh viên chia sẻ về lần đầu tiên quẹt thẻ tín dụng của mình xem sao nhé! Liệu họ có dễ rơi vào "bẫy dư dả" hoặc có thể quản lý tài chính tốt ngay trong lần đầu dùng thử hình thức thanh toán "chi tiêu trước, trả nợ sau" này không?
Lần đầu dùng thẻ tín dụng: Quẹt không ngừng tay, ảo tưởng về ngân sách cá nhân
Thu Hoài (21 tuổi, Hà Nội) cho biết đã bắt đầu dùng thẻ tín dụng được gần một năm, sau khi được giáo viên giới thiệu về hình thức thanh toán này. Cô nàng sinh viên chia sẻ: "Mình dùng thẻ tín dụng vì muốn thử cái mới. Bên cạnh đó, mình nghĩ rằng vào lúc khẩn cấp, cần chi tiêu khi chưa đủ tiền mà không muốn xin bố mẹ thì có thể xài đến chúng luôn".
Thu Hoài cho hay, thẻ tín dụng đem lại cho cô khá nhiều lợi ích và hữu dụng với cô, nhất là tính năng giảm giá khi mua sắm trên các sàn thương mại điện tử. Tuy nhiên, cô vẫn mắc 1 nhược điểm khi sử dụng đó là "ảo tưởng" về sự dư dả tài chính của bản thân.
"Vì thẻ tín dụng là hình thức 'thanh toán trước, cuối tháng trả sau' nên kể cả khi hết tiền, mình vẫn có thể mua sắm bằng chúng. Đỉnh điểm có lần, trong tài khoản ngân hàng của mình hết tiền, nên dù đắn đo song mình vẫn dùng thẻ tín dụng để thanh toán hết tất cả món đồ mình thích. Cuối cùng, tổng hoá đơn là 5 triệu đồng cho 1 lần chi tiêu. Đây là một con số rất cao vì mỗi lần mua sắm, mình chỉ dám tiêu cùng lắm là 1 triệu đồng thôi", Thu Hoài tâm sự.
Còn đối với Vũ Tuấn (22 tuổi, Hà Nội), lần đầu tiên anh chàng mở thẻ tín dụng là do lời chào mời từ nhân viên ngân hàng khi còn là sinh viên năm 3 Đại học. Tương tự Thu Hoài, sai lầm lớn nhất của Tuấn khi sử dụng thẻ tín dụng là không thể kiểm soát được mức độ chi tiêu của bản thân. Tuy nhiên, dù có mua sắm quá tay nhưng anh chàng vẫn giữ thói quen thanh toán dư nợ trước hạn phạt nên hiện Tuấn vẫn chưa trở thành "con nợ" của thẻ tín dụng.
Vũ Tuấn chia sẻ: "Thời gian đầu dùng thẻ tín dụng, mình cũng mới được nhận lương 10 triệu đồng/tháng, nên quẹt thẻ nhiều lắm. Sau này, mình có kìm lại và chỉ mua sắm khi thực sự cần thiết thôi.
Với mình, dùng thẻ tín dụng có cái hay nhất là cảm giác mua được thứ bản thân thích ngay lập tức, bất chấp bạn có đủ tiền hay không. Tất nhiên, đã vay thẻ tín dụng thì lúc sau cần trả sớm nhé, vì lãi phạt thẻ tín dụng rất nặng. Ngoài ra, có thêm 1 thẻ tín dụng thì mình thấy bớt lo hơn nếu giữa hết tiền mà không muốn mở lời xin bố mẹ".
Đừng nên dùng thẻ tín dụng nếu không biết kiểm soát chi tiêu
Thẻ tín dụng có lợi cho người biết sử dụng, song có thể trở thành "con dao" nếu chủ nhân dùng chúng bừa bãi, vay nợ nhưng không quan tâm đến tình hình tài chính của bản thân.
Đức Cường (21 tuổi) cho hay chỉ một một năm trước, anh chàng còn nợ số tiền khá lớn, với mức phạt lãi suất gần 3%/tháng vì dùng thẻ tín dụng khi chưa có đủ nhận thức về tài chính, việc vay và kiểm soát chi tiêu. Sau đó, chàng trai đã phải đi làm thêm và vay mượn một chút từ bố mẹ để "tất toán" hết khoản tiền này.
"Trả hết nợ xong, mình nhận thấy đồng tiền rất quý giá. Đã đi vay thì phải có trách nhiệm trả nợ đúng hạn, nếu không mức phạt phải trả rất lớn. Sau này, mình có lẽ sẽ quay lại dùng thẻ tín dụng vì nhận thấy chúng có nhiều ưu đãi. Song mình nghĩ cần một thời gian sau để bản thân có nền tảng tài chính tốt hơn, kiếm được thêm tiền và hiểu về thẻ tín dụng thì mới tiếp tục tiêu dùng bằng chúng", Đức Cường chia sẻ.
Còn với Thu Hoài, cô cho rằng trước khi chi tiêu khoản tiền đắt đỏ bằng thẻ tín dụng, bạn nên suy nghĩ trước khi quẹt thẻ. Nếu chắc chắn đó là khoản chi đáng tiền và bản thân không rơi vào tình trạng áp lực trả nợ tín dụng trong tương lai thì hãy mua chúng.
Vũ Tuấn nhắn nhủ thêm, dùng thẻ tín dụng giúp mua trả góp dễ dàng hơn cũng như phù hợp với cuộc sống mọi người thường xuyên thanh toán không tiền mặt như bây giờ. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất để tránh mất tiền oan là luôn nhớ ngày thanh toán. Bởi vì khoản tiền này thường sẽ được nhân với số ngày thanh toán chậm nên có thể tăng theo cấp số nhân, và là một số tiền không nên bị đánh mất.