Kênh bán lẻ hiện đại Việt Nam mới chỉ chiếm 12% thị phần: CEO Masan chỉ ra cơ hội nghìn tỷ từ chuỗi cung ứng tích hợp

Trương Lương | 00:29 10/07/2025

Ông Danny Le cho biết việc đồng phát triển các sản phẩm số hóa giữa Masan và Techcombank là một trong những mục tiêu trọng yếu trong vòng 5 năm tới.

Kênh bán lẻ hiện đại Việt Nam mới chỉ chiếm 12% thị phần: CEO Masan chỉ ra cơ hội nghìn tỷ từ chuỗi cung ứng tích hợp

Sáng ngày 9/07/2025,  Hội nghị Techcombank Investment Summit 2025 với chủ đề “Việt Nam mới: Tầm nhìn kiến tạo giá trị” được tổ chức tại Hà Nội với sự góp mặt của các lãnh đạo cấp cao Chính phủ, chuyên gia kinh tế – tài chính hàng đầu, đại diện các quỹ đầu tư lớn, cùng hơn 500 khách mời là lãnh đạo các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Trong bối cảnh các ngành truyền thống đang dần nhường chỗ cho những cơ hội mới nổi, CEO Masan Group, ông Danny Le, đã chia sẻ những góc nhìn sâu sắc về cách các nhà đầu tư quốc tế nhìn nhận thị trường Việt Nam, đặc biệt là trong sự chuyển mình mạnh mẽ nhờ công nghệ như AI và blockchain.

Những ngành truyền thống từng là động lực tăng trưởng đang dần nhường chỗ cho một loạt cơ hội mới nổi. Theo ông, các nhà đầu tư đang phản ứng như thế nào với những lĩnh vực cơ hội mới tại Việt Nam?

Ông Danny Le: Theo tôi quan sát, các nhà đầu tư quốc tế đều xem Việt Nam là một thị trường giàu tiềm năng, đặc biệt trong bối cảnh đất nước đang chuyển mình mạnh mẽ nhờ ứng dụng công nghệ như AI, blockchain hay phân tích dữ liệu lớn.

Các nhà đầu tư nhìn vào Việt Nam và nhận thấy nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời thấy được sự tương đồng với Trung Quốc và các thị trường phát triển khác. Họ tin rằng các lĩnh vực này tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Với những doanh nghiệp có tư duy đổi mới, việc áp dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả kinh doanh đang trở thành một chiến lược then chốt.

Tuy nhiên, với các doanh nghiệp truyền thống, thách thức lại nằm ở chỗ: Liệu họ có sẵn sàng thực hiện bước chuyển đổi đó không? Và nếu có, họ sẽ tham gia thị trường công nghệ như thế nào?

Từ góc độ nhà đầu tư, Việt Nam đang ngày càng tiến gần hơn đến vị thế của một nền kinh tế đang phát triển bền vững – một thị trường cận biên nhưng đầy hứa hẹn.

Tuy nhiên, dưới góc nhìn dài hạn, để thực sự thúc đẩy được quá trình chuyển đổi đó, cần có dòng vốn dài hạn và chi phí vốn hợp lý hơn, để Việt Nam có thể bắt nhịp và tận dụng tối đa làn sóng chuyển đổi này.

Vậy nếu nhìn từ góc độ doanh nghiệp kinh tế tư nhân, cụ thể là Masan, ông đánh giá như thế nào về tiềm năng phát triển của thị trường bán lẻ tại Việt Nam? Và đâu là những cơ hội chiến lược để Masan mở rộng và đóng góp vào sự phát triển kinh tế?

Ông Danny Le: Hiện nay, kênh bán lẻ hiện đại chỉ mới chiếm tỉ lệ 12%. Nếu chúng ta nhìn sang các thị trường lân cận như Thái Lan hay Indonesia, tỉ lệ đó là từ 30 – 50%.

Tôi cho rằng trong tương lai, để hiện đại hóa ngành bán lẻ, việc xây dựng một chuỗi cung ứng tích hợp đầu cuối (end-to-end supply chain) sẽ là yếu tố then chốt giúp ngành bán lẻ phát triển bền vững. Để làm được điều đó, Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn vào hạ tầng logistics, cả về vật lý và công nghệ.

Đồng thời, đầu tư vào AI, Machine learning và các nền tảng dữ liệu sẽ mở ra cơ hội rất lớn để nâng cao trải nghiệm khách hàng, tối ưu chi phí và nâng cao hiệu quả vận hành. Đây là những yếu tố cốt lõi giúp tăng năng suất và giảm giá thành sản phẩm – điều mà người tiêu dùng hiện đại rất quan tâm.

Về phía Masan, một trong những chiến lược của chúng tôi là hợp tác với các cửa hàng bán lẻ truyền thống nhằm gia tăng khả năng tiếp cận người tiêu dùng, đồng thời giữ được mức giá cạnh tranh.

Song song đó, chúng tôi cũng tập trung cải thiện hiệu suất trong quản lý chuỗi cung ứng và giảm chi phí sản xuất từ 15–20%, thông qua việc số hóa quy trình và tối ưu hóa hoạt động vận hành. Tất cả những điều này không chỉ là cơ hội chuyển đổi cho Masan, mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển của toàn ngành bán lẻ và rộng hơn là nền kinh tế Việt Nam.

Trở lại với góc nhìn từ phía người tiêu dùng và đặc biệt là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ – trong bối cảnh Việt Nam có một cơ cấu dân số trẻ, người tiêu dùng ngày nay đang thay đổi mạnh mẽ về hành vi và kỳ vọng. Vậy theo ông, đâu là những yếu tố then chốt để thực hiện hiệu quả quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực tiêu dùng?

Ông Danny Le: Tôi nghĩ rằng để thực hiện được quá trình chuyển đổi tại Việt Nam, chúng ta cần bắt đầu từ câu chuyện công nghệ.

Thông thường, hành trình để thu hút một khách hàng mới có thể kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm. Tuy nhiên, với tệp người tiêu dùng trẻ tại Việt Nam – những người có tư duy hiện đại, am hiểu công nghệ, đặc biệt là các xu hướng như AI - đây là cơ hội để rút ngắn quá trình đó, miễn là chúng ta biết cách tận dụng lợi thế công nghệ một cách linh hoạt và hiệu quả.

Điều quan trọng là làm sao để xây dựng được những giải pháp trọn gói, đồng bộ. Đó là lý do tại sao chúng tôi hợp tác cùng Techcombank để triển khai mô hình ngân hàng đại lý, giúp mở rộng khả năng tiếp cận tới những khu vực và nhóm khách hàng chưa được phục vụ đầy đủ.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang hướng đến việc đồng phát triển các sản phẩm số hóa giữa Masan và Techcombank. Đây là một trong những mục tiêu trọng yếu trong vòng 5 năm tới, nhằm xây dựng hệ sinh thái tài chính – tiêu dùng kết nối chặt chẽ, phục vụ sâu sát các nhu cầu hàng ngày của người Việt.

Rõ ràng, người tiêu dùng ngày nay kỳ vọng nhiều hơn, không chỉ trong trải nghiệm mua sắm tại cửa hàng, mà cả trên nền tảng trực tuyến. Do đó, chúng ta cũng cần chú trọng việc tăng cường tương tác đa kênh.

Cuối cùng, tôi tin rằng tương lai của nền kinh tế Việt Nam sẽ phụ thuộc rất lớn vào cách chúng ta đổi mới sáng tạo hôm nay.


(0) Bình luận
Kênh bán lẻ hiện đại Việt Nam mới chỉ chiếm 12% thị phần: CEO Masan chỉ ra cơ hội nghìn tỷ từ chuỗi cung ứng tích hợp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO