Từ những phân tích này, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, đặc biệt là các Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), sẽ có thể tìm thấy hướng đi để tận dụng thời cơ, chuyển đổi tư duy và khẳng định vị thế trong bối cảnh mới.


Host: Thưa ông Trần Đình Thiên, Nghị quyết 68 vừa được ban hành đã nhận được rất nhiều sự chú ý và có lẽ đã tạo ra những niềm tin rất tích cực với cộng đồng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam. Từ góc nhìn của nhà tư vấn chính sách, ông đánh giá như thế nào về Nghị quyết 68 những thay đổi mà Nghị quyết này mang lại so với trước đây?
PGS.TS Trần Đình Thiên: Theo tôi, giá trị của Nghị quyết 68, về việc thúc đẩy sự phát triển của kinh tế tư nhân, là điều ai cũng cảm nhận được và đặc biệt là cộngđồng doanh nghiệp. Đó thực sự là tuyên ngôn mạnh mẽ, để khẳng định vị thế của khu vực tư nhân.
Sau 40 năm, từ chỗ mới chỉ công nhận sự tồn tại hợp pháp của kinh tế tư nhân, chúng ta nay đã xác định đây là lực lượng quan trọng nhất để phát triển kinh tế thị trường. Bước ngoặt này cực kì quan trọng, là kết quả của hành trình cởi trói, giải phóng sức mạnh của nền kinh tế, và của khu vực kinh tế tư nhân.
Và hay ở chỗ, Nghị quyết 68 ở đúng thời điểm, không chỉ giải nén một cách ghê gớm, mà còn là câu chuyện bắt nhịp vào cơ hội của thời đại nhảy vọt. Giải phóng, cũng có thể chỉ làm theo quy trình tuần tự của kiểu cũ, nhưng đây là thời đại cho phép nhảy vọt, và chỉ có tư nhân làm điều này xuất sắc.
Việc giải nén, hay tạo ra những điều kiện mới cho khu vực tư nhân hay nền kinh tế thị trường, thực chất là câu chuyện rất đơn giản, nhưng chúng ta hầu như là chưa coi trọng một cách đầy đủ, chính là đảm bảo môi trường kinh doanh tự do và bình đẳng.
Trong quá trình thảo luận về Nghị quyết 198 của Quốc hội nhằm triển khai Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị, tôi đã nhấn mạnh rằng điều quan trọng nhất không phải là ưu ái khu vực tư nhân hơn các thành phần kinh tế khác, mà là khẳng định tầm vóc của họ và đảm bảo nguyên tắc tự do, cạnh tranh bình đẳng. Hiện nay, Chính phủ và Nhà nước đang nỗ lực tạo điều kiện để khu vực tư nhân phát triển trên một sân chơi công bằng, chứ không phải sự ưu ái.
Chúng ta cũng phải lưu ý thêm, Nghị quyết 198 của Quốc hội cùng với Chính phủ, chỉ ra đời sau Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị chỉ có mười mấy ngày. Chưa bao giờ trong lịch sử có một nỗ lực ghê gớm như vậy. thể hiện quyết tâm hành động của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, để giải phóng cho nền kinh tế này, giải phóng cho khu vực tư nhân.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng Nghị quyết 198 chủ yếu giải quyết các vấn đề ngắn hạn và trực tiếp. Để xây dựng một môi trường kinh doanh thực sự tự do, bình đẳng và cạnh tranh, chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách nền tảng, như luật đất đai, cải thiện tiếp cận nguồn vốn, và giảm chênh lệch lãi suất. Chỉ khi các vấn đề này được giải quyết đồng bộ, khu vực kinh tế tư nhân, với doanh nghiệp tư nhân là hạt nhân, mới có thể phát huy hết tiềm năng, góp phần đưa đất nước vươn lên mạnh mẽ.
Host: Như ông Thiên đã đề cập, một trong số những nút thắt cần được tháo gỡ là những khó khăn về tiếp cận nguồn vốn, tín dụng, lãi suất. Vậy từ góc độ của Ngân hàng Á Châu (ACB) - vừa là một ngân hàng tư nhân, vừa là một nhà đồng hành lâu năm với rất nhiều doanh nghiệp tư nhân khác, ông Phát nhận thấy các cơ hội từ Nghị quyết 68 ra sao và làm thế nào để hiện thực hóa các cơ hội đó?
Tổng giám đốc ACB Từ Tiến Phát: Tôi rất tâm đắc với hai cụm từ "giải nén" và "nhảy vọt" mà ông Thiên vừa đề cập. Nghị quyết 68 thực sự là một bước ngoặt, giúp tháo gỡ các rào cản cho doanh nghiệp tư nhân, đồng thời tạo động lực để khu vực này vươn lên mạnh mẽ, khẳng định vai trò trụ cột trong nền kinh tế thị trường.
"Với mạng lưới phục vụ hơn300,000 khách hàng SMEs cùng thế mạnh bán lẻ, ACB đã có cơ hội tiếp xúc rộng rãi với cộng đồng doanh nghiệp ngay sau khi Nghị quyết 68 được ban hành. Chúng tôi ghi nhận sự phấn khởi rõ nét và niềm tin mạnh mẽ vào một giai đoạn phát triển mới của khối kinh tế tư nhân."

Một lãnh đạo doanh nghiệp từng chia sẻ với chúng tôi rằng: họ chưa muốn hoặc không muốn mở rộng đầu tư, khi mà họ chưa thấy chính mình - những doanh nghiệp tư nhân trong chính sách của Nhà nước. Đến nay đã khác, họ khẳng định với chúng tôi sẽ mở rộng đầu tư.
Nghị quyết 68 mang lại nhiều cơ hội thiết thực, giải quyết các mối băn khoăn lớn của doanh nghiệp tư nhân. Về vốn, chính sách miễn giảm thuế trong ba năm cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và hỗ trợ tiếp cận vốn minh bạch, chi phí thấp đã được nêu rõ. Ngoài ra, việc giảm thanh kiểm tra và đơn giản hóa thủ tục hành chính đã tạo sự hứng khởi cho doanh nghiệp. Nghị quyết cũng đề cập đến các vấn đề quan trọng khác như mở rộng thị trường, phát triển chuỗi cung ứng nội địa, và thúc đẩy chuyển đổi xanh, bao quát gần như toàn bộ những thách thức mà doanh nghiệp tư nhân đang đối mặt.
Thực tế cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam rất kỳ vọng những nội dung trong Nghị quyết 68 sẽ sớm được thể chế hóa thành các điều luật và nghị định cụ thể. Quốc hội và Chính phủ đã đưa ra nhiều chương trình hành động rõ ràng, và giờ đây, cộng đồng doanh nghiệp đang trông đợi vào bước chuyển tiếp theo, đó là sự triển khai đồng bộ, hiệu quả trên thực tế

Host: Xin quay trở lại với ông Trần Đình Thiên, khi nhìn lại bức tranh thực tế của các doanh nghiệp tư nhân, ông đánh giá hiện trạng thế nào? Và thực sự Nghị quyết 68 có giải quyết được những khó khăn đó của các doanh nghiệp tư nhân hay không?
PGS.TS Trần Đình Thiên: Chúng ta đều biết, bối cảnh hiện nay là cả thế giới đều khó, nhưng nền kinh tế Việt Nam lại khá. Tại sao nền kinh tế Việt Nam nói chung là tốt, mà khu vực tư nhân của Việt Nam lại yếu, lại khó? Đây là một nghịch lý cần được giải quyết một cách thấu đáo.
Những khó khăn này xuất phát từ cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Về khách quan, đại dịch Covid-19 đã gây đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến các doanh nghiệp tư nhân, vốn đã yếu, càng thêm kiệt quệ. Tuy nhiên, Đảng đã chỉ rõ nguyên nhân chủ yếu nằm ở những điểm nghẽn về cơ chế và chính sách, được ví như "điểm nghẽn của điểm nghẽn". Sau 40 năm đổi mới, đây có lẽ là giai đoạn doanh nghiệp tư nhân chịu nhiều áp lực nhất, đặc biệt khi phải chuyển mình để thích nghi với thời đại công nghệ mới và môi trường cạnh tranh quốc tế hoàn toàn khác, thì cái yếu, cái khó lại càng gấp bội lên.
Theo nghĩa đó, Nghị quyết 68 đóng vai trò như một động lực giải phóng cần thiết, khơi dậy niềm tin và sự phấn khởi trong cả nước ngay tại thời điểm khó khăn này. Nhưng đặt ra vấn đề này, cũng phải đặt ra một cách sòng phẳng. Khi Đảng và Nhà nước coi khu vực tư nhân đúng vai trò của họ, là động lực quan trọng nhất, thì họ lại đang rất yếu. Yếu thì có đóng được vai quan trọng ấy không?
Đó là vấn đề thực tiễn, chứ không phải "tặng" cho ông vai ấy là ông cứ thế mà được. "Tặng" vai trò đó, là giao một sứ mệnh, một trọng trách, một nghĩa vụ quốc gia, mà không đủ lực, đủ sức, đủ khôn ngoan thì không thể làm được.

Vì vậy, bên cạnh không khí tưng bừng, vẫn còn những vấn đề cần giải quyết để doanh nghiệp tư nhân thực sự phát huy vai trò động lực. Cách đặt vấn đề như thế không phải để bi quan, để tiêu cực, mà để thấy rằng chúng ta cần phải làm gì và làm như thế nào, phải cực kỳ quyết liệt, tính đến việc phải trả giá đau để tranh thủ thời cơ. Ở đây cần những giải pháp khác thường, phải đi với nỗ lực phi thường của cả đất nước.
Host: Trong nguy có cơ, từ góc độ của một doanh nghiệp tư nhân và cũng đang hỗ trợ rất nhiều doanh nghiệp khác, đặc biệt là nhóm SMEs, xin ông Phát chia sẻ thêm về những thách thức mà doanh nghiệp hiện nay đang phải đối mặt?
Tổng giám đốc ACB Từ Tiến Phát: Qua quá trình làm việc với các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là SMEs, lực lượng chiếm phần lớn trên thị trường, chúng tôi nhận thấy ba khó khăn chính mà họ đang đối mặt: thị trường, vốn và thủ tục.
Về thị trường, trong khi các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp FDI có thể dễ dàng nắm bắt cơ hội, thì các SME lại gặp nhiều hạn chế. Sau đại dịch Covid-19, thị trường tiêu thụ nội địa tăng trưởng chậm, khiến các SME cảm nhận rõ sự co hẹp về nhu cầu. Cơ hội xuất khẩu của họ cũng hạn chế. Vì vậy, mong muốn hàng đầu của các SME là mở rộng thị trường. Thúc đẩy tiêu dùng nội địa là một nội dung quan trọng mà Chính phủ đang rất nỗ lực hành động, cũng như việc đầu tư phát triển ở các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Về vốn, SMEs gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn tài chính do nhiều hạn chế nội tại. Thứ nhất, nguồn vốn tự có của họ thường hạn chế. Thứ hai, hệ thống sổ sách kế toán chưa đủ minh bạch và rõ ràng. Thứ ba, họ thiếu tài sản thế chấp để đảm bảo cho các khoản vay. Nhìn từ phía hệ thống ngân hàng, việc áp dụng các hình thức cho vay tín chấp hoặc vay dựa trên dòng tiền và hàng tồn kho cho SMEs và doanh nghiệp khởi nghiệp vẫn chưa được triển khai rộng rãi.
Về thủ tục, SMEs phải đối mặt với các quy trình hành chính phức tạp bao gồm thủ tục thuế và các yêu cầu khác, và cả các thủ tục liên quan đến ngân hàng. Để giải quyết vấn đề này, cả cơ quan Nhà nước và ngân hàng đều cần nỗ lực đơn giản hóa thủ tục, trong khi SMEs cũng cần chú trọng tính minh bạch trong hoạt động của mình. Để hai bên gặp được nhau thì đòi hỏi cả thời gian lẫn sự nỗ lực của cả hai bên.
Host: Theo ông Thiên, với những điểm nghẽn về tiếp cận vốn, ông đánh giá thế nào về vai trò của hệ thống ngân hàng và đặc biệt là các ngân hàng tư nhân trong thời gian vừa qua và trong việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế?
PGS.TS Trần Đình Thiên: Hệ thống ngân hàng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong hoạt động của nền kinh tế, bởi tín dụng ngân hàng hiện là nguồn vốn chủ đạo, trong khi các kênh khác như thị trường trái phiếu hay chứng khoán vẫn chưa phát triển đủ mạnh để chia sẻ gánh nặng này. Đây là một điểm yếu về cấu trúc của nền kinh tế Việt Nam, khiến các ngân hàng phải chịu áp lực lớn về vốn và rủi ro, buộc họ phải duy trì sự thận trọng trong hoạt động. Điều này, ngược lại, tạo ra khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn.
Để giải quyết vấn đề, cần giảm bớt gánh nặng cho hệ thống ngân hàng thông qua việc tái cấu trúc thị trường tài chính, hướng tới sự cân bằng và phát triển đồng đều hơn giữa các kênh huy động vốn. Chúng ta phải tiếp cận cấu trúc của hệ thống kinh tế thị trường một cách bài bản, chứ không phải đến đâu hay đến đó, gặp gì tiện thì làm.
Hệ thống thị trường tài chính phải cân đối lại, phải phát triển đồng đều hơn, xử lý vấn đề một cách có bài bản. Như vậy, buộc chúng ta cũng phải quan tâm đến hệ thống ngân hàng như là một thị trường không chỉ đơn thuần hỗ trợ mà còn có tính dẫn dắt phát triển rất cao.
.png)
Host: Trong khi các ngân hàng thương mại nhà nước lớn tập trung vào mảng bán buôn, các ngân hàng tư nhân như ACB đã tận dụng thị phần bán lẻ. Vậy ACB đã làm gì để đạt được thành công trong lĩnh vực này?
Tổng giám đốc ACB Từ Tiến Phát: Trong mảng bán lẻ, các ngân hàng thường có khẩu hiệu "lấy khách hàng làm trọng tâm", nhưng việc hiện thực hóa mục tiêu này đòi hỏi những hành động cụ thể. Tại ACB, chúng tôi ưu tiên thấu hiểu sâu sắc nhu cầu của từng phân khúc khách hàng, từ cá nhân đến SME, để thiết kế các sản phẩm và dịch vụ tài chính phù hợp.
Bên cạnh đó, ACB không ngừng sáng tạo và cải tiến, thường xuyên giới thiệu các sản phẩm mới và điều chỉnh dựa trên phản hồi của khách hàng để đảm bảo sự hài lòng. Đặc biệt, chúng tôi đẩy mạnh chuyển đổi số, đưa các sản phẩm và dịch vụ lên nền tảng số. Hiện 90-95% khách hàng đang sử dụng kênh số của ACB đang hưởng rất nhiều tiện ích và rất hài lòng.

Host: Sau khi nhận diện được cơ hội, SMEs cần làm gì để có thể tận dụng được cơ hội này thưa ông Thiên?
PGS.TS Trần Đình Thiên: Thực ra tôi nghĩ rằng câu hỏi này, tự thân các doanh nghiệp trong hoạt động của mình họ đều có câu trả lời. Đã doanh nghiệp thì không thể thụ động, bao giờ cũng phải chủ động.
Tuy nhiên, trên bình diện chung, SMEs cần giải quyết những nỗi "ám ảnh", loại bỏ đi những thói quen đang ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh, như tâm lý ngắn hạn, hay sự tự ti, thiếu khát vọng. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ có mơ ước thôi, vẫn thiếu đi một khát vọng kinh doanh thật sự. Các doanh nghiệp cũng cần vượt qua nỗi e ngại về cơ chế chính sách.
Và quan trọng hơn, doanh nghiệp Việt Nam cần khắc phục tình trạng manh mún và thiếu liên kết.

Thay vì "mạnh ai nấy làm", các doanh nghiệp nên xây dựng các chuỗi liên kết, tạo cơ hội cho cả những doanh nghiệp nhỏ hoặc chưa có nhiều lợi thế. Các ngân hàng như ACB đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp vốn, không chỉ hỗ trợ tài chính mà còn mở ra tiềm năng phát triển cho doanh nghiệp. Việc tạo điều kiện để các doanh nghiệp lớn, những "người giàu" về nguồn lực, liên kết và hỗ trợ các SME là yếu tố then chốt, giúp mở rộng không gian và cơ hội phát triển cho toàn bộ khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam trong bối cảnh Nghị quyết 68.
Host: Với vai trò của mình, ACB sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp như thế nào để tận dụng các cơ hội từ Nghị quyết 68?
Tổng giám đốc ACB Từ Tiến Phát: Phải nói rằng Nghị quyết 68 tạo ra một niềm tin to lớn cho cộng đồng và doanh nghiệp. Tuy nhiên, niềm tin phải chuyển hóa thành hành động. Về phía ACB, chúng tôi muốn đồng hành cùng các doanh nghiệp trên 4 khía cạnh.
Đầu tiên, về vốn, chúng tôi đã công bố gói tín dụng 40.000 tỷ đồng, trong đó 20.000 tỷ đồng dành cho các doanh nghiệp phát triển công nghệ và hạ tầng, cùng 20.000 tỷ đồng với lãi suất thấp hơn khoảng 2% so với lãi suất thương mại, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân giảm chi phí vốn.
Thứ hai, như tôi đã nói, thị trường là yếu tố quan trọng hàng đầu. Với mạng lưới khoảng 300.000 doanh nghiệp và gần 7 triệu khách hàng cá nhân, ACB hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường thông qua các nền tảng quảng bá sản phẩm và dịch vụ miễn phí, giúp doanh nghiệp thông qua nền tảng của ACB có thể kết nối trực tiếp với khách hàng tiềm năng.
Thứ ba là hoạt động chuyển đổi số. Đây không còn là xu hướng của riêng các doanh nghiệp lớn mà đã trở thành xu hướng chung của cả nền kinh tế. ACB đồng hành cùng doanh nghiệp tư nhân trong việc ứng dụng các giải pháp số, như phần mềm quản lý bán hàng, xuất hóa đơn, và các công cụ thanh toán, quản trị trên nền tảng số. Chúng tôi hợp tác với các đối tác để cung cấp những giải pháp này, giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động.
Thứ tư liên quan đến vấn đề chuyển đổi xanh. ACB đóng vai trò tư vấn và cung cấp vốn, hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Điều này giúp doanh nghiệp dễ dàng chuyển đổi sang mô hình kinh doanh bền vững, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.

Chúng tôi thực sự mong muốn đồng hành với doanh nghiệp Việt Nam cùng lớn mạnh, vươn tầm. Tôi cũng thực sự rất tâm đắc với cụm từ sắp xếp lại giang sơn, là cơ hội để mọi doanh nghiệp Việt Nam thay đổi cách tiếp cận, đón đầu những cơ hội lớn hơn trong tương lai.