Chuyện ít biết về nền tảng AI Robot đầu tiên ở Việt Nam

Kim Tiền | 08:26 29/08/2024

Thông thường, để làm chủ hệ thống nền tảng AI Robot cho dòng robot tự hành mặt đất hoạt động trong nhà, các công ty AI sẽ mất khoảng 12-24 tháng. Thế nhưng, Viettel AI – đơn vị chuyên về trí tuệ nhân tạo của Tập đoàn Viettel chỉ mất có 7 tháng.

Chuyện ít biết về nền tảng AI Robot đầu tiên ở Việt Nam

Nhân tố đặc biệt ở Viettel AI 

“Viettel AI đã xây dựng và làm chủ nền tảng phần mềm AI Robot cho các dòng robot tự hành mặt đất hoạt động trong nhà”, đó là lời khẳng định của ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ nhiệm nhóm nghiên cứu robot thông minh tại Trung tâm Dịch vụ dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo Viettel (Viettel AI). 

Cũng theo ông Bình, Viettel AI đang sản xuất robot tự hành công nghiệp và robot tự hành dịch vụ. Ba điểm quan trọng nhất trong hệ thống robot của Viettel AI, thứ nhất là nền tảng phần mềm AI Robot với công nghệ LiDAR SLAM kết hợp thị giác máy tính giúp robot di chuyển ổn định, chính xác. Thứ hai, hệ thống điều hướng tránh vật cản sử dụng thị giác máy và trí tuệ nhân tạo (AI) giúp robot dễ dàng phát hiện vật cản và di chuyển linh hoạt. Thứ ba, hệ thống điều phối đa robot tương thích chuẩn VDA5050 có thể tích hợp với nhiều loại robot của các hãng khác nhau.

image_2024_08_29t01_25_37_296z.png

Điểm đặc biệt là các kỹ sư của Viettel AI đã làm chủ được hệ thống này trong thời gian chỉ 7 tháng, trong khi thông thường cần 12-24 tháng để hoàn thành. Lý do là nghiên cứu robot ứng dụng nhiều công nghệ AI phức tạp cần nhiều thời gian: từ lập đề án, khảo sát, xây dựng khung nội dung, phân tích, thử nghiệm công nghệ, nguyên vật liệu phù hợp... Nhưng với khát vọng tiên phong, các kỹ sư của Viettel AI đã tạo ra một kết quả đáng nể trong bối cảnh ngành công nghệ robot tại Việt Nam vẫn còn khá mới mẻ. 

Trên thực tế, hướng đi tích hợp thị giác máy tính và AI trên các robot tự hành trong nhà có rất ít công ty triển khai, do phải đầu tư lớn và bài bản. Bên cạnh đó, nghiên cứu robot AI cũng không có nhiều tài liệu hay sản phẩm mẫu để so sánh, tham khảo.

Chưa hết, việc áp dụng AI vào các sản phẩm robot đòi hỏi lượng dữ liệu lớn để huấn luyện mô hình, trong khi môi trường hoạt động của các nhà máy, nhà kho, hoặc văn phòng rất đa dạng, các điều kiện thiết bị, hạ tầng, ánh sáng khác nhau... Nhưng việc thu thập được lượng dữ liệu phù hợp, đủ lớn và thường xuyên rất khó thực hiện. 

“Rất may, chúng tôi đã hợp tác với các Big Tech để mô phỏng thế giới thực trong quá trình huấn luyện, giúp đảm bảo việc huấn luyện mô hình được kịp thời, giảm thời gian phát triển”, ông Bình chia sẻ. 

Cũng theo ông , ngoài những khó khăn kể trên, nhân sự cũng là một vấn đề hóc búa ở giai đoạn đầu của dự án. Nghiên cứu phát triển robot ở Việt Nam còn rất mới, đặc biệt là ứng dụng AI trong lĩnh vực này lại càng thiếu nhân sự có kinh nghiệm, Viettel cũng không phải là ngoại lệ. 

Để giải quyết vấn đề này, các chuyên gia Viettel AI cùng một số chuyên gia robot ở nước ngoài đã kết hợp đào tạo và cùng phát triển với các kỹ sư mới ra trường có kết quả học tập, nghiên cứu xuất sắc. Chính nhờ dự án khó khăn này, Viettel AI đã xây dựng được một lớp các kỹ sư AI mới, cứng về chuyên môn, tận tụy trong công việc. Chủ nhiệm nhóm nghiên cứu robot AI tiết lộ: “Lúc nhận nhiệm vụ, chúng tôi không nghĩ có thể phát triển thành công chỉ trong 7 tháng”. 

AI Robot của Viettel đã được triển khai ở đâu?

Hiện nay, không chỉ robot kho vận VMR-01, Viettel AI đã thành công đưa 3 dòng robot AI khác vào cuộc sống, đó là: robot công nghiệp chuyên nâng hạ, vận chuyển giá đỡ, pallet (VMR-02); robot phục vụ nhà hàng, khách sạn, bệnh viện, văn phòng, kho fulfillment (VDR-01) và robot trợ lý ảo, giám sát nhiệt độ, độ ẩm, khí độc, cháy nổ, người lạ ra vào (VDR-02).

Mới đây, Viettel AI chính thức vận hành robot hướng dẫn viên dịch vụ có tích hợp trợ lý ảo để thực hiện công tác giới thiệu thông tin tới khách tham quan Trung tâm Vận hành và Khai thác toàn cầu Viettel tại Hòa Lạc. Robot được kết nối với các hệ thống của trung tâm để trình chiếu, hiển thị các hình ảnh, dữ liệu mạng lưới theo yêu cầu, thực hiện tự động trả lời khách tham quan các thông tin khác liên quan tới Tổng công ty Mạng lưới Viettel và Viettel.

Hệ thống quản lý và điều khiển đa robot của Viettel AI hiện được đánh giá là tạo sự khác biệt lớn trên thị trường. Theo đó, hệ thống có thể giúp người dùng quản lý trạng thái hoạt động, tác vụ thực hiện và thống kê hiệu suất làm việc của robot, phù hợp với các doanh nghiệp, tổ chức có nhu cầu tùy chỉnh hệ thống điều phối theo đặc thù của mình. Một ưu điểm khác là hệ thống này có thể điều phối tới hàng trăm robot, bao gồm cả robot của các hãng khác cùng tiêu chuẩn, đáp ứng phần lớn các nhu cầu sử dụng robot trong nhà máy hiện nay. 

Những thành công bước đầu này không chỉ là minh chứng cho khả năng sáng tạo và phát triển của Viettel, mà còn là tín hiệu lạc quan về khả năng làm chủ công nghệ lõi thúc đẩy chuyển đổi số của Việt Nam. Việc nghiên cứu phát triển trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và robotics là nền tảng quan trọng để hiện thực hóa cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển trong thời gian tới.

“Viettel AI sẽ tận dụng các mô hình nền tảng đa phương thức để phát triển bộ não cho robot có thể hiểu được tốt hơn ngữ nghĩa môi trường (thông qua hình ảnh, âm thanh, và từ ngữ), đồng thời giúp robot tự ra quyết định trong một số trường hợp nhất định”, ông Bình nhấn mạnh.       


(0) Bình luận
Chuyện ít biết về nền tảng AI Robot đầu tiên ở Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO