Chuyên gia Trung Quốc chỉ ra những “điểm nghẽn” của kinh tế Việt Nam

Linh SM | 13:55 05/07/2022

TS. Wang Lingyi có bài đăng trên trang Yicai của Trung Quốc, chỉ ra các vấn đề về điện năng, đường sắt, cảng biển đang cản trở sự tăng trưởng mạnh mẽ của Việt Nam.

Chuyên gia Trung Quốc chỉ ra những “điểm nghẽn” của kinh tế Việt Nam
Theo chuyên gia Trung Quốc, Việt Nam còn thiếu đầu tư cho hệ thống cảng biển hiện đại. (Ảnh nguồn Int)

Tiến sĩ Wang Lingyi là cán bộ nghiên cứu tại Trung tâm Giao lưu Kinh tế Quốc tế Thượng Hải thuộc Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải.

Bài viết được đăng tải trên trang Yicai của Trung Quốc ngày 19/6. Yicai là chuyên trang cung cấp những thông tin và phân tích về kinh tế, tài chính của Trung Quốc.

chyen-gia-tq.jpg
Ông Wang Lingyi. Ảnh finance.sina.cn

Dưới đây là nội dung lược dịch bài viết của TS. Wang Lingyi :

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng ấn tượng

Ngày 13/6, Ngân hàng Thế giới (WB) đã chính thức công bố "Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2022”.

Báo cáo chỉ ra rằng sản xuất công nghiệp của Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ổn định với tốc độ 10,4% so với cùng kỳ năm ngoái; doanh thu từ hoạt động bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong tháng 6 tăng 4,2% so với tháng trước và tăng 22,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Các tổ chức quốc tế khác cũng ghi nhận kết quả hoạt động của nền kinh tế Việt Nam trong năm nay.

Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2022 sẽ phục hồi ở mức 6,5% và đạt mức 6,7% vào năm 2023;

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 xuống còn 3,6% , mặc dù vậy IMF đánh giá nền kinh tế Việt Nam vẫn sẽ tăng trưởng mạnh, dự kiến ​​đạt 7,2% vào năm 2023.

Những con số và dự báo này thể hiện sự phục hồi mạnh mẽ của nhu cầu tiêu dùng nội địa tại Việt Nam. Trong 5 tháng đầu năm nay, kim ngạch thương mại xuất khẩu của Việt Nam đã vượt xa đặc khu kinh tế Thâm Quyến của Trung Quốc. Chính vì vậy các nhà nghiên cứu từ các tổ chức tư vấn quốc tế khẳng định rằng Việt Nam sẽ dần thay thế các khu vực ven biển của Trung Quốc trong vài năm tới và đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Quan điểm này khơi dậy sự chú ý của giới kinh tế và truyền thông Trung Quốc.

Việt Nam là đối tác lớn của cả Mỹ và Trung Quốc

Trong những năm gần đây, Việt Nam được đánh giá đứng đầu về phát triển kinh tế của khu vực Đông Nam Á.

Từ đầu thế kỷ 21, Việt Nam đã tích cực thu hút đầu tư nước ngoài, mở rộng các kênh thương mại quốc tế với các chính sách mở cửa và đã đạt được một số thành tựu, điểm nhấn đáng chú ý là quan hệ thương mại với Trung Quốc phát triển nhanh chóng.

Theo số liệu thống kê của Hải quan Trung Quốc, năm 2021 kim ngạch thương mại hai chiều giữa Trung Quốc và Việt Nam lần đầu tiên vượt ngưỡng 200 tỷ USD, đạt 230,2 tỷ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm trước nếu tính theo đồng USD và 12% khi tính bằng đồng nhân dân tệ (NDT).

Với kết quả này, Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam; Ngược lại, Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và là đối tác thương mại lớn thứ sáu của Trung Quốc trên thế giới sau các nước Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức và Australia.

Giới chức Việt Nam nhận định thị trường Trung Quốc có ý nghĩa to lớn đối với việc duy trì đà tăng trưởng kinh tế và chuỗi cung ứng của Việt Nam. Trong đó, điện thoại các loại và linh kiện chiếm kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sang Trung Quốc.

Đồng thời, nhiều mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc ở mức “tỷ đô”, có thể kể đến như rau quả, cao su, gạo, cà phê, sắn,….

Trong 5 tháng đầu năm đà tăng vẫn không suy giảm, nhu cầu tiêu thụ khổng lồ của thị trường Trung Quốc không bị thu hẹp do dịch bệnh bùng phát mạnh ở Thâm Quyến, Thượng Hải và các thành phố lớn khác.

Một điểm sáng đáng chú ý khác là năm 2021 kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hoa Kỳ vượt mốc 100 tỷ USD, đạt 111 tỷ USD, tăng 21 tỷ USD so với năm 2020. Mỹ tiếp tục là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam. Các đơn đặt hàng của thị trường Mỹ đóng một vai trò tích cực trong việc thúc đẩy sự phát triển của chuỗi cung ứng của Việt Nam.

Đối với Việt Nam, thời điểm hiện nay chắc chắn là một cơ hội chiến lược hiếm có để duy trì quan hệ thương mại mạnh mẽ với các nền kinh tế lớn nhất và lớn thứ hai thế giới cùng một lúc. Trong số các quốc gia thành viên ASEAN, Việt Nam cũng là đại diện tích cực nhất của tự do hóa thương mại khi tham gia 15 hiệp định thương mại tự do đa phương.

TS. Wang Lingyi

Thành tựu kinh tế của Việt Nam thậm chí còn thu hút sự chú ý của các nhà kinh tế quốc tế tại diễn đàn Davos vào tháng trước. Các nhận xét tích cực chung là: Chính phủ Việt Nam đã áp dụng chính sách cấp thiết nhằm thúc đẩy sản xuất, phục hồi kinh tế, tuân thủ định hướng xuất khẩu, đưa ra nhận định chính xác đối với các thị trường đối tác thương mại lớn có liên quan; đặc biệt là trong việc công nhận các quy định liên quan đến nước ngoài, phát triển các ngành liên quan đến nước ngoài và giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế.

Với tư cách là một nền kinh tế mới nổi quan trọng ở Đông Nam Á, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam sẽ được duy trì ở mức tương ứng.

Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng, núi sông liền một dải, Việt Nam cũng là đối tác thương mại chính của Trung Quốc. Sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam và chuỗi cung ứng của Việt Nam đáng được cộng đồng kinh tế Trung Quốc và các nhà nghiên cứu Trung Quốc chú ý. Theo dự báo của các chuyên gia, với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2022 sẽ sớm vượt mốc 700 tỷ USD.

Những hạn chế của nền kinh tế Việt Nam

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhìn nhận rằng Việt Nam là một nền kinh tế mới nổi, vì vậy chuỗi cung ứng của Việt Nam vẫn còn những hạn chế tạm thời chưa thể khắc phục được, ít nhất là cho đến trước năm 2030.

davos.jpg

Việt Nam tham dự Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới WEF Davos 2022. (nguồn ảnh Int)

Nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam hiện có 3 điểm hạn chế, làm cho chuỗi cung ứng chưa phát huy được tiềm năng phát triển mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu.

Thứ nhất, nguy cơ thiếu điện:

Xuất phát từ chiến lược cân bằng giữa bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế, năm 2021 tỉ trọng các nguồn năng lượng mới như năng lượng gió và năng lượng mặt trời chiếm hơn 15% tổng sản lượng điện của Việt Nam; 5 tháng đầu năm nay, tỷ trọng này vẫn giữ nguyên. Trong các nguồn năng lượng mới, 70% đến từ năng lượng mặt trời và 30% từ năng lượng gió.

Tuy nhiên, trong mùa nắng nóng, nguồn cung cấp điện của Việt Nam thường xuyên thiếu hụt, đặc biệt là khu vực sản xuất phía Bắc phải mua điện từ các nước láng giềng Lào và Trung Quốc.

Hiện tại, xuất khẩu đang bùng nổ và năng lực sản xuất của các khu công nghiệp đã phục hồi một cách toàn diện, do vậy nhu cầu sử dụng điện tăng cao trở lại. Việt Nam đã từng nối lại sản xuất điện từ dầu khí nhưng cũng gặp trở ngại về nguyên liệu, vì giá dầu thô và khí đốt tăng vọt sau khi nổ ra cuộc xung đột Nga – Ukraine.

Thứ hai, hệ thống giao thông đường sắt nội địa của Việt Nam còn hạn chế trong việc hỗ trợ chuỗi cung ứng:

Do không được bảo trì, nâng cấp và quan tâm đầu tư nên đường sắt ngày càng trở nên yếu thế hơn trong lĩnh vực hậu cần; tỷ trọng vận tải hàng hóa và hành khách của đường sắt trong tổng lượng vận tải nội địa chỉ chiếm dưới 20%. Hệ thống đường sắt tụt hậu gây ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển kinh tế và nhu cầu xã hội. Chính vì vậy việc xây dựng đường sắt Bắc Nam mới và đường sắt tốc độ cao là nhiệm vụ quốc gia cần được chú trọng

Thứ ba, mặc dù hệ thống cảng kết nối vận tải biển xuyên quốc gia đã được cải thiện nhưng vẫn chưa thể theo kịp với nhu cầu ngoại thương mạnh mẽ:

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm nay đã vượt qua Thâm Quyến, do đợt phòng chống dịch bệnh của Thâm Quyến hồi tháng 4 khiến giao thương qua cảng bị đình trệ.

Tuy nhiên trong tương lai, nếu năng lực sản xuất của Việt Nam tiệm cận với mức hiện tại của Thâm Quyến thì các cảng ở Việt Nam rất khó để đáp ứng được.

Hiện nay, hệ thống cảng biển Việt Nam đã có sự thay đổi mạnh cả về chất và lượng nhưng vẫn còn tồn tại một số bất cập cần sớm khắc phục như: Sự thiếu đồng bộ giữa quy hoạch cảng biển với quy hoạch xây dựng của địa phương và các ngành khác; hạ tầng chưa đáp ứng kịp nhu cầu ngày càng cao của thị trường hàng hải khu vực và thế giới; thiếu các cảng biển hiện đại có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải lớn; trang thiết bị bốc xếp lạc hậu, năng suất thấp…

Để hệ thống cảng biển đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế, đảm bảo an ninh – quốc phòng của đất nước, cần tập trung vào một số vấn đề như:

Quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam có tầm nhìn chiến lược dài hạn, đồng bộ, đảm bảo tính kết nối giữa cảng biển với các mạng lưới giao thông khác; ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam hiện đại, đầy đủ hạ tầng phụ trợ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của toàn hệ thống; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm một số cảng biển trở thành đầu mối vận tải quan trọng; cải tiến mô hình quản lý cảng biển, mở rộng sự tham gia của khu vực ngoài nhà nước nhằm mang lại lợi ích kinh tế lớn hơn.

Tăng trưởng kinh tế phải cân bằng với phát triển xã hội

Mô hình phát triển của Việt Nam trong giai đoạn tới sẽ bước vào giai đoạn tăng trưởng kinh tế phải cân bằng với phát triển xã hội, nếu không sẽ khó duy trì sự ổn định của chuỗi cung ứng hàng hóa, đồng thời sẽ hạn chế tăng trưởng thu nhập quốc dân.

Do đó, trên cơ sở những thách thức đang diễn ra hiện nay, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra những nhiệm vụ và mục tiêu định hướng phát triển cần hoàn thành trong nửa cuối năm 2022. Nếu các mục tiêu này được thực hiện thành công chắc chắn sẽ giúp củng cố sự tăng trưởng chuỗi cung ứng của Việt Nam.

Theo đó, chính phủ Việt Nam đưa ra yêu cầu rõ ràng đối với việc nâng cao chất lượng lực lượng lao động: "Nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, kết hợp đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng, đổi mới công nghệ để phát triển nguồn nhân lực. Phấn đấu đạt tỉ lệ 1/4 lao động trực tiếp tham gia sản xuất đạt trình độ từ cao đẳng trở lên”.

Đây là điều rất đáng mong đợi, nếu không quyết liệt hành động thì ngành sản xuất của Việt Nam sẽ ở mức độ gia công trình độ thấp trong thời gian dài.



*Tiêu đề và tít phụ do người dịch đặt.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Chuyên gia Trung Quốc chỉ ra những “điểm nghẽn” của kinh tế Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO