Mới đây, trong báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ về nguyên nhân bất động sản tăng giá, Bộ Xây dựng cho biết sẽ nghiên cứu, đề xuất đánh thuế với trường hợp sở hữu, sử dụng nhiều nhà, đất nhằm hạn chế đầu cơ, mua đi bán lại trong thời gian ngắn để kiếm lời. Bộ Tài chính được yêu cầu cùng nghiên cứu, tham mưu chính sách thuế với nhà đất thứ hai hoặc bỏ hoang, không sử dụng.
Đề xuất của Bộ Xây dựng đưa ra trong bối cảnh giá bất động sản, nhà ở liên tục tăng mạnh từ đầu năm đến nay. Trong văn bản gửi các địa phương trước đó, Bộ Xây dựng cho biết một số phiên đấu giá đất huyện ven gần đây có giá trúng cao gấp nhiều lần khởi điểm. Điều này làm ảnh hưởng tới tình hình phát triển kinh tế - xã hội và sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản.
Xung quanh vấn đề trên, MarketTimes đã có cuộc trò chuyện với bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Nghiên cứu & Tư vấn, Savills Hà Nội.
MarketTimes: Thưa bà, Bộ Xây dựng vừa cho biết sẽ nghiên cứu, đề xuất đánh thuế với trường hợp sở hữu, sử dụng nhiều nhà, đất nhằm hạn chế đầu cơ. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?
Bà Đỗ Thu Hằng: Đánh thuế căn nhà thứ hai, ở một khía cạnh nào đó, giá bán bất động sản cũng sẽ tăng. Trong điều kiện hiện nay, chúng ta đang kì vọng đưa mặt bằng giá về mức hợp lý. Nếu mặt bằng giá tiếp tục tăng nó sẽ ảnh hưởng đến tính thanh khoản của thị trường và sự phục hồi của thị trường.
Công việc quan trọng nhất là chúng ta đã làm, như các luật đã được thông qua, tuy nhiên Luật bao giờ cũng có độ trễ. Hiện nay, vấn đề cần phải tính toán có sự phù hợp chưa, cần phải tính thời điểm phù hợp khi mà thị trường đã phục hồi hoàn toàn.
Mặc đù chúng ta mong muốn thực hiện ngay nhưng vẫn cần phải có thời gian làm, kế hoạch thực hiện cũng không thể nhanh được. Kế hoạch phải được thông qua và bao quát được và có đầy đủ các công cụ.
Do đó, thời điểm áp dụng cần vừa đảm bảo thị trường phát triển bền vững vừa phải hỗ trợ cho nền kinh tế phát triển, bởi các thị trường phát triển đồng đều thì nền kinh tế mới phát triển bền vững.
MarketTimes: Vậy theo bà thời gian nào sẽ là thời điểm phù hợp để có thể đề xuất đánh thuế bất động sản căn nhà thứ hai?
Bà Đỗ Thu Hằng: Chỉ đánh thuế khi nào chúng ta có đầy đủ các điều kiện, chúng ta có hệ thống quản lý bất động sản, sở hữu của người dân đầy đủ, lúc đó, lựa chọn thời điểm sẽ rất dễ. Tức là chúng ta phải có hệ thống quản lý đất đai toàn quốc, kết nối với các địa phương thì lúc đó mới rõ ràng.
Song song, chúng ta kết hợp với các biện pháp kỹ thuật khác: việc giao dịch qua ngân hàng, những yêu cầu liên quan đến kê khai… Có như vậy, sẽ không mang tính chất cục bộ. Bởi khi ở một địa phương nào đấy chưa liên thông toàn quốc thì chúng ta cũng không thể làm triệt để được. Vô hình chung, không đáp ứng được mục tiêu là phát triển lành mạnh hóa thị trường, hỗ trợ nền kinh tế.
MarketTimes: Thưa bà, đề xuất đánh thuế bất động sản thứ hai sẽ ảnh hưởng tới thị trường bất động sản như thế nào?
Bà Đỗ Thu Hằng: Đánh thuế bất động sản thứ hai đây chỉ là một trong những biện pháp. Nếu trong điều kiện thực hiện, chúng tôi cũng nhận thấy ảnh hưởng đến tốc độ phục hồi thị trường chậm hơn. Nhưng chưa hẳn gây đến mức độ quá xấu. Chúng ta vẫn còn rất nhiều yếu tố khác cần phải giải quyết chứ không phải mỗi vấn đề đánh thuế ngôi nhà thứ hai.
MarketTimes: Trung Quốc mới đây đã phải đề xuất nới lỏng quy định đánh thuế, tín dụng bất động sản thứ hai. Chúng ta rút ra được kinh nghiệm gì từ thị trường tỷ dân?
Bà Đỗ Thu Hằng: Để có thể đánh thuế được bất động sản thứ hai, chúng ta cần sử dụng các biện pháp gia tăng mức độ, phải làm sao đánh giá được hết các tác động. Hiện chúng ta đang cần sự phát triển về bất động sản để hỗ trợ các ngành kinh tế khác, thì việc siết tín dụng vào bất động sản tại Việt Nam không cần nhìn từ Trung Quốc mà chúng ta đã thấy gặp khó khăn như thế nào rồi.
Việc siết chặt tín dụng vào bất động sản Trung Quốc đã làm, tại Việt Nam cũng đã áp dụng biện pháp này khi thị trường phát triển quá nóng. Do đó, tùy thuộc vào điều kiện thị trường phát triển ở mỗi thời điểm khác nhau mà chúng tôi nhận thấy, áp dụng mức độ can thiệp, tác động là khác nhau.
Hiện Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển liên quan đến những chính sách tín dụng, phát triển nguồn vốn cho bất động sản. Nguồn vốn cho bất động sản đã được bàn đến rất nhiều, từ quỹ đầu tư, huy động ngân hàng, huy động các kênh niêm yết chứng khoán, trái phiếu... Thị trường hiện tại vẫn cần có sự điều tiết vì chúng ta chưa phải ở mức độ mà có thể tự điều tiết được. Nên ở giai đoạn đầu, khi mà quá dựa nhiều vào nguồn vốn của ngân hàng thì cần phải có sự can thiệp, áp dụng chính sách gần như là giám sát để đảm bảo cho thị trường phát triển đúng hướng, lành mạnh.
MarketTimes: Trân trọng cảm ơn bà!