Theo ông Nguyễn Thạc Thắng, CEO công ty tư vấn tuyển dụng nhân sự ACG, cựu giám đốc PersolKelly Việt Nam, có 3 nguyên nhân chính, đó là: thu nhập, sức ép của công việc văn phòng và triển vọng sự nghiệp.
Yếu tố thu nhập được xem là nguyên do chính khiến số lượng shipper công nghệ, lái xe công nghệ toàn thời gian ngày càng nhiều.
Theo ông Thắng, thu nhập là nguyên nhân chính giải thích cho thực trạng này. Nhu cầu mua sắm và đặt đồ ăn trên mạng tăng cao, đặc biệt là sau Covid-19, giúp thu nhập của các shipper không hề thua kém các công việc văn phòng, thậm chí có phần nhỉnh hơn. Nhưng kéo theo đó là sự hi sinh về mặt phát triển kỹ năng nghề nghiệp.
“Lựa chọn của họ đơn giản là nơi nào có thu nhập cao hơn, thời gian có vẻ linh hoạt hơn và đem lại cảm giác làm chủ được cuộc sống nhiều hơn. Thế nhưng, vấn đề ở chỗ sau 2-3 năm, thu nhập từ ship vẫn vậy, nhưng thu nhập đến từ các bộ kĩ năng khác của các bạn có thể đã tăng lên nếu có lựa chọn khác.” ông Thắng chia sẻ.
Bà Lê Thu Huyền - thành viên nhóm nghiên cứu, Viện Khoa học Lao động và Xã hội cũng quan ngại về thực trạng này có thể gây ra một sự lãng phí, bởi nhóm lao động này được kì vọng sẽ làm những vị trí đạt năng suất, chất lượng, tạo ra nhiều giá trị hơn cho xã hội.
Tại các thành phố lớn như Hà Nội hay TP. HCM, những lái xe hoặc giao hàng công nghệ có thể kiếm được mức thu nhập 8 - 9 triệu đồng/tháng nếu làm toàn thời gian, thậm chí có thể lên đến 15 triệu khi làm thêm buổi tối.
Trong khi đó, thương mại điện tử đang trong giai đoạn bùng nổ của Việt Nam sẽ càng khiến nhu cầu về logistics gia tăng. Theo báo cáo e-Conomy SEA mới nhất do Google, Temasek và Bain & Company phối hợp thực hiện, thương mại điện tử của Việt Nam hiện đã đạt 14 tỷ USD và dự báo sẽ tăng gấp đôi sau 3 năm nữa.
Một nguyên nhân khác là vấn đề stress tại công sở đang ngày càng nghiêm trọng. Theo thống kê của công ty tư vấn thương hiệu tuyển dụng và môi trường làm việc Anphabe, có tới 42% trong số 60.000 người được khảo sát đang rơi vào trạng thái mệt mỏi, chán nản ở mức thường xuyên với công việc của mình. Trong đó, các ngành Ngân hàng và Sản xuất có số lượng nhân viên bị stress đông nhất, sau đó là các ngành liên quan đến Y dược hay Xây dựng.
Về mặt áp lực, lái xe hay giao hàng công nghệ có sự tự do nhất định, thời gian linh hoạt và tự chủ được công việc hơn các công việc văn phòng. Thời gian linh hoạt và tự do cũng đang là xu hướng làm việc mới của lao động ngày nay, không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Thuật ngữ “gig economy” đã được sử dụng trên thế giới để mô tả hệ thống thị trường lao động tự do có hợp đồng hoặc công việc tự do hoàn toàn.
Bà Lê Thu Huyền, chuyên gia của Viện Khoa học lao động xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), chia sẻ với báo Tuổi trẻ rằng xu hướng chọn việc làm "gig" (tự do) như lái xe hoặc shipper công nghệ, YouTuber, blogger đang càng nhiều hơn do thời gian linh hoạt và thu nhập cao. Ở Mỹ hiện nay, cũng có gần 60 triệu người đang làm việc theo mô hình này, chiếm gần 40% lực lượng lao động quốc gia, theo thống kê của tập đoàn tư vấn McKinsey & Company.
Thứ ba, theo chuyên gia đó là việc các công ty chưa đưa ra được một lộ trình phát triển/đào tạo đi kèm một mức lương thưởng xứng đáng. Nhân lực Việt Nam hiện nay vẫn còn yếu về năng suất và các kỹ năng so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore. Vì vậy, cơ hội giữ chân lao động có trình độ sẽ cao hơn nếu họ thấy được mình có thể phát triển thế nào, có lợi ích gì khi gắn bó với công ty. Và điều này nên được giải quyết ngay từ khâu trước khi tuyển dụng, theo chuyên gia.
“Nên làm rõ cho người lao động thấy công ty sẽ giúp họ xây dựng các bộ kĩ năng gì, cho họ những cơ hội gì đi kèm lương thưởng ra sao. Ngoài ra, còn phải có lộ trình đào tạo cho người lao động một cách thực chất. Nếu chỉ dựa vào kiến thức ở trường lớp thì sẽ có một khoảng cách nhất định với những gì thị trường lao động cần”, ông Thắng chia sẻ.