Tại Hội thảo “Dòng tiền chảy vào bất động sản phía Nam: Nhận diện cơ hội đầu tư” diễn ra mới đây, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) dự báo về thị trường vùng TP.HCM trong thời gian tới.
Vị này cho rằng có 3 loại hình nổi bật. Thứ nhất là bất động sản nhà ở. Trung tâm TP.HCM, các đại đô thị ven trung tâm sẽ phát triển các dự án hạng sang, phục vụ nhu cầu rất lớn về nhà ở chất lượng cao cho tầng lớp thượng lưu, người nước ngoài, cùng định hướng trở thành trung tâm kinh tế châu Á, toàn cầu. Các đô thị vệ tinh kề bên thành phố cung cấp nguồn cung đáp ứng nhu cầu của người dân có thu nhập trung bình.
Thứ hai là bất động sản công nghiệp. Bất động sản công nghiệp tại TP.HCM, Bình Dương, Long An và Đồng Nai sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh cùng xu hướng dịch chuyển chuỗi sản xuất.
Thứ ba là bất động sản thương mại và văn phòng. Cùng với định hướng phát triển đến năm 2030, trở thành thành phố dịch vụ - công nghiệp hiện đại... của TP.HCM, nhu cầu văn phòng và trung tâm thương mại sẽ tăng trưởng mạnh mẽ với dòng vốn FDI dồi dào, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển và lấp đầy các trung tâm mua sắm và văn phòng tại các tỉnh, thành lân cận.
"Thị trường bất động sản vùng TP.HCM đang đẩy nhanh tiến trình phục hồi với động lực từ nguồn cung mới. Trong ngắn hạn, nguồn cung dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh vào quý IV/2024, với nhiều lựa chọn có mức giá phù hợp hơn, chủ yếu được đóng góp thêm từ các tỉnh, thành ven TP.HCM", ông Đính cho hay.
Chủ tịch VARS cho rằng, nguồn cung trong tương lai sẽ được bổ sung đáng kể với các dự án đang được tháo gỡ một cách quyết liệt cùng với các dự án quy mô lớn dự kiến triển khai trong 2 năm tới.
Đặc biệt, nhu cầu bất động sản thời gian tới rất lớn, bao gồm cả nhu cầu ở thực và để đầu tư.
Nhu cầu về nhà ở gia tăng tại TP.HCM khi lượng lao động nhập cư ngày càng gia tăng, tập trung vào phân khúc trung và cao cấp. Nhu cầu ở cũng tăng mạnh tại khu vực xung quanh các khu công nghiệp và đô thị vệ tinh ở Bình Dương, Đồng Nai, Long An.
Nhu cầu đầu tư gia tăng với kỳ vọng tăng giá bất động sản nhờ vào sự phát triển kinh tế, tăng trưởng dân số và hạ tầng kết nối ngày càng được hoàn thiện.
Nói về triển vọng bất động sản vùng TP.HCM giai đoạn 2024 - 2030, ông Đính cho rằng có 2 yếu tố vĩ mô tạo sức bật cho vùng.
Thứ nhất là động lực từ phát triển kinh tế và đô thị hóa. TP.HCM tiếp tục là trung tâm kinh tế của cả nước với tỷ lệ đô thị hóa cao, kéo theo nhu cầu về nhà ở ngày càng cao, bao gồm cả nhu cầu ở thực và nhu cầu đầu tư đa dạng, từ loại hình tới mức giá.
Quỹ đất khu vực trung tâm TP.HCM ngày càng khan hiếm, nhu cầu bất động sản tại TP.HCM sẽ dịch chuyển đáng kể sang các tỉnh thành vùng ven như Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Khu vực TP.HCM và vùng phụ cận luôn trong top thu hút FDI, với dòng vốn ngày càng được nâng cấp cả về quy mô và chất lượng, sẽ tạo điều kiện gia tăng lực cầu, phát triển bất động sản công nghiệp cũng như nhà ở và các loại hình phụ trợ khác.
Thứ hai là sức bật từ hạ tầng. Cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, hàng loạt dự án hạ tầng trọng điểm đang được triển khai quyết liệt, sẽ thúc đẩy liên kết từ TP.HCM sang các tỉnh trong vùng nói riêng và khu vực miền Nam nói chung, thúc đẩy các đô thị vệ tinh kề bên TP.HCM phát triển.
Việc mở rộng hệ thống giao thông, nhất là giao thông công cộng, sẽ hỗ trợ dịch chuyển nhu cầu về nhà ở của người dân qua các khu đô thị vệ tinh, với nhiều lựa chọn có giá cả phù hợp hơn. Thông qua đó, giảm tải áp lực cho TP.HCM và mở rộng không gian phát triển cho thị trường bất động sản.