Tại chương trình Bí mật đồng tiền mùa 2: “Số 7: Thầy bói xem coi (ước kết quả kinh doanh quý I/2023)", phát sóng trên nền tảng VTV Digital ngày 19/04, các chuyên gia đã chia sẻ về tác động của những thay đổi chính sách gần đây lên ngành ngân hàng và bất động sản.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Dung, Giám đốc kinh doanh hội sở, CTCP chứng khoán SSI, có 2 chính sách chính tác động chính lên ngành ngân hàng và bất động sản là: 1) Chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Phân theo nhóm, ở góc độ đầu tư chứng khoán, thì tác động theo 3 nhóm lên tâm lý thị trường.
Nhóm 1: tác động nhanh, ngay lên tâm lý thị trường, còn tác động vào nền kinh tế sẽ hỗ trợ tích cực mang tính dài hạn là chính sách tiền tệ như thông tư 26 điều chỉnh cách tính tỷ lệ LDR, 2 lần công bố giảm lãi suất điều hành tháng 3. Các cổ phiếu chứng khoán tăng mạnh, dòng tiền kỳ vọng vào việc thanh khoản hệ thống ngân hàng ổn định hơn và chính sách tiền tệ đỡ thắt chặt hơn.
Nhóm 2: phản ứng chậm hơn lên tâm lý thị trường nhưng tác động sâu rộng vào nền kinh tế, tạo bệ đỡ phục hồi nền kinh tế và hỗ trợ người dân, kích cầu tiêu dùng, kích thích sản xuất là nhóm chính sách tài khóa gồm nghị định 12 và dự thảo về giảm thuế VAT 2% cho các mặt hàng và dịch vụ có thuế VAT 10%.
Nhóm 3: phản ứng nhanh lên tâm lý thị trường song đang mang tính chất tạo hành lang pháp lý để tổ chức phát hành trái phiếu, ngân hàng, các trái chủ tháo gỡ các nút thắt về trái phiếu mà đặc biệt là nhóm BĐS như nhóm chính sách nghị định 08 giúp gia hạn thời gian đáo hạn trái phiếu tối đa 2 năm nếu đạt được thỏa thuận giữa tổ chức phát hành và trái chủ, hay hoán đổi tiền gốc và lãi trái phiếu sang tài sản..... Chính sách này làm nhóm BĐS tăng mạnh ngay sau khi NVL ra tin đã được gia hạn 2 lô trái phiếu tổng giá trị 1,750 tỷ…
Với chính sách tiền tệ, đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành thông tư 26 (ra ngày 31/12/2022) đã điều chỉnh cách tính LDR. Theo đó NHNN vẫn giữ nguyên trần LDR (tỷ lệ tiền cho vay/ tổng tiền huy động) là 85%, song được tính tiền gửi có kỳ hạn của các NHTM tại kho bạc nhà nước vào tổng tiền huy động theo tỷ lệ giảm dần, năm 2023 là 50%, 2024 là 40%, 2025 là 20% và 2026 là hết.
“Như vậy với khoảng 300 nghìn tỷ tiền gửi có kỳ hạn tại KBNN thì 3 NHTM lớn là BIDV, VietinBank, Vietcombank đã có thêm 1 lượng tiền khoảng 150 nghìn tỷ để cho vay giúp giảm bớt áp lực thanh khoản hệ thống ngân hàng dịp Tết âm và Tết dương lịch thời điểm đó", bà Dung nói.
Ngoài ra, vừa qua ngân hàng Nhà nước cũng đã 2 lần giảm lãi suất điều hành trong tháng 3/2023. Động thái này sẽ góp phần hỗ trợ giảm mặt bằng lãi suất huy động và lãi suất cho vay thời gian tới, qua đó hỗ trợ giảm được chi phí doanh nghiệp. Song nếu nhìn vào PB thì có thể xem xét nhóm cp ngân hàng PB còn thấp và có tỷ trọng cho vay BĐS và trái phiếu BĐS cao hơn mặt bằng chung, khi chính sách nhà nước hỗ trợ tạo hành lang pháp lý và có thể giúp gỡ dần nút thắt về pháp lý và trái phiếu BĐS thì nhóm cổ phiếu này sẽ có ưu thế.
Thay vào đó, chuyên gia khuyến nghị, nhà đầu tư nên chú ý nhiều hơn đến các tác động từ nhóm chính sách góp phần tạo ra hành lang pháp lý để giải quyết những vướng mắc giữa doanh nghiệp bất động sản và các nhà băng.
Cụ thể, vừa qua chính phủ có ban hành Nghị định 08. Chủ trương này đã mở ra một hành lang pháp lý cho các ngân hàng và doanh nghiệp có thể giải quyết các vấn đề về trái phiếu. Trên thực tế, đã có nhiều lô trái phiếu có giá trị lớn bị vướng mắc đã được giải quyết.
Gần đây, Chính phủ đã có thêm nhiều động thái làm ấm thị trường bất động sản, song chính sách này lại đang tạo cho ngân hàng nhiều ưu thế hơn. Vì các nhà băng đang nắm giữ phần lớn tài sản thế chấp là bất động sản có độ minh bạch và tính pháp lý cao.
“Những chính sách hỗ trợ khơi thông cho ngành BĐS càng nhiều thì nhóm ngân hàng cũng sẽ có ưu thế. Do đó, nhóm cổ phiếu BĐS sẽ có nhiều sóng tăng giảm để đầu tư, song vấn đề cốt lõi nút thắt của ngành BĐS vẫn cần rất nhiều chính sách tiếp theo của Nhà nước mới có thể giải quyết và dự tính có thể từ quý 3,4/2023 hoặc thậm chí năm sau. Việc lựa chọn cổ phiếu mang tính ổn định và bớt rủi ro hơn đầu tư thì thay vì lựa chọn nhóm cổ phiếu BĐS, nhà đầu tư có thể lựa chọn đầu tư vào các CP ngân hàng", bà Dung đánh giá.
Trong khuôn khổ chương trình, ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng SSI cũng chia sẻ, thời gian tới sẽ còn nhiều chính sách giúp hỗ trợ và tháo gỡ những khó khăn của các doanh nghiệp và nền kinh tế.
“Về phía các nhà đầu tư, khi Chính phủ đang hỗ trợ tăng trưởng như hiện tại, việc đứng ngoài là một lựa chọn không nên lắm”, ông Hưng bày tỏ.