Càng tiến dần đến phiên giao dịch cuối năm Giáp Thìn, nhà đầu tư càng trở nên dè dặt trong giao dịch. Thị trường tiếp tục trạng thái đi ngang, các nhóm cổ phiếu biến động giá ở mức nhỏ khiến thanh khoản gần như “mất hút”.
Nhà đầu tư nên kiên nhẫn chờ "hái lộc đầu năm"
Bàn về diễn biến này tại Chương trình “Việt Nam và các chỉ số: Tài chính Thịnh vượng”, ông Đào Hồng Dương, Giám đốc phân tích Ngành và cổ phiếu, Công ty cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBankS) cho rằng thống kê 5 năm vừa qua, chu kỳ giao dịch trước và sau Tết, thanh khoản thị trường thường thấp so với những tháng khác trong năm, đặc biệt quý II và quý III.
Bên cạnh đó, chỉ số VN-Index đang dao động trong một kênh tương đối rộng, từ khoảng 1.200 điểm cho tới 1.300 điểm. Với trạng thái kỹ thuật như vậy, khi chưa có sự bứt phá (breakout) lên hoặc xuống thì thanh khoản ở mức độ này là bình thường. Tuy nhiên, nếu quan sát dòng tiền thì dòng tiền đang tìm đến động lực là kết quả kinh doanh quý IV.
Theo quan sát của vị chuyên gia, biến động thị trường ngay sau Tết Âm lịch thường mang màu sắc tích cực hơn. Tâm lý nhà đầu tư sau Tết tương đối tích cực bởi sau tháng 2 KQKD của doanh nghiệp niêm yết được công bố đầy đủ và mùa ĐHĐCĐ bắt đầu với nhiều thông tin hỗ trợ sẽ tạo động lực tốt cho thanh khoản thị trường.
Thống kê khối lượng giao dịch bình quân 22 phiên trước Tết so với tháng liền trước và 22 phiên sau Tết so với trước Tết cho thấy, nếu tháng trước Tết thanh khoản tăng thì tháng sau Tết sẽ có xu hướng giảm trở lại. Ngược lại, nếu thanh khoản tháng trước Tết èo uột thì sau Tết sẽ tích cực trở lại.
Khi thị trường giao dịch với mức thanh khoản thấp và không rõ xu hướng như hiện tại tất nhiên tâm lý nhà đầu tư sẽ chán nản. Tuy nhiên, ông Đào Hồng Dương cho rằng kiên nhẫn là một lợi thế giúp nhà đầu tư đưa ra những quyết định chính xác và hạn chế yếu tố tâm lý.
“Cơ hội trên thị trường chứng khoán luôn thuộc về những người biết chờ đợi thời điểm chín muồi. Thời điểm chín muồi có thể theo phân tích cơ bản, phân tích kỹ thuật hoặc thậm chí là nhà đầu tư theo trường phái cảm nhận dòng tiền thị trường. Tôi tin rằng khi đủ kiên nhẫn, tiếp tục theo dõi thị trường và tìm thời điểm phù hợp, NĐT sẽ nhận được quả ngọt xứng đáng”, chuyên gia VPBankS nhận định.
Chiến lược mua vào khi VN-Index chạm kênh giá dưới
Chia sẻ về cách lựa chọn điểm mua, chuyên gia cho rằng còn tuỳ thuộc vào từng trường phái đầu tư của mỗi người.
Với trường phái đầu tư tăng trưởng qua phân tích cơ bản, nhà đầu tư có thể chọn những doanh nghiệp tăng trưởng với kỳ vọng lợi nhuận, quy mô tài sản, vốn chủ … đi lên và giá cổ phiếu sẽ phản ánh những yếu tố trên một cách bền vững.
Về đầu tư tăng trưởng qua phân tích kỹ thuật, nhà đầu tư sẽ tìm điểm mua khi cổ phiếu vào xu hướng tăng (uptrend), chấp nhận mua mức giá cao hơn khi có những dấu hiệu về breakout, khối lượng, chỉ báo xác nhận, ….
Ngược lại, với trường phái đầu tư giá trị qua phân tích cơ bản, nếu cổ phiếu bị định giá rẻ so với giá trị nội tại, NĐT sẽ chọn điểm mua, mua dần từ từ xuống phía dưới để có mức trung bình giá thấp. Khi thị trường phản ánh giá trị hợp lý của cổ phiếu thì sẽ thu được lợi nhuận.
Còn nếu phân tích kỹ thuật cũng có những giải pháp tương tự. Tuy nhiên, nhà đầu tư lưu ý khi cổ phiếu vào xu hướng đi xuống (downtrend), bắt đáy là việc tương đối rủi ro. Do đó, chúng ta phải kết hợp với phân tích cơ bản để xác định vùng giá trị hấp dẫn.
Nhìn về yếu tố vĩ mô và cơ bản, chuyên gia cho rằng thị trường không đối mặt với nhiều lo ngại khi số liệu vĩ mô trong nước tương đối tích cực cả về tăng trưởng, CPI và đầu tư.
Thời gian gần đây, VN-Index đã dao động trong khoảng 1.300 đến 1.220 điểm, với đáy sau cao hơn một chút so với đáy trước. Nếu thị trường ở trạng thái đi ngang (sideway) như hiện tại, nhà đầu tư có thể lựa chọn một phương án là thị trường cứ chạm xuống đáy kênh dưới, nếu không có yếu tố tiêu cực về vĩ mô hoặc nội tại doanh nghiệp, NĐT có thể mạnh dạn mua vào. Đến khi dao động đi lên kênh trên, NĐT có thể thu về một khoản lợi nhuận.