Bình luận với CNBC, Kelvin Tay, giám đốc đầu tư khu vực của UBS Global Wealth Management, cho biết việc thâm nhập vào thị trường Nhật Bản lúc này như “bắt một con dao rơi”.
Nhận định của ông được đưa ra trong bối cảnh chỉ số Nikkei 225 và Topix kéo dài đà giảm, vượt quá 12% và rơi vào thị trường giá xuống. Mức giảm 12,4% của Nikkei không khác gì ngày tồi tệ nhất kể từ “Thứ Hai đen tối” năm 1987.
Tay cho biết: “Lý do duy nhất khiến thị trường Nhật Bản tăng trưởng mạnh mẽ trong 2 năm qua là do đồng yên cực kỳ yếu. Khi xu hướng đó đảo chiều, nhà đầu tư sẽ ‘chạy trốn’ và tôi nghĩ đó cũng là lý do thúc đẩy đà bán tháo.”
Vào tháng 6, đồng yên giảm xuống mức thấp nhất trong 38 năm và giao dịch ở mức 161,99 đổi 1 USD. Đà giảm này đã đảo chiều trong thời điểm NHTW Nhật Bản (BOJ) chuẩn bị thực hiện cuộc họp chính sách. Đồng nội tệ của Nhật Bản nhanh chóng mạnh lên, sau khi BOJ nâng lãi suất lên 0,25% vào tuần trước và thu hẹp chương trình mua trái phiếu chính phủ.
Hiện tại, đồng yên giao dịch ở mức khoảng 144,82, thấp nhất so với đồng bạc xanh kể từ tháng 1. Đồng yên mạnh lên đã gây áp lực cho thị trường chứng khoán Nhật Bản - vốn bị chi phối mạnh bởi các tập đoàn thương mại và công ty định hướng xuất khẩu. Đồng yên tăng giá cũng khiến triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp này yếu đi.
Thống đốc BOJ Kazuo Ueda đã đưa ra bình luận cứng rắn trong cuộc họp báo sau cuộc họp ngày 31/7. Ông nói: “Nếu nền kinh tế và tình hình giá cả diễn biến phù hợp với dự đoán của chúng tôi, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng lãi suất.”
Ông cũng nói thêm rằng việc chính sách đạt đến mục tiêu được coi là trung lập để nền kinh tế không hạ nhiệt và không tăng trưởng quá nóng vẫn còn “khá xa”. Thống đốc BOJ cũng chỉ ra rằng, mức lãi suất 0,5% - cao nhất kể từ năm 2008, không phải là rào cản và lãi suất còn có thể cao hơn nữa.
Kelvin Tay cho biết, diễn biến của đồng yên có thể cho biết liệu thị trường Nhật Bản có vững vàng hay không. Ông nói rằng, khi đồng yên mạnh lên, thị trường chứng khoán sụt giảm, tức là “vẫn còn rất nhiều áp lực trên thị trường.” Dù nhận định một phần đà tăng trước đó của thị trường là nhờ nỗ lực tái cơ cấu của sàn TSE, song ông vẫn chỉ ra “động lực chính vẫn là đồng yên”.
Hơn nữa, một yếu tố khiến vai trò của đồng yên tăng lên trên thị trường Nhật Bản là giao dịch “carry trade” (giao dịch dựa trên việc vay một đồng tiền có lãi suất thấp để mua một đồng tiền có lãi suất cao hơn nhằm thu lợi nhuận từ chênh lệch lãi suất).
Khi đồng yên yếu và lãi suất chuẩn của Nhật Bản ở mức 0 hoặc âm, nhà đầu tư sẽ vay bằng đồng yên và đầu tư số tiền thu được vào các tài sản có lợi suất cao hơn. Ví dụ, một nhà đầu tư đi vay bằng đồng yên với lãi suất 0% vào đầu năm nay và đầu tư số tiền đó vào Mỹ và ghi nhận tỷ suất sinh lời là 5,25%.
Hiện tại, Fed đang phát tín hiệu sắp cắt giảm lãi suất và BOJ tăng lãi suất, mức độ chênh lệch lãi suất của 2 NHTW sẽ giảm, khiến “carry trade” trở thành chiến lược kém hấp dẫn hơn, từ đó tạo tiền đề cho đồng yên tăng giá mạnh hơn nữa.
Tham khảo CNBC