Trong một phân tích gửi đến công ty tư vấn GIS công bố hôm 24/7, Roth lưu ý rằng việc giá vàng đạt đỉnh 2.480 USD/ounce vào ngày 17/7 phần nào được thúc đẩy bởi những động thái chiến lược của các NHTW ở BRICS+ và các quốc gia khác.
Ông viết: “Đây là bước nhảy vọt khá lớn so với mức kỷ lục trước đó là 2.075 USD/ounce ghi nhận vào tháng 8/2020, trong bối cảnh đại dịch gây ra tình trạng bất ổn và tăng nhu cầu với các loại tài sản an toàn.”
Giá vàng tăng là phản ứng của việc nhiều quốc gia muốn "né tránh" đồng USD
Roth cho biết, đà tăng giá của vàng không có gì đáng ngạc nhiên. Ông giải thích: “2 cuộc mâu thuẫn đang diễn ra, đó là Ukraine và Trung Đông. Một trong 2 số đó có thể leo thang bất cứ lúc nào. Trong khi đó, các cuộc bầu cử quan trọng đang diễn ra trong năm nay, bao gồm ở Ấn Độ, Anh, Mexico và Mỹ.”
Ông cho rằng, dù lạm phát đang ở mức vừa phải nhưng mục tiêu nới lỏng chính sách tiền tệ vẫn còn cả một chặng đường dài mới đạt được. Roth nhận định: “Trong khi giá cả đã hạ nhiệt ở một số nền kinh tế phát triển trong vài năm qua, song áp lực với các hộ gia đình và doanh nghiệp vẫn khá lớn. Gánh nặng này có thể tái xuất hiện khi các chính phủ cân nhắc việc tăng thuế để giải quyết tình trạng thâm hụt tài chính.”
Do đó, giá vàng tăng cao trong bối cảnh hiện tại. Tuy nhiên, khi giá vàng liên tục lập đỉnh thì nhiều bên mua vàng ở châu Âu cho biết lượng mua của các nhà đầu tư nhỏ lẻ ngày càng thấp, còn hoạt động bán ra tăng lên. Roth lập luận, giá vàng liên tục lập đỉnh không phải do người tiêu dùng hay các nhà đầu tư, các NHTW mới là động lực chính thúc đẩy.
Dữ liệu do Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) công bố gần đây nhất cho thấy các NHTW là bên mua vàng tích cực nhất trong quý I/2024. Trong đó, PBOC đã bổ sung 27 tấn vàng vào kho dự trữ vàng, NHTW Thổ Nhĩ Kỳ tăng lượng nắm giữ vàng thêm 30 tấn, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ mua 19 tấn và NHTW Kazakhstan mua thêm 16 tấn.
Ngoài ra, Nga cũng tích cực tăng lượng dự trữ vàng. Vàng hiện chiếm hơn 29% tổng lượng dự trữ của Nga, tăng mạnh so với mức 11,8% chỉ 6 năm trước.
Roth nhận định, giá vàng tăng chủ yếu là phản ứng của nhiều quốc gia đối với việc Mỹ “vũ khí hoá” đồng USD. Ông cho hay, đồng tiền dự trữ thế giới có giá trị ổn định và là phương tiện trao đổi đáng tin cậy, được nhiều quốc gia sử dụng. Bởi vậy, đồng bạc xanh có thể sẽ được Mỹ sử dụng trong các lệnh trừng phạt như với Nga.
CEO của Swissgrams lưu ý, sự trỗi dậy và mở rộng của khối BRICS+ cũng phần nào là yếu tố đưa giá vàng leo thang. Ông nói: “Khối này đã nỗ lực thay đổi trật tự thế giới và các thành viên cũng đưa ra ý tưởng về việc sử dụng một loại tiền tệ được hỗ trợ bằng vàng."
"Dù triển vọng thực tế của đồng tiền tệ này có thế nào hay một số ý kiến không đánh giá cao BRICS, thì khối này vẫn chiếm khoảng 45% dân số toàn cầu, kiểm soát 30% diện tích đất liền trên thế giới và đóng góp hơn 37% cho GDP toàn cầu.”
Phi đô la hoá sẽ diễn ra như thế nào?
Ngoài ra, Roth cũng đề cập đến 3 kịch bản phi đô la hoá có thể diễn ra và tác động của xu hướng này với vàng.
Ở kịch bản đầu tiên, hoạt động mua vàng của các nước ngoài phương Tây sẽ tiếp tục và đây là trường hợp rất có thể sẽ diễn ra. Roth viết: “Nhiều khả năng nhu cầu vàng của BRICS+ và các quốc gia không thân Mỹ sẽ tiếp tục vượt xa lượng mua của phương Tây.”
Ở kịch bản thứ hai, Roth cho rằng có thể sẽ diễn ra trong dài hạn, khi đó các nền kinh tế được hỗ trợ bằng vàng sẽ “truất ngôi” đồng USD. Theo ông, khi nhiều quốc gia tích luỹ nhiều vàng hơn và giảm dần sự phụ thuộc vào đồng USD, ảnh hưởng về địa chính trị của phương Tây cũng yếu đi. Do đó, Mỹ và các đồng minh sẽ có ít động lực hơn để đưa ra những lệnh trừng phạt.
Cuối cùng, phi đô la hoá hoàn toàn ở phía Nam bán cầu là trường hợp ít có khả năng xảy ra nhất. Kịch bản này có thể tạo ra sự thay đổi mang tính kiến tạo trong trật tự địa chính trị toàn cầu. Nếu đồng USD mất hẳn sức mạnh, các siêu cường mới như Nga và Trung Quốc sẽ là mối đe doạ hiện hữu với cơ cấu quyền lực do Mỹ thống trị. Song, Roth nhận định, đây là điều không thực tế trong tương lai gần.
Nhìn chung, đồng USD hiện không có đối thủ cạnh tranh. Đồng euro dù là đồng tiền dự trữ có lượng nắm giữ lớn thứ 2 (chiếm khoảng 20% dự trữ ngoại hối) nhưng không là mối rủi ro quá lớn với sự thống trị của đồng bạc xanh. Trong khi đó, yên Nhật, bảng Anh hay Nhân dân tệ cũng không phải là “đối thủ xứng tầm”.
Ông kết luận rằng, vàng là tài sản thay thế khả thi và hiệu quả nhất cho USD. Một đồng tiền tệ được hỗ trợ bằng vàng đáng tin cậy hơn và dễ được sử dụng phổ biến. Dù chưa thành hiện thực, nhưng đồng tiền tệ hỗ trợ bằng vàng được BRICS đề xuất chắc chắn sẽ đánh dấu sự kết thúc cho kỷ nguyên của các đồng tiền tệ pháp định.
Tham khảo Kitco News