Chuyện gì đây: FPT “hở room” khối ngoại hơn 63 triệu cổ phiếu, lớn nhất trong nhiều năm

Tuệ Giang | 21:59 12/02/2025

Đây là quãng “hở” room lớn cũng như dài nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây của cổ phiếu ông lớn ngành công nghệ này.

Chuyện gì đây: FPT “hở room” khối ngoại hơn 63 triệu cổ phiếu, lớn nhất trong nhiều năm

Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn chịu áp lực bán ròng từ khối ngoại mạnh chưa từng có. Sau năm 2024 “xả” hàng kỷ lục, đà bán kéo dài sang những tháng đầu năm nay, giá trị không có dấu hiệu suy giảm. Trong bối cảnh đó, một cái tên từng rất hút khối ngoại là FPT cũng không tránh khỏi áp lực, thậm chí dẫn đầu danh sách bán ròng toàn thị trường.

Chỉ trong chưa đầy 2 tháng đầu năm, khối ngoại đã bán ròng khoảng 2.200 tỷ đồng tại FPT. Động thái này đẩy room ngoại tại FPT "hở" hơn 63 triệu đơn vị, tương ứng khoảng 4,3%. Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại cổ phiếu công nghệ này theo đó giảm xuống dưới 44,7%, thấp nhất trong nhiều năm qua. Đây cũng là quãng “hở” room dài nhất trong nhiều năm trở lại đây của cổ phiếu ông lớn ngành công nghệ này.

Giai đoạn trước, FPT được ví như thỏi nam châm thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Room ngoại thường xuyên được phủ kín 49% và hầu như chỉ hở ra do các hoạt động ESOP nhưng đều được lấp đầy ngay sau đó. Nhiều giao dịch ghi nhận khối ngoại phải chấp nhận trả một mức giá chênh (premium) cao nhất thị trường, lên đến 40% so với thị giá để sở hữu MWG. Tuy nhiên tới nay, với việc hở room lớn, hiện khối ngoại có thể dễ mua được FPT thông qua giao dịch trên sàn. Dù vậy, khó có thể dự báo thời điểm khối ngoại đảo chiều quay trở lại gom FPT, đặc biệt khi dòng vốn ngoại trên toàn cầu đang có xu hướng rút khỏi các thị trường mới nổi và cận biên trong đó có Việt Nam.

Trên thực tế, khối ngoại đã bán ròng mạnh tay FPT từ khoảng tháng 5-6/2024 và kéo dài tới hiện tại. Đà bán diễn ra trong bối cảnh thị giá cổ phiếu này liên tục tăng nóng, phá đỉnh cùng “trend” công nghệ toàn cầu.

Thống kê trong năm 2024, cổ phiếu FPT có tới 42 lần vượt đỉnh giá cũ. Tới cuối tháng 1/2025, mã này lại tăng vọt để thiết lập kỷ lục mới trước khi hạ nhiệt đôi chút trong vài phiên trở lại đây. Vốn hóa thị trường trên 213.300 tỷ đồng (8,3 tỷ USD), giữ vững vị thế là tập đoàn tư nhân lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Cổ phiếu tăng khá nóng và vẫn đang neo gần đỉnh lịch sử. Việc khối ngoại chốt lời mạnh sau thời gian nắm giữ là điều không quá khó hiểu.

Cổ phiếu tăng cũng đồng thời định giá của FPT lên mức cao kỷ lục, lớn hơn nhiều so với con số khoảng 14 lần của VN-Index. Định giá không rẻ trong khi khả năng tăng trưởng đột phá còn để ngỏ là một trong những yếu tố FPT bớt hấp dẫn trong mắt khối ngoại. Đặc biệt khi sự xuất hiện của mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) giá rẻ DeepSeek đến từ Trung Quốc gây nhiều áp lực lên nhóm cổ phiếu công nghệ toàn cầu.

Mặc dù còn nhiều tranh cãi về mức chi phí thấp đến khó tin của DeepSeek nhưng không thể phủ nhận mô hình AI này đang gây ra lo ngại về sự suy giảm giá trị của ngành AI và tạo ra cạnh trạnh khốc liệt. Thực tế, cổ phiếu của hàng loạt “bigtech” như NVIDIA, Microsoft, Alphabet (công ty mẹ Google),… cũng đã lao dốc mạnh. Chưa thể đánh giá chính xác tác động của “cơn bão” DeepSeek đến FPT nhưng rõ ràng hiệu ứng trong ngắn hạn là khó tránh khỏi.

Dù vậy, ở một góc nhìn lạc quan hơn, ông Trương Gia Bình lại dùng chính câu chuyện về DeepSeek để làm thông điệp truyền cảm hứng cho đội ngũ của FPT. “Giống như David dùng ná bắn hạ gã khổng lồ Goliath, DeepSeek không cần nguồn lực quá lớn nhưng vẫn tạo ra thành tựu đáng kinh ngạc. Điều này là nguồn động viên mạnh mẽ cho chúng ta. Để đạt được thành công như DeepSeek, điều quan trọng không phải là tiêu tốn nhiều nhân lực, tiền bạc hay thời gian, mà là tìm ra cách tối ưu để phục vụ đối tác và chính mình. AI đi trước AI, chúng ta phải đi thật nhanh” , Chủ tịch FPT khẳng định.

Không thể phủ nhận FPT vẫn là một trong những lựa chọn hàng đầu của khối ngoại tại thị trường chứng khoán Việt Nam với tính khan hiếm của ngành công nghệ. Bên cạnh đó, mức tăng trưởng khoảng 20% đều đặn từng tháng, quý, năm được duy trì trong thời gian dài cũng “của hiếm” trên thị trường. Năm 2024, FPT ghi nhận doanh thu đạt 62.849 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 11.071 tỷ đồng, lần lượt tăng 19,4% và 20,3% so với cùng kỳ 2023. Đây đều là những con số kỷ lục kể từ khi hoạt động. Lợi nhuận sau thuế năm 2024 đạt 9.420 tỷ đồng.

Bước sang năm 2025, FPT đặt mục tiêu doanh thu 75.400 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2024 (so với cùng kỳ); lợi nhuận trước thuế 13.395 tỷ đồng, tăng 21%. Nếu hoàn thành, đây sẽ tiếp tục là mức doanh thu và lợi nhuận kỷ lục mới của doanh nghiệp đầu ngành công nghệ Việt Nam và sẽ là năm thứ 5 liên tiếp tăng trưởng trên 20%/năm.


(0) Bình luận
Chuyện gì đây: FPT “hở room” khối ngoại hơn 63 triệu cổ phiếu, lớn nhất trong nhiều năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO