Hệ thống KRX chính thức vận hành
Sáng 5/5, hệ thống công nghệ thông tin mới của thị trường chứng khoán Việt Nam (Hệ thống KRX) đã chính thức vận hành sau nhiều năm chuẩn bị.
Hệ thống KRX được đưa vào vận hành với sự phối hợp giữa Nhà thầu KRX, Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE), Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) cùng các thành viên thị trường. Đây là hệ thống công nghệ tích hợp và đồng bộ, cung cấp nền tảng công nghệ hiện đại cho toàn bộ thị trường chứng khoán Việt Nam.
Đúng 9 giờ sáng ngày 05/05, hệ thống KRX đã “go-live” thành công, đánh dấu thời điểm chính thức đưa hệ thống công nghệ thông tin mới vào hoạt động trên toàn thị trường.
Theo đánh giá sơ bộ từ nhà thầu, các đơn vị vận hành và các thành viên thị trường, trong ngày giao dịch đầu tiên, hệ thống đã kết nối thông suốt, vận hành ổn định và an toàn.
Thị trường “bùng nổ”, VN-Index áp sát mốc 1.270 điểm
Thị trường chứng khoán trải qua 1 tuần giao dịch tích cực khi ghi nhận mức tăng 41 điểm sau kỳ nghỉ lễ dài ngày. Diễn biến tích cực ghi nhận sau khi hệ thống KRX chính thức vận hành. Hầu hết các nhóm ngành cổ phiếu trên thị trường đều có diễn biến vận động hồi phục Tổng cộng, chỉ số VN-Index tăng 41 điểm so với tuần trước, tương đương 3,34% lên 1.267,3 điểm.

Đáng chú ý, phiên giao dịch cuối tuần ngày 09/05 ghi nhận những rung lắc mạnh trên thị trường chứng khoán Việt Nam, khi áp lực chốt lời ngắn hạn từ nhà đầu tư đã khiến chỉ số VN-Index mất 2,5 điểm, chấm dứt chuỗi tăng điểm ấn tượng kéo dài 4 phiên liên tiếp.
Kết phiên 09/05, chỉ số VN-Index giảm 2,5 điểm, xuống 1.267,3 điểm. Chỉ số HNX-Index giảm 1,08 điểm, xuống 214,13 điểm. Ngược dòng, chỉ số UPCoM-Index tăng 0,49 điểm, lên 93,47 điểm.
Xem thêm tại đây
Một thế lực bất ngờ tung nghìn tỷ "gom" cổ phiếu Việt Nam trong tuần go-live KRX
Theo đó, giao dịch khối ngoại cũng là điểm sáng khi mua ròng 4/5 phiên. Tổng cộng sau 5 phiên, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 1.222 tỷ đồng trên toàn thị trường, đánh dấu tuần thứ 2 kể từ đầu năm 2025 mua ròng cổ phiếu Việt Nam.
Xét riêng từng sàn trong tuần, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 1.263 tỷ đồng trên HoSE, mua ròng 13 tỷ đồng trên HNX và bán ròng 54 tỷ đồng trên sàn UPCoM.

Thống kê theo các mã chứng khoán, dẫn đầu danh sách mua ròng là DXG với giá trị lên tới 264,2 tỷ đồng. Đáng chú ý, dòng vốn ngoại cũng tìm đến hai cổ phiếu vốn hóa lớn là VIC và NLG, với giá trị mua ròng lần lượt 261,5 tỷ đồng và 225,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhóm ngân hàng cũng thu hút lực cầu từ khối ngoại, trong đó có MBB (174,4 tỷ đồng), MSN (168,8 tỷ đồng) và HPG (158,6 tỷ đồng). Ngoài ra, các mã như CTG, HVN, PNJ cũng ghi nhận lực mua ròng tích cực.
Ở chiều ngược lại, áp lực bán ròng tập trung mạnh nhất tại cổ phiếu VCB, với giá trị lên tới 424,9 tỷ đồng – mức cao nhất trong tuần. Theo sau là VHM, cũng bị khối ngoại xả ròng 334,7 tỷ đồng. Một số cổ phiếu khác bị bán mạnh bao gồm SSI (159 tỷ đồng), VPB (150,7 tỷ đồng), VNM (136 tỷ đồng) và FPT (119,3 tỷ đồng). Danh sách bán ròng còn ghi nhận các mã như VCG, BWE, HAH, CTD, GMD và VHC, với giá trị vài chục tỷ.
Chứng khoán rung lắc dữ dội, nhà đầu tư trong nước “ồ ạt” mở tài khoản
Theo số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), số lượng tài khoản của nhà đầu tư trong nước đã tăng thêm hơn 194.000 tài khoản trong tháng 4/2025, tăng mạnh so với tháng 23 trước đó và là mức cao nhất trong vòng 8 tháng. Tài khoản mở mới trong tháng 4 chủ yếu đến từ nhà đầu tư cá nhân, tuy nhiên số lượng tài khoản mở mới của tổ chức cũng tăng mạnh.

Luỹ kế từ đầu năm, số lượng tài khoản của nhà đầu tư trong nước đã tăng gần 600.000 đơn vị, Đến cuối tháng 4, nhà đầu tư cá nhân trong nước có tổng cộng hơn 9,8 triệu tài khoản, tương đương gần 10% dân số, hoàn thành mục tiêu trước thời hạn 2025 và đang hướng đến 11 triệu tài khoản vào năm 2030.
Tài khoản mở mới tăng mạnh trong bối cảnh thị trường biến động dữ dội trong tháng 4 trước những luồng thông tin từ bên ngoài. VN-Index liên tục rơi sâu sau khi Mỹ lần đầu công bố thuế đối ứng vào đầu tháng 4 và có lúc xuống dưới mốc 1.100 điểm. Cầu bắt đáy nhập cuộc mạnh mẽ cùng những thông tin tích cực hơn từ tình hình thuế quan kéo thị trường hồi phục nhanh chóng. Dù vậy, VN-Index vẫn giảm hơn 6% trong tháng 4.
Thị trường biến động mạnh, thanh khoản cũng tăng vọt. Giá trị khớp lệnh bình quân trên HoSE trong tháng 4 đạt hơn 21.000 tỷ, tăng gần 18% so với tháng 3 trước đó và là mức cao nhất trong vòng một năm. Hoạt động “force sell” và dòng tiền bắt đáy là nguyên nhân chủ yếu đẩy thanh khoản thị trường tăng vọt.
Xem thêm tại đây
Cổ phiếu Petrolimex (PLX) bất ngờ "có biến"
Sau giai đoạn đi ngang vùng đáy, cổ phiếu Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex – mã PLX) bất ngờ tăng chạm trần phiên 8/5 lên mức 35.800 đồng/cp, cùng giao dịch sôi động. Vốn hóa thị trường của Petrolimex tương ứng đạt hơn 45.000 tỷ đồng, vẫn thấp hơn gần 5% so với thời điểm đầu năm 2025.
Về kết quả kinh doanh quý 1/2025, Petrolimex ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 67.900 tỷ đồng, giảm gần 10% so với cùng kỳ 2024. Bình quân mỗi ngày, “đại gia” xăng dầu kiếm 754 tỷ đồng. Con số này gần gấp đôi Hòa Phát, Thế Giới Di Động, Vietnam Airlines… và chỉ thấp hơn duy nhất Vingroup trên sàn chứng khoán.
Doanh thu sụt giảm nhưng các chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp lại tăng cao. Kết quả, Petrolimex lãi sau thuế 211 tỷ đồng, giảm đến 81% so với cùng kỳ 2024. Đây là mức lợi nhuận thấp thứ 2 trong vòng 10 quý trở lại đây của nhà bán lẻ xăng dầu này, chỉ cao hơn đôi chút so với quý 3/2024.
Xem thêm tại đây
Bộ Tài chính ban hành mức giá dịch vụ mới trong lĩnh vực chứng khoán
Bộ trưởng Bộ Tài chính vừa ký Quyết định số 1541/QĐ-BTC về việc ban hành mức giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán, áp dụng tại Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX) cùng các công ty con, và tại Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC).
Quyết định này đưa ra hướng dẫn cụ thể về cơ chế và chính sách giá dịch vụ chứng khoán do Nhà nước quy định. Các mức giá nêu trong quyết định chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng (nếu có).
Xem thêm tại đây