Nối mạch tăng điểm từ phiên trước, VN-Index mở cửa sáng nay trong sắc xanh và có ngay gần 3 điểm cho chỉ số. Sau đó chỉ số tiếp tục được kéo lên cao. Tuy nhiên, bên bán gia tăng áp lực, mặt khác dòng tiền cũng có dấu hiệu hạ nhiệt.
Thị trường liên tục rung lắc mạnh, đỉnh điểm VN-Index có một nhịp trượt giảm khá mạnh giữa phiên, chỉ số giảm gần 1 điểm lúc 10h45. Tổng thể độ rộng của VN-Index cuối phiên sáng cũng không quá chênh lệch, như vậy thị trường vẫn khá tích cực tạm kết phiên tăng thêm hơn 3 điểm.
Bước vào phiên chiều, thời điểm mở cửa lại chỉ số này lại đi xuống nhưng ngay sau đó hồi phục. Lực xả hàng từ cả khối nhà đầu tư trong và ngoài nước khiến VN-Index giằng co liên tục rơi khỏi tham chiếu. Dưới áp lực không đồng đều của cả bên bán và mua, VN-Index may mắn thoát phiên trong phút chót tăng nhẹ chưa tới 1 điểm, sau nhịp “rớt” khỏi tham chiếu hơn 2 điểm.
Kết phiên giao dịch, VN-Index tăng 0,81 điểm (+0,07%) đứng tại 1.242,23 điểm. HNX-Index cũng tăng nhẹ 0,39 điểm (+0,16%) đạt 246,07 điểm. UPCOM-Index tăng mạnh thêm 1,07 điểm (+1,16%) lên 93,64 điểm.
Tại nhóm có cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường VN30 bị bên bán áp đảo với 18 mã giảm giá, toàn nhóm chỉ còn mã tăng giá và 3 mã tham chiếu. Trong đó, VIC tiếp tục giữ vị trí chủ lực dẫn dắt thị trường, riêng mã này đóng góp cho chỉ số hơn 3 điểm tiếp đó là VRE cũng góp thêm hơn 0,8 điểm. Dù vậy, VPB, HPG hay ACB tiêu cực nhất cũng đã lấy đi của chỉ số 1,5 điểm.
Phía các nhóm ngành, tại nhóm ngân hàng có diễn biến khá tiêu cực. Trong nhóm chỉ ghi nhận vỏn vẹn 4 mã tăng điểm là EIB +0,63%, LPB +2,98%, OCB +1,05% và SSB +0,17%. Còn lại, các mã từ đầu ngành đều chìm trong sắc đỏ, biên độ trên 1% có: VPB -1,99%, TCB -1,02%, ACB -1,47%, TPB -1,55%, SHB -1,49%, MSB -1,71%, còn lại đều giảm dưới 1% thị giá.
Ngược lại, tại nhóm bất động sản dù sắc đỏ có phần lấn át lên tới 44 mã giảm trên 22 mã tăng giá, nhưng nhờ hai siêu trụ VIC +4,85% và VRE +4,73%,… cùng một số mã kịch trần như ITA, SGR, HPX giúp chỉ số nhóm tăng 1,3%.
Một số mã giảm đáng kể gồm: KDH -2,08%, KBC -1,84%, DIG -1,69%, PDR -2,22%, NLG -2,17%, DXG -2,09%, LGC -5,61%, CII -2,52%, CRE -3,67%, HDC -3,26%,…
Cổ phiếu chứng khoán cũng diễn biến tiêu cực khi SSI -2,02%, VND -2,19%, VCI -1,56%, HCM -0,32%, VIX -4,73%, FTS -1,79%, BSI -1,47%, CTS -2,05%,...
Trong khi, nhóm cổ phiếu sản xuất lại phân hóa mạnh khi, HPG -1,27%, VNM -0,53%, GVR -0,44%, HSG -1,58% thì MSN +1,13%, SAB +0,37%, DGC +0,95%, DCM +1,21%, DPM +1,41%, SBT +2,17%, DBC tăng kịch trần.
Cổ phiếu hàng không nổi bật “xanh mướt” khi VJC +1,08% và HVN +3,1% giá trị. Ngược lại, cổ phiếu năng lượng kém sắc khi GAS +0,3%, POW +2,92%, PLX +0,99% nhưng PGV -0,85%. Trong khi đó, cổ phiếu bán lẻ giao dịch tiêu cực khi MWG -0,37%, PNJ -0,97% và FRT -2,35%,…
Thanh khoản thị trường cũng suy giảm đáng kể, tổng giá trị giao dịch trên toàn thị trường xuống còn 28,5 nghìn tỷ đồng. Trong đó, tại sàn HoSE giá trị giao dịch chiếm 23.000 tỷ đồng, giảm hơn 3.000 tỷ đồng so với phiên trước đó, tương ứng có chưa đến 1,2 tỷ đơn vị cổ phiếu được sang tay trong phiên. Khi bên bán có phần áp đảo và đi ngang với bên mua có 238 mã giảm/242 mã tăng.
Bên cạnh đó, giao dịch khối ngoại biến động mạnh khi bất ngờ mua tổng giá trị hơn 584 tỷ đồng trên cả 3 sàn. Trong đó, lực mua tập trung chủ yếu vào giao dịch thỏa thuận tại SGB tại sàn UPCOM với giá trị hơn 870 tỷ đồng.
Trên sàn HoSE, khối ngoại tiếp tục duy trì bán ròng với giá trị xấp xỉ 237 tỷ đồng. Tâm điểm xả hàng là GMD -245 tỷ đồng và VRE -111 tỷ đồng. Bên cạnh đó, HPG, CTD, VND,.. xếp tiếp theo danh sách bán ròng với giá trị trên 43-75 tỷ đồng mỗi mã.
Ngược lại, cổ phiếu VIC được mua ròng mạnh nhất với giá trị 113 tỷ đồng; MSN và CTG xếp sau danh sách mua ròng mạnh với 82 tỷ đồng mỗi mã, còn có MWG +82 tỷ đồng, VNM +36 tỷ đồng,…