Điểm lại một số gói hỗ trợ lãi suất thời gian vừa qua cho thấy, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có chỉ đạo các ngân hàng thương mại hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân phục hồi phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, nhiều gói vay ưu đãi vẫn đang bị “tắc” đầu ra.
Đối với gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm từ nguồn ngân sách nhà nước (khoảng 40.000 tỷ đồng) được áp dụng từ năm 2022, dự kiến số tiền hỗ trợ lãi suất từ đầu chương trình đến hết năm 2023 đạt khoảng 2.570 tỷ đồng. Trong đó, số tiền hỗ trợ lãi suất năm 2022 là khoảng 135 tỷ đồng.
Tuy nhiên đến nay mới giải ngân được 0,64%, khoảng 256 tỷ đồng với 1.784 khách hàng đã được nhận hỗ trợ. Như vậy, số dự kiến không sử dụng hết của chương trình này là 37.430 tỷ đồng.
Thêm một gói hỗ trợ có nguy cơ giải ngân không hiệu quả trong khi nhu cầu của cả người dân và doanh nghiệp đều rất lớn. Đó là gói 120.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư được vay vốn với lãi suất 8,7% và lãi suất 8,2% cho người mua nhà tại các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
Thông tin vừa công bố của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến nay mới có 26 dự án tham gia gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, với tổng nhu cầu vay vốn khoảng 12.800 tỷ đồng. Trong đó, BIDV giải ngân được 20.500 tỷ đồng, còn Agribank dự kiến giải ngân trong quý III.
Tương tự, gói tín dụng 15.000 tỷ đồng hỗ trợ lĩnh vực lâm, thủy sản với lãi suất thấp hơn tối thiểu từ 1%-2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn của chính ngân hàng vừa được triển khai nhưng đến nay nhiều doanh nghiệp chưa thể tiếp cận được do đơn hàng sụt giảm. Việc “tắc” đầu ra sản phẩm khiến vòng quay vốn chậm và doanh thu suy giảm khiến ngân hàng e dè hơn trong cho vay, cũng như giảm mạnh định mức vay của doanh nghiệp.
Đáng nói là các gói này đã “tắc” ngay từ khi bắt đầu triển khai, một trong những nguyên nhân chính là mặt bằng lãi suất (dù đã được điều chỉnh giảm) vẫn ở mức cao; điều kiện vay vốn chưa phù hợp với doanh nghiệp…
Chẳng hạn, gói 120.000 tỷ đồng, lãi suất cho vay 8,2%/năm thì người nghèo đô thị nói chung rất khó "kham" nổi, nhất là trong bối cảnh thu nhập giảm do kinh tế khó khăn hiện nay. Chưa kể mức lãi vay này chỉ áp dụng trong 5 năm, sau đó thì người vay và ngân hàng sẽ tự thỏa thuận hoặc theo lãi suất thả nổi... Một "kết thúc" thả nổi quá rủi ro mà hầu hết người vay không dám liều lĩnh vì có thể dẫn tới không đủ khả năng trả nợ.
Trong khi đó, với gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm, khách hàng e ngại khâu thanh kiểm tra sau khi vay của cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, tiêu chí đánh giá để hỗ trợ lãi suất là khách hàng phải "có khả năng phục hồi". Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều bất ổn, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong nước, nên việc đánh giá khả năng phục hồi của khách hàng là rất khó khăn.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, việc các doanh nghiệp khó tiếp cận gói vay ưu đãi lãi suất bên cạnh nguyên nhân từ cơ chế chính sách, còn nguyên nhân từ phía doanh nghiệp.
Ông nói: “Có trường hợp ngân hàng mời doanh nghiệp đến làm việc để cho vay ưu đãi nhưng chính doanh nghiệp thận trọng, gây khó khăn cho ngân hàng trong quá trình thẩm định”.
Bên cạnh đó, có những gói ưu đãi chỉ áp dụng cho những doanh nghiệp thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên có kết quả kinh doanh dương 3 năm liền kề. Tuy nhiên, thực tế, nhiều doanh nghiệp không minh bạch tài chính nên khó tiếp cận dòng vốn hỗ trợ này.
Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội cho biết, các doanh nghiệp kinh doanh có uy tín thì việc vay vốn không có gì vướng mắc, nhưng doanh nghiệp vừa và nhỏ lại khó khăn về nguồn vốn.
Theo vị đại diện này, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) khi vay vốn ngân hàng thì không đủ chuẩn, thiếu minh bạch tài chính, phương án kinh doanh không khả thi.
“Do đó, để tạo thuận lợi cho tiếp cận nguồn vốn thì các ngân hàng có thể linh hoạt cho DNNVV vay những gói tín dụng nhỏ, tăng cho vay tín chấp thông qua phương án kinh doanh. Ngoài ra, cần có chỉ đạo từ phía NHNN Việt Nam về việc nâng cao tỷ lệ vay tín chấp dựa vào dòng tiền ra, vào và phương án sản xuất kinh doanh của DNNVV", đại diện Hiệp hội đề xuất.