Đây là phiên thứ tư liên tiếp, thị trường chứng khoán chứng kiến đà giảm điểm mạnh, khi sắc đỏ và cả sắc xanh giảm sàn bao phủ bảng điện tử. Toàn thị trường có đến 224 mã giảm sàn.
Áp lực bán mạnh, ngay từ phiên mở cửa, đặc biệt rơi vào nhóm bất động sản và xây dựng gây sức ép lên chỉ số chung.
Thanh khoản thị trường hôm nay chỉ đạt 11,8 nghìn tỷ đồng, với hơn 740 triệu cổ phiếu trao tay. Lực mua của nhà đầu tư vẫn khá thận trọng, dù giá cổ phiếu giảm sâu về giá sàn. Thanh khoản ở nhiều mã cổ phiếu giảm mạnh, thậm chí gần như mất giao dịch.
Kết phiên, VN-Index giảm 21,96 điểm, xuống mức 975,19 điểm, toàn sàn chỉ có 75 mã cổ phiếu tăng giá, trên 383 mã giảm giá, trong đó đã chiếm 136 mã giảm sàn. Trên sàn HNX-Index mất 6 điểm mất vùng điểm 200, xuống còn 198,56 điểm; UPCOM-Index cũng giảm 2,01 điểm, còn 72,25 điểm.
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường, VN30 ghi nhận một phiên giao dịch hết sức ảm đảm, chỉ số sàn giảm xuống chỉ còn 972,85 điểm, khi mất hơn 25 điểm. Trong rổ có đến 8 mã cổ phiếu bị giảm sàn, hầu hết là trụ cột của khắp các nhóm ngành.
Nhóm bất động sản trở thành tâm điểm bán tháo của thị trường, khi nhóm này có đến 39 mã cổ phiếu giảm sàn, nhiều mã đã mất thanh khoản do không còn người mua đối ứng. Nổi bật trong số đó phải kể đến mã cổ phiếu PDR của Công ty CP Phát triển BĐS Phát Đạt, rơi về giá sàn ngay khi mở cửa với chỉ hơn 280.000 cổ phiếu được sang tay.
Trong khi đó, khối lượng nằm sàn có hơn 9 triệu đơn vị. Đây đã là phiên giảm sàn thứ 2 liên tiếp và kéo dài chuỗi 14 phiên giảm gần nhất. Áp lực bán đến từ thông tin Chứng khoán Tân Việt có thể bán giải chấp 1,47 triệu cổ phiếu PDR của chủ tịch HĐQT Nguyễn Văn Đạt và công ty liên quan.
Kế đến là mã DIC của Công ty CP Đầu tư & Thương mại DIC cũng giảm sàn phiên thứ 2 liên tiếp về 15.450 đồng/CP, mất 84% từ vùng đỉnh. Mã này khớp lệnh gần 2,5 triệu cổ phiếu và còn dư bán sàn hơn 22 triệu đơn vị. Chủ tịch Công ty CP Đầu tư & Thương mại DIC - Nguyễn Thiện Tuấn cũng mới bị cảnh báo bán giải chấp 2,8 triệu cổ phiếu.
Tại mã NVL của Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc NoVa, chỉ khớp chưa đến 390.000 cổ phiếu và còn lượng bán sàn 12,6 triệu đơn vị. Tập đoàn bất động sản này cũng mới dừng kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua chia thưởng cổ phiếu.
Hàng loạt cổ phiếu bất động sản khác cũng bị nhà đầu tư tranh bán quyết liệt như NLG, HDG, CEO, DXG, HQC, QCG, LDG hay cả những mà ngành xây dựng liên quan cũng lao hết biên độ là FCN, C4G, CTD, HBC, VCG...
Ngoài ra, nhóm ngân hàng cũng rơi vào tình trạng bán ròng, có 4 mã của nhóm rớt xuống giá sàn là: TCB, EIB, HDB và LPB. Các mã lớn khác cũng bị giảm giá mạnh; CTG giảm 4,7%, MBB giảm 5,3%,…
Và hàng loạt nhóm ngành khác cũng bị tác động tiêu cực chung của thị trường. Ngành thép, tiếp tục đỏ sàn, khi có HSG, NKG, TLH giảm sàn,…
Thủy sản có ANV và CMX giảm hết biên độ, dệt may là TNG và VTG trong sắc xanh lơ, ngành điện có GEG, VSH hay TTA, lượng thực là PAN, HAG hay DBC, bán lẻ là MWG, PET, DGW...
Điểm sáng của thị trường đến từ ngành thực phẩm, đồ uống với trụ cột VNM của Vinamilk bứt phá 2,8% lên 82.200 đồng, SAB của Sabeco đi lên 1,1% hay MSN của Masan Group xanh tăng giá. Cổ phiếu dầu khí GAS cũng tham gia hỗ trợ với mức tăng giá 1,7% lên 112.900 đồng.
Phiên giao dịch đầu tuần 07/11, khối nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 520 tỷ đồng, tập trung vào các mã cổ phiếu VNM với 94,6 tỷ đồng, DGC với 80 tỷ đồng và VND với 46 tỷ đồng.