Theo TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam, việc bỏ qua quy định bắt buộc giao dịch bất động sản hình thành trong tương lai qua sàn có thể gián tiếp bỏ qua quyền được bảo vệ của nhà đầu tư.
Cụ thể, ông Đính cho rằng, nếu không thông qua sàn thì nhà đầu tư sẽ phải tự mình kiểm chứng chất lượng, pháp lý, giá cả.. của bất động sản mà họ dự định mua. Trong khi họ hoàn toàn không có được năng lực đó.
Chỉ có những đơn vị chuyên nghiệp mới có thể có năng lực thẩm định, thẩm tra. Khi không có sự tham gia của sàn, nhà đầu tư sẽ tiếp tục phải đối mặt với những dự án kiểu Alibaba.. và đặt ra nguy cơ sẽ còn nhiều vụ án, nhiều vụ khiếu nại, khiếu kiện.. và sự bất ổn của xã hội thông qua thị trường bất động sản.
“Đáng ra cần quy định giao tổ chức này (tức các sàn giao dịch bất động sản - PV) nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư, gác chắn cho pháp luật, như chống rửa tiền, chống thất thu thuế. Vì giao dịch qua sàn sẽ phải thực thi đúng, đủ khi ta đã quy định cho nó. Ngoài ra, sàn giao dịch còn cập nhật đầy đủ và chính xác nhất thông tin trên thị trường”, TS. Nguyễn Văn Đính nhận định.
Ngoài ra, theo vị Chủ tịch VARs, nhà nước có thể thông qua các sàn để nắm bắt thông tin về thị trường bất động sản, qua đó có thể đưa ra các quyết sách vĩ mô đúng đắn.
Đối với lo ngại việc bắt buộc giao dịch bất động sản qua sàn sẽ làm gia tăng chi phí, TS. Nguyễn Văn Đính cho rằng có thể định mức phí trần, đủ để thực thi việc giao dịch.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam cũng đưa ra phân tích, hiện nay chi phí bán hàng của chủ đầu tư thường phải xác định trong khoảng 10% giá bán. Do đó, thường các chủ đầu tư lựa phân phối thông qua sàn vì chi phí bán hàng sẽ rẻ hơn, hiệu quả hơn. Qua đó giúp cho chủ đầu tư nhanh thu và thu tốt hơn nhiều so với tự bán.
Trước đó, tại Báo cáo thẩm tra, tờ trình Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) của Chính phủ, Uỷ ban Kinh tế Quốc hội đã đề nghị cho phép các bên bán bất động sản được chọn giao dịch qua sàn hoặc không do quy định bắt buộc giao dịch qua sàn sẽ làm tăng chi phí trung gian.
Theo Ủy ban Kinh tế Quốc hội, quy định tại dự thảo luật chưa làm rõ an toàn pháp lý của giao dịch bất động sản qua sàn; chưa rõ trách nhiệm của sàn giao dịch khi chủ đầu tư xảy ra tranh chấp, hay không thực hiện đúng cam kết.
Chẳng hạn, quy định "giấy xác nhận giao dịch qua sàn" tại khoản 5 Điều 61 còn chung chung, chưa rõ giá trị pháp lý. Hay giấy xác nhận giao dịch qua sàn là "cơ sở để các chủ thể tham gia giao dịch kê khai nộp thuế cho Nhà nước, đăng ký biến động, sang tên quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng đất" chưa thống nhất với Luật Đất đai, các luật về thuế, không có giá trị pháp lý làm căn cứ tính thuế.
Chưa kể, việc buộc giao dịch qua sàn, theo Uỷ ban Kinh tế sẽ làm tăng trung gian, chi phí và được tính vào giá giao dịch. Một số ý kiến phản ánh việc giao dịch qua sàn có thể làm tăng chi phí từ 8-10%.
Bên cạnh đó, Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng cho rằng sàn giao dịch bất động sản không phải là công cụ quản lý nhà nước, không thực hiện các dịch vụ công, mà chỉ đóng vai trò là môi giới, trung gian, cung cấp thông tin.