“TTC có 44 năm phát triển và làm thương mại là chính. Tôi chỉ xây dựng một nhà máy đường, khách sạn cũng xây duy nhất một cái ở Dốc Lết (Khánh Hòa), còn lại đều là M&A. Chúng tôi đã vận dụng chiến lược M&A rất thành công trong suốt thời gian hoạt động của mình”, ông Đặng Văn Thành cho hay.
Tập đoàn TTC hiện có 120 đơn vị trực thuộc hoạt động trong các lĩnh vực Nông nghiệp - Năng lượng - Bất động sản - Bất động sản Công nghiệp - Du lịch - Giáo dục.
Chủ tịch Tập đoàn TTC cho biết, M&A đã được nhen nhóm cách đây 20 năm, trong quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế bao cấp sang nền kinh tế thị trường. Dường như ông là người đi M&A nhiều nhất vì đây là con đường phù hợp với chiến lược, hoài bão của mình.
Theo lời kể của Chủ tịch Tập đoàn TTC, vào năm 2001, ông cùng đội ngũ đã M&A thành công hai ngân hàng gồm Ngân hàng Đông Phương và Ngân hàng TMCP Nông Thôn Thạnh Thắng (Hậu Giang).
Năm 2010, khi thị trường vốn đã quen với các thương vụ doanh nghiệp nước ngoài mua doanh nghiệp Việt, thì TTC lại “đi ngược”, mua 2 nhà máy đường của nhà đầu tư Pháp là Bourbon Tây Ninh và Bourbon Gia Lai.
Ngoài ra, Tập đoàn TTC còn thực hiện nhiều thương vụ M&A khác trong suốt 44 năm hoạt động.
Năm 2017, “ông trùm" mía đường hoàn tất thương vụ sáp nhập CTCP Đường Biên Hòa và CTCP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh thành CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC AgriS).
TTC còn mua lại nhà máy đường của Hoàng Anh Gia Lai tại Lào và một số nhà máy đường khác trong nước.
Vị này cho biết, ông sẽ tiếp tục mua lại một nhà máy đường ở Tây Ninh cuối năm nay và đầu năm 2024 sẽ mua lại một nhà máy đường của Ấn Độ ở Campuchia, với quy mô 5.000 tấn mía cây/ngày, nhằm mở rộng vùng nguyên liệu.
Nói về chiến lược M&A các doanh nghiệp lớn, Chủ tịch Tập đoàn TTC bày tỏ: “M&A là con đường nếu có kiểm soát, quản trị tốt sẽ là cơ hội lớn, nhất là khi Việt Nam đang trong nền kinh tế mở. Năm 2023, qua những cơn biến động thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng chúng ta cũng đứng trên đường đua mới, đan xen thách thức và cơ hội là điều bình thường”.
Theo ông Đặng Văn Thành, M&A tạo ra rất nhiều cơ hội cho người mua và người bán. Tất cả các doanh nghiệp đều có định hướng chiến lược phát triển, vấn đề là chọn thời điểm nào, thị phần nào để triển khai. Người bán nên chọn thời điểm tốt nhất để thấy được nội lực, còn người mua thấy tiềm năng mở rộng thị phần.
Chủ tịch TTC cũng chỉ ra 2 vấn đề doanh nghiệp cần lưu tâm khi M&A.
Thứ nhất, sau khi tiếp nhận một doanh nghiệp khác, nếu không thể hài hòa được sẽ rất khó, nhất là vấn đề văn hóa doanh nghiệp. Trong đó, về vấn đề lao động, sau tiếp nhận, Tập đoàn sẽ có một đội ngũ “cán bộ khung” cốt cán của TTC xuống đào tạo lại, lưu dụng người lao động; đánh giá, phân loại, xếp loại, giao thêm nhiệm vụ hoặc giảm bớt công việc... nhằm tạo mọi điều kiện để người lao động ở đơn vị mới có thể hội nhập vào TTC một cách tốt nhất.
Thứ hai, khi M&A không chỉ chuẩn bị mỗi tài lực mà còn cả nhân lực. Những doanh nghiệp, đặc biệt là starup dám chuyển nhượng lúc đang thịnh (thị phần, thị trường hay nội tại nói chung) sẽ được đánh giá cao hơn những doanh nghiệp đợi đến suy mới bán. Cùng với đó, người mua phải tính toán được thời điểm và dám mua.