Chủ tịch Sơn Hải: Nếu biết việc xóa chữ trên biển là do KQL Đường bộ II làm, sẽ không gửi đơn ra công an

Minh Hằng | 16:04 04/11/2024

Người đứng đầu Tập đoàn Sơn Hải mong muốn việc xóa bỏ dòng chữ "cam kết 10 năm" trên các biển báo sớm được làm sáng tỏ.

Chủ tịch Sơn Hải: Nếu biết việc xóa chữ trên biển là do KQL Đường bộ II làm, sẽ không gửi đơn ra công an
Tập đoàn Sơn Hải ghi lại được cảnh "nhóm đối tượng" xóa chữ trên biển báo thuộc tuyến Nghi Sơn - Diễn Châu. Ảnh cắt từ video

Trong những ngày qua, dư luận xôn xao trước thông tin Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải (Tập đoàn Sơn Hải) gửi đơn tố giác đến Công an tỉnh Thanh Hóa và Công an thị xã Nghi Sơn về hành vi phá hoại biển báo trên tuyến cao tốc Nghi Sơn – Diễn Châu chạy qua tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An.

Trên biển báo thuộc tuyến cao tốc này, ngoài những thông tin về tuyến đường, quy định giới hạn tốc độ, còn có thêm dòng chữ "Đoạn đường Sơn Hải bảo hành 10 năm".

Mới đây, ngày 4/11, trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, ông Bùi Quang Thái, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) cho biết, điều 45 Luật Giao thông đường bộ quy định biển báo hiệu đường bộ thuộc về công trình báo hiệu đường bộ. Đồng thời Luật Giao thông đường bộ cũng quy định rằng: "Không được gắn vào công trình báo hiệu đường bộ các nội dung không liên quan tới ý nghĩa, mục đích của công trình báo hiệu đường bộ".

Hơn nữa, tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2019 về báo hiệu đường bộ thì trên các biển báo hiệu không có quy định ghi thời gian bảo hành công trình, hoặc cam kết về thời gian bảo hành công trình.

Theo ông Bùi Quang Thái, dự án cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu được thực hiện theo hình thức đầu tư công. Trong đó, theo Nghị định số 44/2024 quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ quy định: Dự án xây dựng đầu tư sử dụng vốn nhà nước thì công trình xây dựng hoàn thành được hình thành từ vốn của nhà nước, sau khi hoàn thành dự án đầu tư xây dựng phải lập hồ sơ tài sản và giao cơ quan nhà nước quản lý tài sản.

Ngoài ra, ông Bùi Trọng Tuệ, Trưởng Văn phòng Quản lý đường bộ II.1 (Khu Quản lý đường bộ II - cơ quan quản lý nhà nước tuyến cao tốc) khẳng định rằng, thông tin Tập đoàn Sơn Hải tố cáo về việc các biển báo do nhà thầu này thi công trên tuyến cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu bị phá hoại là không chính xác. Bởi việc xoá bỏ dòng chữ "Tập đoàn Sơn Hải bảo hành 10 năm" do Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi là đơn vị được giao quản lý, bảo dưỡng thường xuyên) thực hiện theo chỉ đạo của Hội đồng nghiệm thu nhà nước và Cục Đường bộ Việt Nam.

Về nguyên nhân phải bỏ dòng chữ trên biển báo, ông Bùi Trọng Tuệ cho biết, trong hồ sơ thiết kế dự án được các cơ quan có thẩm quyền duyệt và hồ sơ hoàn công đối với hạng mục biển báo đều không có nội dung và thiết kế như vậy.

Đại diện Cục Đường bộ Việt Nam cho biết thêm, Bộ Giao thông vận tải và Cục Đường bộ Việt Nam luôn ủng hộ các nhà thầu, nhất là các nhà thầu thi công công trình đạt chất lượng cao, sẵn sàng cam kết bảo hành dài hạn. Vào năm 2014 và 2015, khi Tập đoàn Sơn Hải đề xuất và được Bộ chấp thuận, Cục Đường bộ Việt Nam cũng tạo điều kiện để nhà thầu đặt các biển cam kết bảo hành 5 năm tại hai bên hành lang quốc lộ 1. Tuy nhiên, việc nhà thầu tự ý dán thêm chữ vào các biển báo và biển chỉ dẫn giao thông là không đúng với quy chuẩn quốc gia, hồ sơ thiết kế dự án…

Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hải mong muốn câu chuyện kết thúc có hậu

son-hai-m1.jpg

Ông Nguyễn Viết Hải, Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hải phát biểu trong buổi tổng kết cuối năm 2023 của tập đoàn. Ảnh: TN

Chia sẻ với Báo điện tử Chính phủ, ông Nguyễn Viết Hải, Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hải cho biết, ông và mọi người trong tập đoàn rất “bất ngờ” về việc xóa bỏ dòng chữ "Tập đoàn Sơn Hải bảo hành 10 năm" thực hiện theo chỉ đạo của Hội đồng nghiệm thu nhà nước và Cục Đường bộ Việt Nam.

"Trường hợp chúng tôi cắm biển chưa phù hợp với quy định hiện hành, tôi cho rằng cơ quan quản lý cần có văn bản đề nghị xử lý hoặc hướng dẫn điều chỉnh phù hợp. Tôi khẳng định trước khi các biển báo bị xóa bỏ dòng chữ bảo hành 10 năm, doanh nghiệp chưa nhận được thông báo từ cơ quan chức năng. Nếu biết việc xóa bỏ dòng chữ trên biển báo là do Khu Quản lý đường bộ II thực hiện, chúng tôi sẽ không gửi đơn ra công an", ông Nguyễn Viết Hải cho biết

Theo ông Hải, việc bảo hành 10 năm cho đoạn đường do Tập đoàn Sơn Hải thực hiện hoàn toàn xuất phát từ mong muốn những con đường cao tốc của Việt Nam ngày càng đẹp hơn, chất lượng hơn, bởi vì bảo hành càng lâu thì doanh nghiệp sẽ giảm bớt lợi nhuận.

Không có công trình chất lượng cao nào mà giá thành thấp cả và Sơn Hải đã làm tốt ngay từ khi đổ những mẻ bê tông đầu tiên làm nên con đường này. Chúng tôi làm như vậy để tiết kiệm cho ngân sách nhà nước, để người dân có những con đường tốt để lưu thông, tất cả vì những điều tốt đẹp nhất cho cộng đồng, cho xã hội…”, Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hải cho biết thêm.

Hơn nữa, ông Nguyễn Viết Hải thông tin thêm rằng, việc nói Sơn Hải quảng cáo bằng 9 tấm biển bảo hành này là không đúng. Bởi vì người mua sản phẩm của Sơn Hải là cơ quan Nhà nước, không phải người dân. Mặt khác, việc cắm biển bảo hành tốn thêm chi phí. Nhưng Sơn Hải mong muốn được làm để người dân trực tiếp giám sát lời hứa “bảo hành 10 năm” của tập đoàn.

Đây cũng thể hiện rõ trách nhiệm của chúng tôi đối với sản phẩm chúng tôi làm ra, đúng với những gì chúng tôi cam kết với chủ đầu tư và mong câu chuyện sớm được sáng tỏ và kết thúc có hậu, vì những điều tốt đẹp nhất cho người dân và xã hội…”, người đứng đầu Tập đoàn Sơn Hải bộc bạch.

cao-toc-nghi-son1.jpg
Tuyến cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu chính thức vận hành từ ngày 1/9/2023. Ảnh: NT

Liên quan đến vụ việc này, chiều nay (4/11), một fanpage có tên là "Sơn Hải Group" thông tin đưa một số thông tin cụ thể. Theo đó,09 biển bảo hành 10 năm nhà thầu tự bỏ kinh phí ra để đầu tư, nằm ngoài khối lượng, giá trị theo hồ sơ thiết kế mà chủ đầu tư đã thanh toán cho nhà thầu. Khi nghiệm thu bàn giao cho chủ đầu tư không có tài sản 09 biển bảo hành 10 năm này.

Trang này cũng cho rằng việc cắm biển bảo hành 10 năm trên tuyến đường bảo hành 10 năm là nghĩa vụ của Tập đoàn Sơn Hải khi cam kết với Bộ Giao thông vận tải có nội dung "Công khai cắm biển bảo hành 10 năm cho người dân tham gia giao thông được giám sát" và đã ký phụ lục hợp đồng với Chủ đầu tư có nội dung "Phụ lục hợp đồng này là cơ sở pháp lý để Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải thực hiện công khai nghĩa vụ bảo hành công trình".

Bài viết trên trang này khẳng định đây là biển bảo hành 10 năm của Tập đoàn Sơn Hải có thêm nội thông tin của dự án như tốc độ tối đa, tốc độ tối thiểu, tên dự án chứ không phải là biển báo hiệu giao thông của Nhà nước. Do vậy không thể xem đây là biển báo giao thông.

chu-tich-son-hai-1.jpg
Ông Nguyễn Viết Hải, Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hải. Ảnh: VTV

Trước đó, như PV đã thông tin, ngày 1/11, ông Nguyễn Viết Hải, Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hải xác nhận doanh nghiệp này đã gửi đơn tố giác tội phạm gửi Công an tỉnh Thanh Hóa và Công an thị xã Nghi Sơn đề nghị vào cuộc điều tra. Vào ngày 29/10 vừa qua, Tập đoàn Sơn Hải đã phát hiện và ghi lại cảnh một nhóm người đi xe tải có cần cẩu nâng tháo dỡ các dòng chữ "vào đường Sơn Hải cam kết bảo hành 10 năm" trong các biển thông báo trên tuyến cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu.

Cả 9 biển trên cao tốc Nghi Sơn – Diễn Châu đều bị gỡ dòng chữ trên. Tập đoàn Sơn Hải cho biết, biển thông báo này là tài sản của doanh nghiệp nên đã làm đơn tố giác tội phạm gửi cơ quan công an đề nghị vào cuộc điều tra.

Ngày 2/11, ông Nguyễn Đức Dũng, Phó giám đốc của Khu quản lý đường bộ II, thuộc Cục Đường bộ Việt Nam, cho biết chính đơn vị này đã chỉ đạo xóa bỏ dòng chữ trên. Nguyên nhân là do dòng chữ trên không có trong hồ sơ thiết kế.


(0) Bình luận
Chủ tịch Sơn Hải: Nếu biết việc xóa chữ trên biển là do KQL Đường bộ II làm, sẽ không gửi đơn ra công an
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO