Sau một giai đoạn vô cùng sôi động của thị trường chứng khoán, đến mùa ĐHĐCĐ thường niên năm nay, nhiều doanh nghiệp công bố số lượng cổ đông vượt mức 10.000 người. Doanh nghiệp đông cổ đông nhất lên tới gần 200.000 người.
Với số lượng cổ đông nhỏ lẻ quá đông, một hiện tượng hy hữu đã xảy ra trong mùa ĐHCĐ năm nay, khi hàng loạt doanh nghiệp bất động sản và xây dựng không thể gom đủ tỷ lệ tham dự để tổ chức đại hội.
Chủ tịch nắm trên 30% vốn cổ phần, lượng cổ đông đến tham dự vẫn không nổi 40%
Vào sáng ngày 30/6, Tập đoàn C.E.O (CEO Group, CEO) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2023. Tính đến 9 giờ 30 phút, số lượng cổ đông tham dự chỉ chiếm 35,42% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết (bao gồm cả dự trực tiếp và ủy quyền). Riêng Chủ tịch là ông Đoàn Văn Bình đang sở hữu tỷ lệ lên đến 27,4%, chiếm phần lớn tỷ lệ cổ đông tham dự.
Được biết, CEO đang có 43.953 cổ đông, đại diện cho hơn 257 triệu cổ phần. Căn cứ theo điều lệ doanh nghiệp, Đại hội không đủ điều kiện tiến hành do lượng cổ đông tham dự. Ông Bình đã gửi lời xin lỗi đến cổ đông và cho biết đây là lần đầu tiên ĐHĐCĐ thường niên của CEO tổ chức bất thành, Công ty sẽ sớm tổ chức lại đại hội lần 2. Dù không tổ chức được, CEO vẫn chia sẻ sơ bộ về tình hình cũng như chiến lược kinh doanh của CEO trong năm 2023.
Trước đó 2 ngày, DIC Corp (DIG) cũng đã tổ chức bất thành Đại hội lần 1 do tỷ lệ tham dự không đủ theo quy định. Trước thềm Đại hội, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thiện Tuấn có tâm thư kêu gọi cổ đông tham dự đủ để đảm bảo Đại hội được diễn ra.
Thế nhưng tính đến 14 giờ 45 phút hôm 28/6, Đại hội chỉ đạt 533 cổ đông (trực tiếp và ủy quyền) tham dự chiếm 36,91% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Do đó, ĐHĐCĐ thường niên 2023 lần 1 của DIC Corp chưa đủ điều kiện tiến hành.
Chia sẻ tại Đại hội, Chủ tịch Tuấn đã “xin phép” cổ đông đợi thêm 1,5 tiếng, nếu vẫn không đủ tỷ lệ thì xin huỷ Đại hội lần 1. Sau 1,5 tiếng chờ đợi, đến 16 giờ 15 phút, DIC Corp tuyên bố huỷ Đại hội đợt 1 do tỷ lệ tham dự không đủ theo quy định.
Trao đổi bên lề Đại hội, ông Tuấn cho biết, hiện DIC Corp có khoảng 64.000 cổ đông, trong đó nhỏ lẻ giao dịch "lướt sóng" trên sàn rất nhiều. Có thời điểm Công ty có đến 80.000 cổ đông. Do đó, việc cổ đông nhỏ lẻ quá nhiều khiến doanh nghiệp rất khó để thông báo thông tin cũng như tập hợp được.
Đặc biệt, một cổ đông lớn cá nhân là ông Trần Quý Thanh (nguyên lãnh đạo Tân Hiệp Phát) đã nắm 5% cổ phần vắng mặt, cũng là lý do khiến Đại hội không thành công. DIC Corp đã gửi thư mời đến địa chỉ của ông Trần Quý Thanh nhưng không có xác nhận tham dự và cũng không có uỷ quyền.
Tại một trong những đại hội được chờ đợi nhất là ĐHCĐ của CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC), sau nhiều tiếng chờ đợi, tính đến 15h53, Hoà Bình mới chỉ đạt tỷ lệ 50% và suýt chút nữa, Đại hội lần 1 của Hoà Bình không thành. Trong những phút chờ đợi cuối cùng và nỗ lực kết nối với các cổ đông từ nước ngoài, tỷ lệ đã tăng lên 50,49% và đủ để đại hội được diễn ra.
Tặng tiền vẫn không thể tổ chức đại hội lần 2
Buồn hơn, CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Tp.HCM (CII) thậm chí đã tổ chức ĐHCĐ bất thành 2 lần. Hôm 26/4, CII đã tổ chức Đại hội lần 2. Thời gian đại hội bắt đầu từ 8h, tuy nhiên theo biên bản, đến 9h30, số đại biểu có mặt và đăng ký tham dự đại hội là 227, sở hữu và đại diện cho gần 116 triệu cổ phần tương ứng tỷ lệ 45,81% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Do đó, ĐHĐCĐ đã không đủ điều kiện tiến hành.
Hồi giữa tháng 4, CII đã tung chiêu sẽ chuyển tiền vào tài khoản cho cổ đông tùy thuộc vào số lượng cổ phần sở hữu. Cổ đông CII tham dự Đại hội sẽ cần gửi tin nhắn đến Ban tổ chức trước 9h sáng 26/4/2023, tức ngày tổ chức ĐHCĐ. Đây được cho là động thái nỗ lực của doanh nghiệp nhằm đảm bảo ĐHĐCĐ thường niên có thể thành công ngay lần đầu tiên và không xảy ra tình huống như năm trước, khi chỉ có 73 người đến đại hội, tương ứng đại diện khoảng 23% vốn dẫn tới tổ chức bất thành lần 1. Tuy nhiên, việc tổ chức bất thành vẫn tiếp tục xảy ra.
Cơ cấu cổ đông của CII tại thời điểm cuối năm 2022 được thống kê trong BCTN ghi nhận cổ đông lớn duy nhất là Công Ty Đầu Tư Tài Chính Nhà Nước Tp.HCM với 8,47% vốn. Ngoài ra, cổ đông là tổ chức và cá nhân nước ngoài nắm khoảng 26 triệu cổ phần CII, tương ứng hơn 10% lượng cổ phiếu đang lưu hành.
Nhiều cổ đông: Vừa vui vừa buồn
Khi được hỏi có nhiều cổ đông thì Chủ tịch vui hay... khổ, ông Nguyễn Thiện Tuấn cho biết: "Có vui nhưng có buồn. Buồn vì nhiều cổ đông thì sẽ bị phân tán, khó tụ tập. Cổ đông trong ngoài nước cũng rất khó để tổ chức cũng như công bố thông tin".
Việc tổ chức ĐHCĐ bất thành vì không đủ tỷ lệ tham dự gây ra cho DN một số khó khăn như tốn chi phí, chậm trễ thông qua các kế hoạch kinh doanh và có thể dẫn đến việc DN bỏ lỡ cơ hội tìm kiếm tăng trưởng.
Tuy nhiên, ở một luồng quan điểm khác, hiện tượng cổ đông nhỏ tăng mạnh là niềm vui của một số Chủ tịch HĐQT. Đơn cử ở một doanh nghiệp bất động sản, trước đợt tăng mạnh của cổ phiếu, vị Chủ tịch HĐQT tiết lộ - không có trong văn bản chính thức - về tỷ lệ nắm giữ lên tới 80% (thông qua nắm giữ trực tiếp và đứng tên người khác).
Do cô đặc, tỷ lệ này tạo điều kiện tốt hơn cho sức tăng của cổ phiếu doanh nghiệp. Và sau cơn tăng nóng, đến nay tỷ lệ sở hữu của vị này đã giảm xuống dưới 40%. Tương ứng, 40% số cổ phần nắm giữ đã được "phân phối" cho cổ đông nhỏ lẻ, thu về lượng tiền mặt lớn cho người bán.
CEO và DIG là hai trong số các mã cổ phiếu bất động sản tăng nóng trong giai đoạn thị trường tăng trưởng, từ vùng mệnh tăng một mạch lên gần 80.000 đồng/cp. Đà tăng nóng cùng những kế hoạch kinh doanh đáng chú ý, phát hành thu hút cổ đông nhỏ lẻ tham gia mua vào cổ phiếu.