Chủ tịch một Tổng công ty nhà nước nhận mức lương 1,38 tỷ đồng/năm

Đinh Tịnh | 09:51 30/06/2024

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa phê duyệt mức tiền lương kế hoạch năm 2024 của thành viên hội đồng thành viên, kiểm soát viên công ty mẹ - Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM). Theo đó, ông Lê Hoàng Minh, Chủ tịch VATM hưởng mức lương cao nhất với 1,38 tỷ đồng/năm, tương đương 115 triệu đồng/tháng.

Chủ tịch một Tổng công ty nhà nước nhận mức lương 1,38 tỷ đồng/năm
VATM là Tổng công ty nhà nước trả lương tới 1,38 tỷ đồng cho Chủ tịch HĐTV

Mức lương "khủng" tại một Tổng công ty nhà nước

Tiếp theo đó, các thành viên khác thuộc hội đồng thành viên đều hưởng mức lương cao từ 1,15 tỷ đồng/năm/người, tương đương 96 triệu đồng/tháng/người.

Ông Lương Quốc Việt, Kiểm soát viên chuyên trách hưởng 3 tháng lương 77 triệu đồng/tháng và 9 tháng với mức lương 96 triệu đồng/tháng.

VATM hiện là đơn vị cung ứng các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay cho tất cả máy bay dân dụng, vận tải quân sự tại các sân bay dân dụng trên toàn quốc và những vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý. Chẳng hạn, dịch vụ điều hành bay đường dài, dịch vụ kiểm soát tiếp cận, dịch vụ kiểm soát tại sân bay; dịch vụ thông báo bay; dịch vụ tư vấn không lưu; dịch vụ báo động…

Năm 2023, sản lượng điều hành bay của VATM đạt hơn 750.000 chuyến, bằng 114,55% so với kế hoạch năm 2023. Tổng doanh thu ước đạt hơn 3.600 tỷ đồng, tăng 38,5% so với năm 2022.

Năm 2024, VATM đặt mục tiêu tiếp tục duy trì cung cấp các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay đảm bảo ổn định, liên tục, thông suốt với mục tiêu đảm bảo điều hành bay an toàn tuyệt đối cho các hoạt động bay trong trách nhiệm được giao.

VATM đặt mục tiêu đạt tổng sản lượng điều hành bay hơn 756.100 lần chuyến, tăng 0,43%, với tổng doanh thu 3.600 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế 1.108 tỷ đồng, tăng 0,45% và nộp ngân sách Nhà nước 2.108 tỷ đồng.

VATM đặt mục tiêu tập trung mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm như Dự án thành phần 2 các công trình phục vụ quản lý bay thuộc dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1; Dự án Trung tâm kiểm soát không lưu Hồ Chí Minh (ATCC/HCM); Đài Kiểm soát không lưu Điện Biên… đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ kế hoạch đề ra, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đầu tư.

Căn cứ vào đâu để trả mức lương "ngất ngưởng" tại VATM?

Trước đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành văn bản hợp nhất Nghị định thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/4/2024.

Văn bản hợp nhất từ Nghị định số 87/2021/NĐ-CP và Nghị định số 64/2023/NĐ-CP, được áp dụng thực hiện đối với 3 tập đoàn, tổng công ty là Công ty mẹ gồm: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam; Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP; Công ty mẹ - Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam.

Theo đó, mức lương cơ bản của Chủ tịch Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị cao nhất là 70 triệu đồng. Bên cạnh đó, thành viên Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, trưởng ban kiểm soát cao nhất 60 triệu đồng; kiểm soát viên cao nhất 50 triệu đồng.

Lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước có lương cơ bản 70 triệu đồng/tháng - 1

Mức lương cơ bản của một số chức danh trong doanh nghiệp nhà nước (Ảnh chụp màn hình).

Trong đó, loại 1, áp dụng đối với công ty có chỉ tiêu kế hoạch: Vốn chủ sở hữu từ 10.000 tỷ đồng trở lên; doanh thu từ 30.000 tỷ đồng trở lên và có 10 đầu mối quản lý (công ty con hạch toán độc lập hoặc phụ thuộc), hoặc tổng số lao động sử dụng từ 5.000 người trở lên.

Loại 2, áp dụng đối với công ty có chỉ tiêu kế hoạch: Vốn chủ sở hữu dưới 10.000 tỷ đồng; doanh thu dưới 30.000 tỷ đồng, và có dưới 10 đầu mối quản lý hoặc tổng số lao động sử dụng dưới 5.000 người.

Công ty căn cứ vào các chỉ tiêu kế hoạch để xác định loại công ty và mức lương cơ bản của Thành viên Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Trưởng ban kiểm soát và Kiểm soát viên chuyên trách.

Mức tiền lương kế hoạch của Thành viên Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Trưởng ban kiểm soát và Kiểm soát viên chuyên trách được xác định theo mức lương cơ bản gắn với lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (sau đây gọi tắt là tỷ suất lợi nhuận) kế hoạch so với lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận thực hiện năm trước liền kề.

Bên cạnh đó, mức tiền lương thực hiện được căn cứ vào mức tiền lương kế hoạch và lợi nhuận, tỷ suất lợi nhuận thực hiện so với kế hoạch theo nguyên tắc quy định.

Trường hợp lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận thực hiện vượt lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận kế hoạch thì được tính thêm vào tiền lương (hạch toán vào chi phí) theo nguyên tắc vượt 1% lợi nhuận so với kế hoạch, được tính thêm 2% tiền lương nhưng tối đa bằng 2 tháng tiền lương kế hoạch.

chu-tich-vatm-phat-bieu.jpg
Ông Lê Hoàng Minh giữ chức Chủ tịch VATM từ tháng 8/2023

Theo tìm hiểu của MarketTimes, ông Lê Hoàng Minh từng giữ chức Phó Giám đốc Ban QLDA 85 của Bộ GTVT trước khi về Chánh văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ Việt Nam vào năm 2012.

Đến năm 2020, Quỹ bảo trì chính thức được giải tán và ông Minh đã có 8 năm được quyền phân bổ vốn bảo trì đường bộ cho các địa phương, tỉnh, thành phố để duy tu sửa chữa các tuyến quốc lộ, cầu, bến phà, công trình hầm....

Ngay sau đó, tháng 4/2020, ông Lê Hoàng Minh tiếp tục được Bổ nhiệm làm Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông của Bộ GTVT.

Chỉ 3 năm sau, tháng 8/2023 - đến nay, ông Minh giữ chức vụ Chủ tịch Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Chủ tịch một Tổng công ty nhà nước nhận mức lương 1,38 tỷ đồng/năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO