Chủ tịch Lê Thanh Thản bị khởi tố, quyền lợi người mua nhà không “sổ đỏ” tại CT6 Kiến Hưng sẽ “đi đâu, về đâu”?

An Nam | 14:43 25/04/2023

Theo các chuyên gia pháp lý, những người mua nhà tại dự án CT6 Kiến Hưng sẽ phải đối mặt với khá nhiều tình huống pháp lý để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình sau khi ông Lê Thanh Thản, Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh bị khởi tố.

Chủ tịch Lê Thanh Thản bị khởi tố, quyền lợi người mua nhà không “sổ đỏ” tại CT6 Kiến Hưng sẽ “đi đâu, về đâu”?
Dự án CT6 Kiến Hưng - Hà Đông. Ảnh- Int

Vừa qua, ông Lê Thanh Thản bị khởi tố để điều tra về hành vi lừa dối khách hàng theo Khoản 2, Điều 198 BLHS 2015 sửa đổi. Việc thực hiện các biện pháp tố tụng này nhằm làm rõ, xử lý các dấu hiệu vi phạm pháp luật tại dự án đầu tư xây dựng tổ hợp chung cư cao cấp và thương mại Bemes (CT6) ở phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội.

Theo cáo buộc, chủ đầu tư đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng sai phạm nghiêm trọng quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng lại quảng cáo gian dối về tính pháp lý của dự án để khách hàng tin tưởng mua nhà, dù công trình xây dựng vi phạm quy hoạch được duyệt.

Hậu quả là đã có 488 căn hộ được bán ra nhưng không được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, thu lợi bất chính hơn 481 tỷ đồng (trong đó giá trị quyền sử dụng đất hơn 56 tỷ đồng).

Người mua nhà “chông chênh” đòi quyền lợi

Bình luận về vị thế pháp lý của những người mua nhà hiện chưa được cấp “sổ đỏ” tại dự án CT6 Kiến Hưng, Luật sư Đặng Văn Cường nhận định nếu không muốn chuyển sang dự án khác cũng như không muốn thanh lý hợp đồng (như phương án mà chủ đầu tư đưa ra - PV) thì người mua nhà để đảm bảo quyền lợi của mình cần phải được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (sổ đỏ).

Tuy nhiên, việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở chỉ có thể được thực hiện nếu như tòa nhà đó, căn hộ đó phù hợp với quy hoạch, hoặc có thể điều chỉnh quy hoạch và đặc biệt là phải đảm bảo yếu tố an toàn, hợp lý về kết cấu hạ tầng kĩ thuật, đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy, đảm bảo các yếu tố về an sinh xã hội.

“Những trường hợp xử phạt vi phạm hành chính để cho tồn tại không hiếm trong nhiều dự án, tuy nhiên đối với dự án này, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án hình sự, vụ việc đã được chuyển đến tòa án để giải quyết về tội Lừa dối khách hàng nên cơ hội để được hợp thức hóa, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ là rất khó khăn. Vấn đề này sẽ do tòa án quyết định trong phiên tòa tới đây”, ông Cường nói.

Trong trường hợp khách hàng mong muốn đòi quyền lợi bằng cách đòi tiền mua nhà và yêu cầu bồi thường thiệt hại, luật sư Đặng Văn Cường cho biết khi tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu thì bên mua nhà có quyền yêu cầu đòi doanh nghiệp này phải trả lại toàn bộ số tiền đã nộp, nếu giá trị căn hộ tăng lên so với thời điểm mua thì đây là thiệt hại của khách hàng, khách hàng có quyền yêu cầu doanh nghiệp này phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật khi giao dịch dân sự vô hiệu.

“Do đó, số tiền mà doanh nghiệp này nhận được do hành vi đưa ra thông tin sai sự thật là tiền thu lợi bất chính, doanh nghiệp này không được phép sở hữu số tiền này. Trong trường hợp tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu thì doanh nghiệp này có nghĩa vụ phải trả lại số tiền này cho người bị hại (các khách hàng đã mua nhà). Việc tính toán số tiền thu lợi bất chính sẽ được tính trên tổng số tiền thu được trừ các chi phí hợp lý, hợp pháp.

Trường hợp hoàn trả theo nghĩa vụ dân sự thì các chi phí hợp lý, hợp pháp sẽ không được tính, bên bán căn hộ sẽ phải trả lại toàn bộ số tiền đã nhận và còn phải bồi thường thiệt hại nếu như giá trị căn hộ đã tăng lên theo giá cả thị trường. Người mua nhà sẽ được nhận toàn bộ số tiền đã nộp cho doanh nghiệp này và có quyền yêu cầu doanh nghiệp này phải bồi thường thiệt hại là số tiền chênh lệch giữa giá nhà thực tế hiện nay so với giá trị căn hộ đã mua trước đó”, Luật sư Cường nói.

Chủ tịch Mường Thanh loay hoay “chữa cháy”

Theo cáo trạng do Viện Kiểm sát Nhân dân TP. Hà Nội ban bố mới đây liên quan đến những sai phạm tại dự án CT6 Kiến Hưng, ngày 31/7/2019, ông Lê Thanh Thản đã có đơn đề nghị khắc phục hậu quả của vụ án theo 3 phương án.

Một là chấp nhận xử phạt vi phạm hành chính theo quy định. Hai là tự thoả thuận với người mua nhà tại CT6C để di dời sang dự án khu đô thị Thanh Hà - Cienco5 (cũng do ông Thản làm chủ). Ba là tự thoả thuận với cư dân CT6C để mua lại căn hộ hoặc trả lại tiền mua nhà, sau đó sẽ tự phá dỡ.

Trong quá trình điều tra, ông Thản lựa chọn phương án tự thỏa thuận với người mua nhà tại tòa CT6C Kiến Hưng để mua lại nhà hoặc trả lại tiền mua nhà, sau đó sẽ tự phá dỡ nhà CT6C Kiến Hưng.

Tuy nhiên, đến nay Công ty Bemes không thỏa thuận được với khách hàng. Do đó, ông Lê Thanh Thản đề nghị Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - chi nhánh Nam Hà Nội bảo lãnh số tiền bị can phải trả lại cho khách hàng theo quy định của pháp luật. Đến ngày 27/11/2019, Ngân hàng BIDV - chi nhánh Nam Hà Nội đã phát hành Công văn xác nhận bảo lãnh số tiền 530 tỷ đồng để khắc phục hậu quả cho bị can Lê Thanh Thản tại dự án CT6 Kiến Hưng.

Sau khi Cơ quan điều tra ra bản kết luận điều tra, kết luận số tiền thu lợi bất chính của bị can Thản là hơn 534 tỷ đồng, ngày 20/10/2020, ông Thản có đơn đề nghị xem xét lại khoản tiền thu lợi bất chính; vì bị can phải chi phí cho việc đầu tư xây dựng công trình CT6 Kiến Hưng gồm các khoản chi hơn 632 tỷ đồng.

Tuy nhiên, kết quả điều tra bổ sung chỉ có căn cứ xác định số tiền thuế giá trị gia tăng của 488 căn hộ không được cấp sổ đỏ bị can đã nộp hơn 53 tỷ đồng được đối trừ với số tiền thu lợi bất chính. Hành vi của bị can Thản bị Viện Kiểm sát xác định đã thu lợi bất chính hơn 481 tỷ đồng, cũng chính là số tiền gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho 488 khách hàng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Chủ tịch Lê Thanh Thản bị khởi tố, quyền lợi người mua nhà không “sổ đỏ” tại CT6 Kiến Hưng sẽ “đi đâu, về đâu”?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO