Trước đó, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản" theo Điều 218 Bộ luật Hình sự, xảy ra trên địa bàn huyện Đông Anh, Hà Nội.
Cụ thể, vào tháng 8/2020 Ban quản lý dự án huyện Đông Anh đã tổ chức đấu giá khu đất rộng 5ha ở xã Cổ Dương.
Theo kết quả thẩm định giá ban đầu do Công ty Thẩm định giá và đầu tư Hà Nội xác định thfi khu đất này có giá trị bán đấu giá khoảng 500 tỉ đồng.
Tuy nhiên bị can Loan đã thông đồng với cán bộ của ban quản lý cùng với các bị can thuộc công ty thẩm định giá can thiệp để điều chỉnh trị giá khu đất xuống thấp hơn giá trị thực.
Các bị can đã lập khống 12 phiếu khảo sát để đưa vào hồ sơ thẩm định giá và hạ giá trị khu đất xuống còn 300 tỉ.
Hội đồng thẩm định giá đất đã duyệt mức giá sàn là hơn 18 triệu đồng/m2 để tổ chức đấu giá khu đất trên.
Bị can Nguyễn Thị Loan lập nhiều công ty để làm "quân xanh, quân đỏ" tham gia đấu giá khu đất trên.
Cụ thể, trong vụ án có 6 công ty tham gia đấu giá thì có 2 công ty không đủ điều kiện, trước khi đấu giá có 1 công ty không tham gia đấu giá, còn lại 3 công ty thì dìm giá.
Một công ty do bị can Nguyễn Thị Loan nắm quyền chi phối trúng đấu giá khu đất với mức giá 20 triệu đồng/m2.
Kết quả điều tra xác định chỉ 1 tháng sau khi được bàn giao đất, bị can Nguyễn Thị Loan đã bán khu đất trên với giá từ 80 triệu đến cả trăm triệu một mét vuông tùy vị trí.
Cơ quan điều tra xác định hành vi của các bị can đã gây thiệt hại tài sản nhà nước khoảng 200 tỉ đồng.
Cùng với Nguyễn Thị Loan, cơ quan điều tra cũng khởi tố bị can, bắt tạm giam 7 người khác gồm: Vương Thị Thu Thủy, cán bộ Ban quản lý dự án huyện Đông Anh; Nguyễn Thị Diệu Linh, tổng giám đốc Công ty cổ phần Thẩm định giá và đầu tư Hà Nội; Nguyễn Đức Phương và Nguyễn Ngọc Thắng cùng là thẩm định viên Công ty Thẩm định giá và đầu tư Hà Nội và 3 bị can khác thuộc các công ty kinh doanh bất động sản.
Bà Nguyễn Thị Loan (51 tuổi), quê Hòa Bình. Năm 1991 bà Loan làm kế toán viên cho Công ty TNHH Thịnh Phát, đến năm 1993 được được bổ nhiệm làm Kế toán trưởng của Thịnh Phát.
Năm 1995 bà Loan chuyển sang làm chuyên viên tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và đến năm 2005 được bổ nhiệm chức Phó trưởng phòng Quản lý rủi ro của BIDV. Năm 2006 được giữ chức Trưởng phòng Quản lý rủi ro của BIDV.
Nam 2008 bà Loan mở ra Công ty CP chứng khoán Hòa Bình (HBS) và giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) từ đó đến nay.
Công ty CP Chứng khoán Hoà Bình là cổ đông chiến lược của Công ty Cổ phần Y dược Vimedimex, một doanh nghiệp Nhà nước được cổ phần hoá năm 2006.
Năm 2009 bà Loan được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch HĐQT Vimedimex và đến năm 2012 được bầu giữ chức Chủ tịch HĐQT Vimedimex cho đến nay.
Đáng chú ý, năm 2009 một cái doanh nghiệp mới là Tập đoàn dược phẩm Vimedimex (Vimedimex Group) được thành lập với vốn điều lệ ban đầu 500 tỷ đồng và bà Nguyễn Thị Loan là một trong 8 cổ đông sáng lập.
Vimedimex Group là một công ty khác với Công ty Cổ phần Y dược Vimedimex có nguồn gốc nhà nước mà bà Loan giữ ghế Chủ tịch HĐQT.
Năm 2012 Vimedimex Group có sự thay đổi về cơ cấu sở hữu và bà Loan nắm tời 22,6%. Đến đầu năm 2015 bà Loan nâng tỷ lệ sở hữu Vimedimex Group lên 45%.
Năm 2016 Vimedimex Group cho ra đời thương hiệu Vimefulland và chính thức lấn mạnh sang lĩnh vực bất động sản với nhiều dự án lớn tại Hà Nội.
Bất ngờ, đến lần thay đổi kinh doanh năm 2018 bà Nguyễn Thị Loan không còn nắm giữ cổ phần tại Vimedimex Group.