Chủ tịch FiinRatings chỉ ra những cơ hội khi chứng khoán Việt Nam được FTSE Russel và MSCI nâng hạng

Lê Sáng | 17:12 10/06/2024

Theo ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinRatings, việc thị trường chứng khoán Việt Nam được FTSE Russel và MSCI nâng hạng lên mới nổi không chỉ mở ra cơ hội lớn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước mà còn giúp các doanh nghiệp huy động vốn hiệu quả hơn.

Chủ tịch FiinRatings chỉ ra những cơ hội khi chứng khoán Việt Nam được FTSE Russel và MSCI nâng hạng
Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup kiêm Tổng giám đốc FiinRatings

Mới đây, tại một sự kiện về Triển vọng Đầu tư Việt Nam do Đại sứ quán Australia và Cơ quan Thương mại và Đầu tư (Austrade) tổ chức, thông tin phái đoàn bao gồm 20 định chế đầu tư lớn từ Australia, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup kiêm Tổng giám đốc FiinRatings nhận định, khi thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng sẽ mở ra nhiều cơ hội lớn.

Theo ông Thuân, hiện nay Chính phủ Việt Nam và các Bộ ngành liên quan đã rất quyết liệt cho mục tiêu này trong thời gian gần đây.

“Nếu được nâng hạng lên mới nổi theo tiêu chuẩn của FTSE Russel và MSCI thì không chỉ mở ra cơ hội lớn cho các nhà đầu tư mà cả việc phát huy vai trò kênh huy động vốn hiệu quả hơn cho doanh nghiệp Việt Nam”, ông Thuân nhận định.

Đối với xếp hạng tín nhiệm quốc gia, ông Thuân cho rằng, Việt Nam hiện tại ở mức BB+ với triển vọng Ổn định theo S&P Global Ratings cũng như được đánh giá bởi các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế khác.

Mức này thấp hơn các nước tương đồng trong khu vực như Indonesia, Malaysia, Philippines. Hiện mục tiêu của Chính phủ Việt Nam là nâng mức xếp hạng lên mức Đầu tư (BBB) đến năm 2030.

“Quan điểm của FiinRatings là Việt Nam có thể rút ngắn quá trình này để đạt được mức xếp hạng Đầu tư sớm hơn dự kiến nếu như Chính phủ Việt Nam có các biện pháp mạnh mẽ hơn. Việc đạt được mục tiêu nâng hạng này sẽ đem lại lợi ích rất lớn cho công tác quản lý nợ công quốc gia mà cả góp phần làm giảm chi phí vốn cho doanh nghiệp Việt Nam”, ông Thuân cho biết.

Về các chương trình tái tạo tài sản và vốn, theo ông Thuân, Việt Nam hiện tại thiếu một chương trình tái tạo tài sản/vốn để đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là cơ sở hạ tầng. Các quỹ cấp độ địa phương và quỹ hưu trí công của Việt Nam có quy mô và tùy chọn đầu tư hạn chế.

Trước đó, tại Báo cáo triển vọng thị trường vốn nợ Việt Nam 2024, FiinRatings đánh giá năm 2024 và sẽ là năm bản lề trước khi các bộ luật của các ngành kinh tế trọng điểm có hiệu lực và sẽ là năm cảm nhận tác động các chính sách tài khoá và tiền tệ.

Theo đó, hiệu ứng lan toả của chính sách tài khoá, cùng với sự hỗ trợ của mặt bằng lãi suất ở mức thấp là cơ sở để kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục và cải thiện.

Về chính sách tài khóa, FiinRatings đánh giá trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, sức chống chịu của doanh nghiệp bị suy giảm, Chính phủ đã đưa các chính sách miễn, giảm, giãn thuế, phí và lệ phí để hỗ trợ doanh nghiệp.

Ước tính giá trị các gói hỗ trợ này đạt 200 nghìn tỷ VND trong năm 2023, và lũy kế hơn 700 nghìn tỷ tính từ năm 2020.

Về chính sách tiền tệ, FiinRatings đánh giá với các chính sách điều hành hợp lý, tỷ giá được giữ ở mức tương đối ổn định, hấp thụ được các tác động từ bên ngoài từ năm 2023.

Theo đó, biên độ dao động tỷ giá đồng VND so với USD trong năm 2023 theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước là khoảng 2,1% và sự ổn định của tỷ giá được kỳ vọng được tiếp tục duy trì trong năm 2024 với một số điểm thuận lợi như: Cán cân thương mại duy trì trạng thái thặng dư, cầu ngoại tệ phục vụ hoạt động nhập khẩu không tăng do nhu cầu còn yếu; Kiều hối tăng trưởng mạnh mẽ, đạt khoảng 16 tỷ USD (+32% so với cùng kỳ); Dòng tiền từ các hoạt động giải ngân vốn đầu tư FDI và mua bán vốn cổ phần duy trì.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Chủ tịch FiinRatings chỉ ra những cơ hội khi chứng khoán Việt Nam được FTSE Russel và MSCI nâng hạng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO