Các doanh nghiệp đang cảm thấy lạc quan hơn
Theo EuroCham, mặc dù mức tăng trong Quý 4/2023 báo hiệu sự ổn định nhưng cần lưu ý rằng BCI vẫn ở dưới mức trung bình kể từ Quý 4/2022. Thêm vào đó, hơn 1/3 số doanh nghiệp vẫn dự đoán sự hoạt động kém hiệu quả, điều này nhấn mạnh triển vọng thận trọng trong bối cảnh thị trường tiếp tục suy yếu.
Chủ tịch EuroCham Gabor Fluit nhận xét về diễn biến này: “Chắc chắn xu hướng tích cực đang diễn ra. Mặc dù chúng ta vẫn còn một chặng đường dài để phục hồi hoàn toàn, nhưng các doanh nghiệp đang cảm thấy lạc quan hơn."
Ông cũng chia sẻ thêm: “Cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tin rằng chúng ta đã vượt qua thời kỳ kinh tế được cho là đầy thách thức và khó khăn nhất”.
Báo cáo BCI nhấn mạnh, khi bối cảnh kinh doanh của Việt Nam chuyển từ Quý 3 sang Quý 4/2023, những thay đổi nhỏ nhưng cũng cần được lưu ý trong tâm lý đã xuất hiện. Mặc dù mức độ lạc quan chung về sự ổn định và tăng trưởng kinh tế giảm nhẹ 2 điểm phần trăm, nhưng điều này được bù đắp nhiều hơn bằng mức giảm 14 điểm phần trăm về dự đoán suy thoái kinh tế. Quý cuối cùng của năm 2023 chứng kiến mức độ hài lòng của các doanh nghiệp tăng lên rõ rệt: các doanh nghiệp tự tin vào tình hình hiện tại của mình đã tăng từ 24% trong Quý 3 lên 32% trong Quý 4.
Triển vọng cho Quý 1/2024 cũng rất tích cực, với 29% doanh nghiệp đánh giá triển vọng của họ là 'xuất sắc' hoặc 'tốt'. Một dấu hiệu nữa cho thấy mối lo ngại đang giảm dần là mức độ lo lắng cực độ của các doanh nghiệp đã giảm từ 9% xuống 5%.
Khu vực doanh nghiệp Việt Nam đã sẵn sàng cho sự tăng trưởng. 31% công ty có kế hoạch mở rộng lực lượng lao động trong Quý 1/2024 và 34% có ý định tăng mức đầu tư, một sự tăng trưởng rõ ràng kể từ năm 2023. Những số liệu thống kê này báo hiệu động lực tăng trưởng mạnh mẽ và cơ hội cho Việt Nam trong năm 2024.
Ngôi sao đang lên của Việt Nam trong đầu tư toàn cầu
Theo báo cáo BCI, trong Quý 4/2023, vị thế điểm nóng đầu tư của Việt Nam tăng lên đáng kể. Con số ấn tượng là 62% số người được khảo sát đã xếp hạng Việt Nam trong số 10 điểm đến đầu tư toàn cầu hàng đầu, trong đó 17% xếp Việt Nam ở vị trí cao nhất. Điều này được chứng minh bằng con số 53% số người được hỏi dự đoán đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam sẽ tăng vào cuối quý 4.
Cuộc khảo sát cũng nêu bật vị trí chiến lược của Việt Nam trong khu vực ASEAN. Trong khi chỉ một phần nhỏ (2%) coi Việt Nam là “lãnh đạo ngành công nghiệp”, thì con số đáng chú ý là 29% xếp Việt Nam vào danh sách 'các quốc gia cạnh tranh hàng đầu' trong ASEAN. Đa số (45%) coi Việt Nam là đối thủ cạnh tranh mạnh, mặc dù vẫn còn một số thách thức nhất định. Quan điểm này nhấn mạnh tầm ảnh hưởng ngày càng tăng và tiềm năng phát triển hơn nữa của Việt Nam trong bối cảnh kinh tế ASEAN.
Vẫn còn những thách thức
Theo EuroCham, số liệu thống kê cho thấy một bức tranh phức tạp: 32% số người được hỏi cho rằng lực lượng lao động đã có trình độ khá tốt, nhưng vẫn cần cải thiện kỹ năng và chuyên môn. Tương tự, 24% số người trả lời hài lòng về khả năng sẵn có của lực lượng lao động, tuy nhiên, đôi lúc sự sẵn có này cũng không hoàn toàn phù hợp với các yêu cầu hoặc quy mô cụ thể mà các doanh nghiệp quốc tế mong muốn.
Kết quả cũng cho thấy 40% số người được hỏi đánh giá lực lượng lao động của Việt Nam có trình độ vừa phải, cho thấy sự kết hợp giữa các kỹ năng cơ bản và trung cấp. Ngoài ra, 50% đánh giá mức độ sẵn có của lực lượng lao động cũng ở mức vừa phải, phản ánh thách thức trong việc tìm kiếm ứng viên đủ tiêu chuẩn. Những kết quả này cho thấy rằng việc phát triển và đào tạo cho lực lượng lao động là cần có để có thể nâng cao trình độ và tính sẵn sàng và đáp ứng tốt hơn cho nhu cầu của thị trường toàn cầu.
Quỹ đạo kinh tế dài hạn của Việt Nam cho thấy con đường tăng trưởng đầy hứa hẹn. Trong ngắn hạn và trung hạn, Việt Nam đang thể hiện khả năng mang tính thương hiệu của mình trong việc mang lại môi trường kinh doanh ổn định ngay cả vào thời điểm hỗn loạn, như chúng ta có thể thấy kết quả đo lường nằm trong khoảng từ 40 đến 50 điểm quý thứ 5 liên tiếp. Sự ổn định và tiềm năng cải thiện vào năm 2024 sẽ là cơ sở cho việc Việt Nam tiếp tục nhận được đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Ông Thue Quist Thomasen - Giám đốc Công ty nghiên cứu thị trường Decision Lab
Cũng theo EuroCham, liên quan đến những thách thức pháp lý mà cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam phải đối mặt. 52% số người được hỏi xác định “gánh nặng hành chính và sự kém hiệu quả của bộ máy” là một trong ba rào cản hàng đầu, nêu bật ảnh hưởng của sự quan liêu đối với hoạt động kinh doanh. 34% doanh nghiệp nhấn mạnh “các quy tắc và quy định không rõ ràng và được giải thích khác nhau” cũng là một thách thức lớn, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của việc rõ ràng và nhất quán trong khuôn khổ pháp lý.
Đảm bảo giấy phép và các phê duyệt cần thiết là mối quan tâm của 22% số người được hỏi, chỉ ra những rào cản về thủ tục trong hoạt động kinh doanh. Hơn nữa, 20% cho rằng “thiếu chuyên gia địa phương có trình độ chuyên môn trong các lĩnh vực chuyên ngành” là một vấn đề quan trọng, cho thấy khoảng cách về nguồn nhân lực cần được cân nhắc và giải quyết. Thêm vào đó, 19% công ty nhận thấy 'các quy định về thị thực, giấy phép lao động và quy định lao động đối với người nước ngoài’ là thách thức, phản ánh sự phức tạp của việc quản lý lực lượng lao động quốc tế theo hệ thống pháp luật hiện hành.
Về mặt giải pháp, cuộc khảo sát nêu lên những lĩnh vực chính cần cải thiện để tăng sức hấp dẫn của Việt Nam đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài. 54% số người được hỏi kêu gọi 'tinh giản bộ máy hành chính', cho thấy rằng việc giảm bớt các quy trình quan liêu có thể cải thiện đáng kể môi trường kinh doanh. Ngoài ra, 45% nhấn mạnh tầm quan trọng của việc 'tăng cường hệ thống pháp luật và môi trường pháp lý', trong khi 30% coi 'phát triển cơ sở hạ tầng, bao gồm đường, cảng và cầu' là điều cần thiết để thu hút FDI.
Niềm tin ngày càng tăng vào nền kinh tế Việt Nam
Chia sẻ liên quan đến kết quả báo cáo BCI, ông Gabor Fluit - Chủ tịch EuroCham nhận định: Niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đang ngày càng tăng, dữ liệu mới của năm 2023 củng cố thêm thông tin này. Năm ngoái, đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 36,61 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm 2022. Đây là minh chứng rõ ràng cho niềm tin ngày càng tăng vào nền kinh tế Việt Nam.
Du lịch cũng hồi phục mạnh mẽ. Với việc chào đón hơn 12,6 triệu du khách vào năm 2023, Việt Nam đã tăng gấp ba lần số lượng khách du lịch quốc tế so với năm trước. Sự chú ý toàn cầu về Việt Nam như một điểm đến hàng đầu dành cho doanh nhân và khách du lịch cũng báo hiệu sự phục hồi kinh tế trên diện rộng.
Tuy nhiên, ông Gabor Fluit cũng lưu ý, trước sự cạnh tranh kinh tế ngày càng tăng trong khu vực, Việt Nam vẫn nên cảnh giác. Điều quan trọng là đất nước phải tiếp tục hoàn thiện các chính sách và chiến lược của mình để thu hút và duy trì đầu tư trực tiếp nước ngoài của châu Âu. Một lĩnh vực quan trọng cần tập trung là đơn giản hóa thủ tục hành chính, một trở ngại lớn đối với các doanh nghiệp. Đồng thời, đầu tư vào cơ sở hạ tầng để giảm chi phí hậu cần và nâng cao trình độ của lực lượng lao động cũng rất quan trọng. Điều này sẽ giúp đất nước duy trì tính cạnh tranh và quỹ đạo tăng trưởng.