Ngày 2/4/2025, Tổng thống Mỹ đã công bố kế hoạch thuế quan bao gồm mức thuế suất cơ bản 10% và mức thuế suất đối ứng áp dụng cho từng đối tác thương mại cụ thể, trong đó Việt Nam bị áp mức thuế 46%.
Mức thuế cơ bản và thuế đối ứng có hiệu lực lần lượt từ ngày 5 và 9 tháng 4. Đặc phái viên, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đã tới Mỹ để cụ thể hóa các nội dung đàm phán nhằm sớm đạt thỏa thuận, vì lợi ích của người dân và doanh nghiệp hai nước.
Các doanh nghiệp đang trong quá trình chờ đợi kết quả từ cuộc đàm phán của 2 Chính phủ.
Nói về việc áp thuế đối ứng 46% đối với hàng hoá của Việt Nam của Mỹ, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phúc Sinh, doanh nghiệp xuất khẩu hạt tiêu số 1 vào Mỹ cho biết: "Trung bình mỗi năm Mỹ nhập khoảng 50.000 tấn tiêu từ Việt Nam. Riêng năm 2024, Mỹ nhập hơn 70.000 tấn tiêu, Phúc Sinh xuất sang Mỹ khoảng 8.200 tấn, chiếm hơn 10%."
"Phúc Sinh hiện đang là doanh nghiệp xuất khẩu hạt tiêu số 1 vào Mỹ. Nếu không mua hạt tiêu của Việt Nam thì họ mua tiêu của nước nào?" - Ông Phan Minh Thông chia sẻ.
Để giảm rủi ro từ các chính sách thương mại quốc tế, ông Thông cho rằng doanh nghiệp Việt cần chủ động tìm kiếm các thị trường mới để tạo ra cơ hội kinh doanh mới.
Theo ông Thông, xuất khẩu sang châu Âu, Đức, Nhật Bản, các nước Trung Đông tăng trưởng tốt nhờ ưu đãi thuế quan và nhu cầu cao đối với sản phẩm phát triển bền vững, chế biến sâu.
“Thị trường quốc tế biến động, doanh nghiệp cũng cần có những phương án ứng phó linh hoạt. Thay vì làm kế hoạch kinh doanh theo tháng, theo năm; chuyển sang làm theo tuần, thậm chí là hằng ngày. Và luôn cảnh giác với sự biến động của giá cả hàng hóa khi giá cà phê và giá tiêu tăng mạnh, chiến tranh, cước tàu vận chuyển càng biến động…”, ông Thông lưu ý thêm.
Cũng nói về việc này, Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) cũng cho biết Hoa Kỳ không sản xuất được Hồ tiêu do điều kiện tự nhiên (đất, khí hậu) không phù hợp. Nhu cầu tiêu dùng trong nước phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nhập khẩu, trong đó Việt Nam chiếm hơn 77% thị phần Hồ tiêu nhập khẩu vào Mỹ.
Hồ tiêu không phải mặt hàng “cạnh tranh với sản phẩm nội địa”, do đó khả năng bị đánh thuế vẫn còn bỏ ngỏ, Hiệp hội cũng đã có kiến nghị với Chính phủ đề xuất phương án đàm phán với Chính phủ Hoa Kỳ nếu có áp thuế thì tương đương như các nước khác (ví dụ: Brazil – chỉ 10%).
Hiệp hội Thương mại Gia vị Hoa Kỳ (ASTA) đã kiến nghị với Chính phủ Mỹ không nên áp thuế vì điều này sẽ gây tăng chi phí cho doanh nghiệp Mỹ và ảnh hưởng đến người tiêu dùng Hoa Kỳ. Việc áp thuế cho thấy các doanh nghiệp nhập khẩu Hoa Kỳ cũng rất đáng quan ngại về việc áp thuế nhập khẩu Hồ tiêu và gia vị.
Và Việt Nam vẫn là quốc gia sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu số 1 thế giới, có lợi thế về chất lượng, hệ thống chế biến và vùng nguyên liệu bền vững.
Công ty Cổ phần Phúc Sinh được thành lập từ năm 2001, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT công ty là ông Phan Minh Thông. Hiện nay, công ty có vốn điều lệ 444 tỷ đồng, không rõ cơ cấu cổ đông.
Công ty đang xuất khẩu nông sản đến hơn 100 quốc gia trên toàn thế giới. Trên thị trường, Phúc Sinh được xem là "vua tiêu" khi doanh nghiệp này công bố chiếm đến 8% thị phần xuất khẩu toàn thế giới.
Với mặt hàng cà phê, doanh nghiệp này cũng nằm trong top những nhà xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam, với những thương hiệu nổi tiếng như K COFFEE, Blue Sơn La.