Chia sẻ trên được ông Trần Hùng Huy – Chủ tịch Ngân hàng ACB đưa ra tại sự kiện Scale Up Forum do Endeavor Vietnam tổ chức, trong bối cảnh “mùa đông” gọi vốn của giới startup.
Theo "Báo cáo Đầu tư Công nghệ và Đổi mới Sáng tạo 2024" của Do Ventures, các công ty khởi nghiệp Việt Nam năm 2023 nhận được tổng số vốn đầu tư là 529 triệu USD, giảm 17% so với năm trước đó. Số thương vụ được duy trì tương đối ổn định, giảm nhẹ 9% xuống còn 122.
Khi việc gọi vốn khó khăn hơn trước, các startup có xu hướng mở rộng phạm vi tìm kiếm và tìm đến các ngân hàng. Ông Trần Hùng Huy chỉ ra rằng tâm lý từ phía ngân hàng rất đơn giản, vấn đề cuối cùng chỉ nằm ở việc quản lý dòng tiền thật tốt.
“Cái khó của các startup là hầu hết mọi người rất giỏi về ý tưởng, set-up công ty và đầy nhiệt huyết trong việc đưa ra một sản phẩm, dịch vụ mới. Tuy nhiên, hầu hết không quá giỏi chuyên môn về quản lý dòng tiền, vận hành công ty”, Chủ tịch ACB nêu quan điểm.
Để giải quyết vấn đề này, ông Huy cho biết hiện nay có khá nhiều công cụ tài chính giúp xử lý khoảng 50-60% việc vận hành công ty, khiến quá trình diễn ra xuyên suốt hơn. Ông khẳng định nếu chứng minh được về mặt dòng tiền, startup sẽ dễ gọi thêm vốn và định giá hơn.
Trả lời câu hỏi liệu ACB có kế hoạch mạnh tay hỗ trợ các startup hay không, khi nhiều ngân hàng ở Singapore bắt đầu tiếp cận tệp SMEs (công ty vừa và nhỏ), ông Huy cho hay điều này phụ thuộc vào cả lĩnh vực hoạt động cũng như bản thân startup đó.
“5 năm trước, ACB cũng có quỹ gần như là đầu tư mạo hiểm để đầu tư cho các startup, từ đó hiểu khách hàng của mình hơn. Tuy nhiên, ở thời điểm đấy, khi chưa có gì hết, họ đã tự định giá công ty 3-5 triệu USD vì ‘tôi có ý tưởng hay lắm’. Sau đó, họ vẽ ra bức tranh 3-5 năm sau sẽ tăng trưởng lên thành 50, 70, 100 triệu USD.
Có thể giá trị của startup sẽ lên 50-70 triệu USD, nhưng tôi không dám cho vay, vì như vậy là tăng trưởng để bán, không phải tăng trưởng mang tính bền vững. Đối với ngành ngân hàng, nhìn vào đó thì không thể mạnh tay xuống tiền cho vay được. Khẩu vị rủi ro của chúng tôi rất khác các quỹ đầu tư mạo hiểm”, Chủ tịch ACB phân tích.
Để thuyết phục được các ngân hàng đồng ý đầu tư, ông Huy nhấn mạnh các startup phải tạo ra lợi nhuận.
“Nếu startup mang hồ sơ đến nói với các ngân hàng là 10 năm nữa có lợi nhuận, sẽ không ai dám cho vay đâu. Nhưng nếu có bức tranh lợi nhuận trong 2-3 năm, ngân hàng sẽ sẵn sàng”, ông cho hay.