“Chúng tôi luôn tin vào tiềm năng của thị trường Hà Nội. Người Hà Nội thích chocolate đen hơn. Chúng tôi bán được nhiều chocolate cho khách hàng ở Hà Nội hơn TP. HCM”, ông Vincent Mourou trả lời chúng tôi trong buổi khai trương cửa hàng thứ hai tại Hà Nội của Marou – thương hiệu chocolate được tờ New York Times ca ngợi là “ngon nhất thế giới” hồi năm 2016.
Marou là công ty Việt Nam do 2 người gốc Pháp là Vincent Mourou và Samuel Maruta sáng lập hồi năm 2011. Sản phẩm chủ đạo của Marou là chocolate đen, với hạt cacao lấy từ 7 tỉnh, thành tại Việt Nam. Công thức chính của mỗi thanh chocolate Marou chỉ là cacao nguyên chất thêm một chút đường.
“Chúng tôi cố gắng tìm nguồn cacao có hương vị thật tốt rồi làm chocolate. Đây là cách tiếp cận rất hiền hòa, không cố gắng thay đổi điều gì thuộc về đặc tính, mà chỉ nâng tầm nguyên liệu. Để làm được vậy, chúng tôi rang hạt ở nhiệt độ thấp, thời gian không quá lâu, nhằm giữ lại thật nhiều hương vị tinh tế ẩn giấu. Chúng tôi cũng thích chocolate có một chút vị chua, đóng vai trò như “food-note” từ nguyên liệu gốc”, ông Mourou giải thích.
Với cửa hàng mới tại quận Tây Hồ, Marou hiện có tổng cộng 8 cửa hàng ở Hà Nội và TP. HCM, hoạt động theo 3 mô hình chính. Đầu tiên là cửa hàng flagship đem lại cho khách hàng trải nghiệm “bean-to-bar”, tức là quy trình từ hạt cacao làm ra các sản phẩm được thực hiện ngay trong cửa hàng.
“Hầu hết các công ty sản xuất chocolate không có mô hình bán chocolate làm tại chỗ, cũng như bán cả bánh và cà phê. Marou là một trong số ít công ty trên thế giới có thể làm được”, bà Nguyễn Thị Uyên Chi, Trưởng phòng Marketing của Marou cho biết.
Mô hình thứ hai của Marou là phiên bản thu hẹp của cửa hàng flagship, nơi khách hàng có thể trực tiếp chứng kiến quy trình làm bánh. Ngoài các cửa hàng này, Marou còn mở các station - “trạm” nhỏ bên trong những trung tâm thương mại lớn. Chị Chi cho biết mô hình này sắp tới sẽ được mở rộng từ TP. HCM ra Hà Nội.
Theo ông Mourou, lý do chính khiến Marou tới nay mới mở cửa hàng thứ hai tại Hà Nội là bởi đội ngũ của công ty được xây dựng và phát triển tại TP. HCM. Covid-19 cũng khiến việc di chuyển trở nên khó khăn.
Thêm vào đó, chị Chi cho biết 10 năm qua Marou tập trung phát triển sản phẩm. Những năm tiếp theo, công ty sẽ mở rộng nhiều cửa hàng hơn. Ông Mourou cũng khẳng định Marou muốn phát triển, nhưng không phải trên quy mô tràn lan. “Mục tiêu của Marou là duy trì chất lượng sản phẩm ở mức cao”, vị CEO nhấn mạnh.
Với tên tuổi nổi tiếng trên phạm vi quốc tế, ông Mourou cho biết thị trường khách nước ngoài luôn quan trọng đối với Marou bởi giúp tạo dựng thương hiệu. Tuy nhiên, ông khẳng định Marou tập trung vào thị trường nội địa tại Việt Nam.
Trừ bơ, sữa và bột nhập khẩu từ châu Âu, mọi nguyên liệu làm ra chocolate Marou, đặc biệt là cacao, đều đến từ các tỉnh thành của Việt Nam. Theo ông Mourou, Việt Nam rất may mắn khi có sẵn trái cây nhiệt đới, các loại hạt, thảo mộc và gia vị.
Những năm gần đây, các thương hiệu chocolate “made in Vietnam” xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường. Thương hiệu Tbros Chocolate đã xuất khẩu sản phẩm sang các nước trên thế giới, gây chú ý với bao bì làm từ xơ dừa nước, vốn trồng nhiều ở Hội An. Một số thương hiệu chocolate “made in Vietnam” khác có thể kể đến là Savie, D’art, Kimmy’s Chocolate.
“Thị trường chocolate made in Vietnam đã phát triển hơn trước. Nhu cầu của người Việt ngày càng đa dạng hơn. Khi đi du lịch, họ thấy chocolate nước khác sẽ tò mò. Với chất lượng cuộc sống ngày càng tăng, sẽ ngày càng có nhiều sản phẩm đa dạng hơn trên thị trường”, chị Chi nhận định.