Chọn nghề báo để làm giàu?

Lê Sáng | 15:24 21/06/2023

Làm nghề báo có giàu không? Câu hỏi đã có rất nhiều người đặt ra nhưng có lẽ chỉ có bản thân mỗi nhà báo, phóng viên đang hàng ngày "vột lộn" với nghề mới có thể trả lời được câu hỏi này một cách chính xác nhất.

Chọn nghề báo để làm giàu?
Nghề báo đang từng ngày thay đổi đòi hỏi nhiều hơn sự thích ứng của những người làm n ghề là các nhà báo, phóng viên. Ảnh minh họa, nguồn - Int

Khi mới ra trường, bắt đầu đi làm sinh viên thử việc tại một cơ quan báo chí, tôi luôn tâm niệm mình đang "công tác" trong lĩnh vực là “quyền lực thứ tư", có một sức mạnh ghê gớm lắm, được "xe đưa, xe đón”, có nhiều đặc quyền, nói chung là sẽ rất “oai".

Tuy nhiên, những "ảo mộng" đó đã nhanh chóng tan biến, chỉ sau một thời gian bám trụ, lăn lộn với nghề tôi tự nhận ra và càng thấm thía lời đúc rút của các cô chú, anh chị làm báo đi trước rằng nghề báo là nghề vất vả, nguy hiểm và không mấy ai chọn nó để làm giàu.

Về cái sự vất vả, rõ ràng nghề báo không nhàn hạ, muốn có những tác phẩm báo chí thành công, người viết phải lặn lội tìm tòi đề tài, có "sống" cùng nhân vật mới hiểu và viết được những bài báo hay, giá trị, có sức lan tỏa.

Với tôi, dù việc đi và viết có vất và nhưng để có được sự vất vả đó lại là sự may mắn và nỗ lực không ngừng khi mới ra trường. Tốt nghiệp đại học năm 2010, giữa thời “báo chí mở cửa”, các tòa soạn gần như đều phải tự chủ về kinh tế nên hầu hết cơ hội mở ra khi nộp đơn ứng tuyển vào các cơ quan báo chí đều là vị trí phóng viên khai thác kinh doanh, được áp định mức kinh tế thay cho định mức tin bài.

Để được đi, được viết, được làm nội dung, một phóng viên tập sự cũng phải cố gắng để “tròn cả hai vai”, vừa cố gắng thực hiện công việc được giao về kêu gọi kinh doanh vừa lân la tiếp cận các anh chị phóng viẻn “cứng" để xin dược đi cùng, nhờ chỉ dạy, sửa bài và dần dần có những bài báo được đăng.

Còn về nguy hiểm, có khi nhà báo, phóng viên phải dấn thân, nhập vai như “cảnh sát hình sự” để thu thập tư liệu tại những “điểm nóng” bất chấp nguy hiểm luôn rình rập mà vốn không hề được đào tạo qua trường lớp về những nghiệp vụ điều tra.

Còn về việc, làm báo có giàu được không, chắc hẳn những người đặt câu hỏi này đang lấy “hệ quy chiếu” từ không ít nhà báo, phóng viên rất có điều kiện, ở nhò lầu, đi xe sang, thậm chí là chủ doanh nghiệp nhà hàng,...

Đầu tiên, với những nhà báo, phóng viên lành nghề, công tác tại những cơ quan báo chí lớn, có tiềm lực với năng lực kinh nghiệm của mình họ có thể có mức thu nhập đến vài chục triệu một tháng chỉ từ lương và nhuận bút. Mức thu nhập đó được coi là “đủ sống” và có phần khá giả nếu so với mặt bằng chung thu nhập bình quân đầu người tại nước ta. Tuy nhiên, nếu so với những ngành nghề khác tại các khu vực kinh tế sản xuất kinh doanh thì mức thu nhập đó lại khó có thể đem ra để so sánh.

Đối với những nhà báo, phóng viên "đại chúng" hơn, mới ra trường cũng như đã công tác lâu năm tại những cơ quan báo chí có tiềm lực vừa phải, tự cân đối thu chi thì mức thu nhập từ lương và nhuận bút cũng sẽ chỉ ở khoảng "thường thường bậc trung" nếu so sánh với các ngành nghề khác.

Vậy tại sao lại có những nhà báo, phóng viên rất có điều kiện về kinh tế, tạm bỏ qua một bên những tiêu cực có thể có của nghề nghiệp, trong bối cảnh nền kinh tế mở cửa hiện nay, Đảng, Nhà nước khuyến khích Đảng viên cũng như mọi công dân được sản xuất, kinh doanh những mô hình, lĩnh vực mà pháp luật không cấm.

Có những nhà báo, phóng viên bằng kỹ năng nghề nghiệp, nghiệp vụ tích lũy được trong quá trình công tác đã trở thành những "nhà sáng tạo nội dung" trên các nền tảng mạng xã hội và chia sẻ video như Facebook, Youtube, Tiktok,... với hàng triệu lượt theo dõi và theo đó, số tiền họ kiếm được từ những chương trình chia sẻ doanh thu quảng cáo của các nền tảng cũng sẽ tương xứng với độ viral (lan truyền) của những sản phẩm mà họ tự sản xuất, công bố.

Bên cạnh đó, cũng có không ít nhà báo, phóng viên, từ những cơ hội được trải nghiệm, học hỏi khi làm nghề, có thể biến những lợi thế có được về thông tin bằng sự nhạy bén, những mối quan hệ sẵn có để khởi nghiệp những mô hình sản xuất, kinh doanh để vừa tạo công ăn việc làm cho xã hội cũng như làm giàu chính đáng cho bản thân.

Dưới góc độ cơ quan báo chí, có không ít tòa soạn ngày nay, vừa đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ thông tin tuyên truyền được Đảng, Nhà nước giao phó vừa từng bước chuyển mình trở thành những "tập đoàn" truyền thông hoạt động đa lĩnh vực từ tổ chức sự kiện, tư vấn các chiến dịch quảng bá sản phẩm đến thu phí độc giả với những thông tin chuyên sâu, độc quyền.

Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa luôn vận động tiến lên phía trước. Trong guồng quay đó, các cơ quan báo chí, phóng viên, nhà báo cũng từng bước "tự làm mới" mình, cập nhật những hình thức, cách làm mới để thích ứng với những yêu cầu mới của thời cuộc để thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ, vừa đảm bảo công tác thông tin tuyên truyền theo tôn chỉ và mục đích được giao vừa làm tốt hoạt động kinh tế báo chí.

(Tự sự của nhà báo Lê Sáng - Trưởng ban Bất động sản, Tạp chí điện tử Nhịp sống Thị trường - MarketTimes.vn)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Chọn nghề báo để làm giàu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO