"Chính sách hỗ trợ không nên quá hào phóng"

Vân Anh | 15:05 12/11/2021

“Các chính sách hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng trung hạn đã được ban hành kịp thời, giúp các khát vọng về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể đạt được...”, ông Francois Painchaud - Trưởng đại diện thường trú của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam - Lào nhận định.

"Chính sách hỗ trợ không nên quá hào phóng"
GS. Lisa Magnani: “Chính sách hỗ trợ không nên quá hào phóng hoặc đưa nhầm đối tượng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến phục hồi kinh tế..”

Ngày 11 - 12/11, tại Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Các vấn đề đương đại trong kinh tế, quản trị và kinh doanh”. 

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS. Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, những đợt lây nhiễm của đại dịch Covid-19 trong 2 năm qua đã đặt ra những thách thức và khó khăn to lớn chưa từng có đối với nền kinh tế Việt Nam và toàn cầu.

Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới hiện đang đứng trước yêu cầu khôi phục kinh tế vững chắc trong bối cảnh phải chấp nhận “sống chung với Covid-19”. Để đi qua được giai đoạn khó khăn này Việt Nam phải có nhiều quyết sách để nền kinh tế có thể phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch.

PGS.TS. Phạm Hồng Chương nhấn mạnh: “Chúng ta cần có thông điệp rõ ràng và kiên định thực hiện chính sách “sống chung” với Covid-19, đảm bảo sự thống nhất trong toàn quốc. Bên cạnh đó cần nhanh chóng bao phủ vắc xin, từng bước thận trọng mở cửa nền kinh tế trong và ngoài nước nhưng cũng phải nhanh để nắm bắt cơ hội...”

Cũng theo PGS.TS. Phạm Hồng Chương, trước tình hình này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, kịp thời có các giải pháp tích cực tháo gỡ khó khăn trước mắt. Tuy nhiên làm thế nào để Nghị quyết 128/NQ-CP được thực hiện thông suốt trên toàn quốc cũng là một vấn đề cần được quan tâm.

Các chính sách phải đảm bảo thống nhất trên toàn quốc, tránh thực hiện mỗi địa phương một kiểu như thời gian qua thì sự phục hồi sẽ chậm hơn rất nhiều. Do đó phải có giải pháp, quy định chi tiết và đủ mạnh để thực hiện thông suốt, thành một khối thống nhất cho việc thúc đẩy thị trường, doanh nghiệp phục hồi trên toàn quốc.

Ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện thường trú của IMF tại Việt Nam - Lào đánh giá, Việt Nam đã gặp phải sự gián đoạn kinh tế nghiêm trọng do Covid-19, ảnh hưởng lớn đến lực lượng lao động, khiến các doanh nghiệp dễ bị tổn thương hơn.

Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng trung hạn đã được ban hành kịp thời, giúp các “khát vọng” về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể đạt được.

“Việt Nam cần phải có những cải cách mang tính quyết định hơn, như duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh đầu tư, cải thiện khả năng chống chịu với các cú sốc bằng cách xây dựng thêm “vùng đệm” cho tài chính, hiện đại hóa thể chế, cải thiện năng suất, tăng cường tính linh hoạt của chính sách tiền tệ…”, ông Francois Painchaud nhấn mạnh.

GS. Lisa Magnani, Trưởng Khoa Kinh tế - Trường Đại học Macquarie, Australia thì nhìn nhận, Covid-19 cho thấy nếu không có hành động của Chính phủ thì số lượng doanh nghiệp gặp khó khăn sẽ tăng lên đáng kể.

Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ tạm thời sẽ là “quả bom hẹn giờ” tiềm ẩn dẫn đến thất bại của không ít doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

“Chính sách hỗ trợ không nên quá hào phóng hoặc đưa nhầm đối tượng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến phục hồi kinh tế..”, GS. Lisa Magnani lưu ý.

Bài liên quan

(0) Bình luận
"Chính sách hỗ trợ không nên quá hào phóng"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO