Tái định hình cuộc chơi: Cạnh tranh trong ngành xây dựng và vai trò của chính sách FDI

TS Nguyễn Kinh Luân | 07:44 02/07/2025

Ngành xây dựng Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt lớn khi các doanh nghiệp nội địa phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ nhà thầu nước ngoài trong bối cảnh làn sóng FDI đổ vào mạnh mẽ. Để nâng cao vị thế quốc gia, các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam cần được khuyến khích và hỗ trợ mạnh mẽ hơn.

Tái định hình cuộc chơi: Cạnh tranh trong ngành xây dựng và vai trò của chính sách FDI

Với tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng và ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng khu vực, Việt Nam được đánh giá là một “con hổ mới” của châu Á. Sự phát triển mạnh mẽ này tạo ra cơ hội to lớn cho nhiều ngành nghề.

Tuy nhiên, trong lĩnh vực xây dựng - một trụ cột hạ tầng của sự phát triển, các doanh nghiệp nội địa đang đối mặt với thách thức cạnh tranh khốc liệt từ các nhà thầu nước ngoài, đặc biệt trong bối cảnh làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào mạnh mẽ. Những doanh nghiệp xây dựng Việt Nam, với vai trò là lực lượng nòng cốt, cần được khuyến khích và hỗ trợ mạnh mẽ hơn để đồng hành cùng Chính phủ, góp phần nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế.

Cạnh tranh với nhà thầu ngoại trước làn sóng FDI

Theo nghiên cứu của Mordor Intelligence, thị trường xây dựng Việt Nam đạt giá trị 57,5 tỷ USD năm 2020 và dự kiến tăng lên 94,9 tỷ USD vào năm 2026, với tốc độ tăng trưởng bình quân ấn tượng 8,7% mỗi năm trong giai đoạn 2021-2026. Tuy nhiên, một thực tế đáng quan ngại là phần lớn giá trị gia tăng từ sự bùng nổ này lại đang nằm trong tay các nhà thầu có vốn nước ngoài.

Các "ông lớn" như GS E&C đến từ Hàn Quốc, Kajima và Obayashi của Nhật Bản, China State Construction Engineering Corporation từ Trung Quốc, hay Coteccons hiện do quỹ đầu tư Kusto (Kazakhstan) kiểm soát, đang chiếm lĩnh thị phần đáng kể trong các dự án lớn như khu công nghiệp, nhà máy và hạ tầng trọng điểm, lên tới 57% thị phần trong các dự án quy mô lớn.

Trong khi đó, các nhà thầu Việt Nam như Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn, Tổng Công ty Xây dựng Số 1 (CC1), Tổng Công ty Thăng Long,

Tập đoàn Đèo Cả, các tổng công ty Cienco và Vinaconex, dù có năng lực thi công tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế và đã khẳng định năng lực qua nhiều dự án trọng điểm, lại dần bị đẩy lùi khỏi các dự án quy mô lớn.

Một thực tế đáng lo ngại hơn là nhiều chủ đầu tư FDI, khi được Chính phủ Việt Nam trao ưu đãi về thuế, đất đai và thủ tục hành chính, lại thường chỉ định các nhà thầu và nhà cung cấp đến từ quốc gia của họ. Điển hình như các nhà đầu tư Hàn Quốc thường giao dự án cho GS E&C, Nhật Bản ưu tiên Kajima hay Obayashi. Điều này dẫn đến câu hỏi căn bản: Liệu dòng vốn FDI đang tạo việc làm và lợi ích kinh tế chủ yếu cho người lao động Việt Nam hay cho các công ty xây dựng, nhà sản xuất và nhà cung cấp từ quốc gia của nhà đầu tư?

Chuỗi giá trị của các dự án này, do vậy, cũng bị "ngoại hóa" từ thiết bị, nhân lực, vật tư cho tới lợi nhuận. Nghiêm trọng hơn, nhiều doanh nghiệp FDI còn áp dụng chiến lược chuyển giá để tối ưu hóa lợi nhuận, chuyển lợi nhuận về quốc gia mẹ, làm giảm lợi ích kinh tế mà Việt Nam nhận được. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt bị hạn chế vai trò trong dự án, chủ yếu làm thầu phụ hoặc thậm chí bị loại từ vòng sơ tuyển.

Ba nguyên nhân chính dẫn đến sự thất thế của nhà thầu nội địa có thể kể đến như sau:

Thứ nhất, hạn chế về vốn. Hầu hết doanh nghiệp Việt Nam thiếu nguồn lực tài chính để cạnh tranh với các nhà thầu quốc tế được hậu thuẫn bởi các tổ chức tài chính hoặc chính phủ nước ngoài. Họ không có nguồn tài chính mạnh như các nhà thầu ngoại được ngân hàng, quỹ đầu tư hoặc chính phủ nước sở tại “chống lưng”.

Thứ hai, thiếu liên kết. Ngành xây dựng Việt Nam còn phân tán, các doanh nghiệp nội còn hoạt động rời rạc, chưa hình thành các tổ hợp nhà thầu mạnh hoặc liên minh nhà thầu đủ sức đảm nhận các dự án quy mô lớn. Điều này tạo ra sự bất lợi trong cạnh tranh với các đối thủ có hệ sinh thái hoàn chỉnh.

Thứ ba, chính sách ưu đãi chưa đủ mạnh. Các doanh nghiệp nội địa gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn, đất đai và công nghệ so với các đối thủ nước ngoài được hưởng ưu đãi từ chính sách đầu tư FDI. Các ưu đãi và cơ chế khuyến khích sử dụng nhà thầu Việt trong các dự án FDI còn mờ nhạt, chưa có ràng buộc về tỷ lệ nội địa hóa hoặc cơ chế đấu thầu ưu tiên.

Thay đổi luật chơi để tăng nội lực

Để hiện thực hóa các mục tiêu của Nghị quyết 66-NQ/TW và Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, Chính phủ cần ban hành các chính sách cụ thể, ưu tiên doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực xây dựng. Các đề xuất này không chỉ nhằm bảo vệ lợi ích doanh nghiệp nội địa mà còn góp phần tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực toàn ngành.

Trước hết, cần phân loại dự án FDI theo quy mô đầu tư và quy định tỷ lệ bắt buộc sử dụng nhà thầu Việt Nam. Dựa trên Luật Đầu tư 2020 và Luật Xây dựng 2014 (sửa đổi 2020), Chính phủ có thể xem xét ban hành nghị định quy định tỷ lệ tương ứng với quy mô dự án.

Cụ thể, với các dự án dưới 1.000 tỷ đồng, yêu cầu ít nhất 70% giá trị hợp đồng xây dựng phải được giao cho các nhà thầu Việt Nam hoặc liên doanh với tỷ lệ vốn Việt Nam chiếm đa số. Đối với dự án từ 1.000 đến 5.000 tỷ đồng, yêu cầu ít nhất 50% giá trị hợp đồng xây dựng được giao cho nhà thầu Việt Nam, với ưu tiên các công ty thuộc danh sách Thương hiệu Quốc gia. Còn với các dự án trên 5.000 tỷ đồng, cho phép đấu thầu quốc tế nhưng yêu cầu liên danh với ít nhất một nhà thầu Việt Nam chiếm tỷ lệ tối thiểu 30% giá trị hợp đồng.

z6759997794426_0145a2f12821520c9d865040d5632243.jpg

Tác giả: Tiến sĩ Nguyễn Kinh Luân (Jerry Nguyen), Trưởng Ban Tái cấu trúc, Thành viên HĐQT, Phó Tổng Giám đốc Đầu tư và Phát triển Thị trường Quốc tế, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình.

Bên cạnh đó, cần ưu tiên chỉ định thầu hoặc đấu thầu hạn chế cho nhà thầu Việt Nam trong các dự án hạ tầng trọng điểm. Đối với các dự án hạ tầng trọng điểm cấp quốc gia như đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam với tổng mức đầu tư dự kiến 67,34 tỷ USD, cảng biển Cái Mép- Thị Vải giai đoạn mở rộng, các nhà máy điện tái tạo, các tuyến metro tại Hà Nội và TP.HCM, hoặc các dự án nhà ở xã hội sử dụng vốn FDI hoặc ODA, Chính phủ nên áp dụng hình thức đấu thầu hạn chế hoặc chỉ định thầu cho các doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam nằm trong danh sách Thương hiệu Quốc gia.

Không thể thiếu việc hỗ trợ tài chính và chuyển giao công nghệ. Các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam cần được tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng ưu đãi, đồng thời được định vị ở vai trò tổng thầu có quyền thuê chuyên gia nước ngoài, tiếp nhận chuyển giao công nghệ để nâng cao năng lực, thay vì bị phụ thuộc vào các nhà thầu nước ngoài.

Cuối cùng, cần xây dựng cơ chế hậu kiểm thay vì tiền kiểm bằng việc giảm rào cản hành chính, khuyến khích các nhà thầu nội tham gia dự án FDI, đảm bảo minh bạch nhưng linh hoạt theo tinh thần Nghị quyết 68-NQ/TW.

Trong giai đoạn đầu hội nhập, khi Việt Nam còn thiếu nguồn lực và kinh nghiệm, việc chấp nhận một số “thiệt thòi” trong thu hút FDI là cần thiết. Tuy nhiên, với trình độ kỹ thuật và tay nghề của ngành xây dựng Việt Nam hiện nay đã ở trình độ tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế, đã đến lúc cần thay đổi “luật chơi” để đảm bảo lợi ích lâu dài cho các doanh nghiệp và người lao động Việt Nam.

Ngành xây dựng không chỉ tạo ra công trình mà còn là nền tảng để phát triển công nghiệp, dịch vụ và xã hội. Nếu tiếp tục bỏ ngỏ “sân nhà” cho các nhà thầu ngoại, Việt Nam sẽ mất đi cơ hội tạo dựng các thương hiệu quốc gia trong lĩnh vực chiến lược này. Việc hỗ trợ các
doanh nghiệp xây dựng Việt Nam không chỉ góp phần vào mục tiêu chiến lược nâng tầm vị thế quốc gia mà còn hỗ trợ chiến lược phát triển hạ tầng và nhà ở xã hội.

Đã đến lúc cần một chính sách FDI thông minh và chủ động hơn, không chỉ thu hút vốn mà còn chuyển hóa vốn thành tri thức, việc làm và năng lực nội tại. Khi được trao cơ hội bình đẳng, được hậu thuẫn chính sách phù hợp, nhà thầu Việt sẽ đủ sức vươn ra thế giới và góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam như một quốc gia kiến tạo và tự cường, thực sự trở thành “con hổ mới” của châu Á.


(0) Bình luận
Tái định hình cuộc chơi: Cạnh tranh trong ngành xây dựng và vai trò của chính sách FDI
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO