“Xây nhà sẵn trong ngõ kiếm tốt lắm” – đó là chia sẻ của một chủ sàn môi giới ở Hà Nội chuyên phân phối loại hình này cho các nhóm nhà đầu tư.
Theo vị này, loại hình nhà xây sẵn trong ngõ hay còn gọi là nhà xây thương mại, được ví như “con gà đẻ trứng vàng” cho các nhà đầu tư. Đó là lý do mà kể từ thời điểm năm 2018 trở lại đây, loại hình này rất nở rộ ở khu vực trung tâm và vùng ven Hà Nội. Thậm chí một số khu vực như Vân Canh (Hoài Đức), Tây Mỗ (Nam Từ Liêm), Dương Nội (Hà Đông) người mua nhà muốn tìm nhà đất đều được giới thiệu nhà xây thương mại.
Tuy nhiên, theo phản ánh của những người từng mua loại hình nhà này chất lượng sản phẩm rất kém như thấm dột, nứt nóc.
Là môi giới có kinh nghiệm 15 năm trên thị trường bất động sản, từng có tới 3 năm chuyên giới thiệu loại hình nhà xây sẵn trong ngõ, chứng kiến quá trình xây dựng nhà xây sẵn trong ngõ, anh N.N.A tiết lộ: Nhà đầu tư xây nhà sẵn trong ngõ có rất nhiều chiêu trò để kiếm lợi nhuận.
“Đầu tiên, họ thường cắt xén nguyên vật liệu xây dựng và thậm chí là giảm bớt khâu thi công trong quá trình xây dựng. Đơn cử như thế này, lẽ ra với công trình nhà ở, lượng xi măng, sắt thép phải đảm bảo một con số nhất định nhưng họ sẽ cắt giảm. Thế nên có những căn nhà khi vào ở, các mảng tường bong tróc rất nhanh, thậm chí khi đóng đinh vào tường, thấy tường bở bởi cát nhiều hơn xi măng.
Trong quá trình xây dựng, muốn công trình tốt sẽ có tiêu chuẩn về sắt, thép. Nhưng, chủ đầu tư đều giảm bớt hoặc sử dụng loại kém tiêu chuẩn. Có nhà đầu tư còn kiếm sắt thép dạng phế thải mang về xây dựng công trình”.
Cũng theo anh A., trước đây, nhà xây thương mại thường chung móng, chung tường. Còn hiện tại, một số nhà đầu tư vẫn quảng cáo móng riêng, tường riêng nhưng thực tế chắc chắn là rất ít, khó kiếm chứng bởi môi giới mà dẫn khách đi xem, luôn tư vấn thêm căn nhà thương mại xây độc lập, vì móng riêng, tường riên với mức giá cao hơn. Điều đó cho thấy rằng, việc xây móng riêng, tường riêng cho các căn nhà thương mại sát nhau là khó xảy ra khi đây là cách tạo ra lợi nhuận nhiều.
Khi xây móng chung, nhà đầu tư không cần phải đào móng quá sâu, chỉ cần khoảng 1m. Điều này tiết kiệm rất nhiều chi phí. Ví dụ như để làm móng chắc chắn, đóng cọc sâu từ 1-2m, chi phí rơi vào 80 triệu-200 triệu đồng.
“Trong quá trình lắp đặt hệ thống điện, nước, một số nhà đầu tư còn xây ẩu, trát thẳng vữa vào dây điện. Thông thường, dây điện chạy trong tường phải có lớp dạng ống bảo vệ và phải có bản vẽ thi công rõ. Để trường hợp cháy nổ, gia chủ biết sửa ở đâu. Thế nên, mới có trường hợp, nhà xây thương mại có tuổi đời 2-3 năm, gặp trận mưa kéo dài, tường ngấm ẩm ướt. Dây diện loại kém dễ bị dò điện, khi sờ vào tường thấy tê tê. Trường hợp này tôi đã gặp thực tế”, anh A. nói thêm.
Một điểm khác mà người mua nhà nên biết khi xuống tiền vào loại hình nhà xây thương mại, theo anh A, diện tích sử dụng của những căn nhà này thường bị cắt xén. “Nhà đầu tư sẽ chia lô đất lớn thành lô đất nhỏ với diện tích trung bình 30-34m2. Họ sẽ dành phần đất để làm đường nội bộ cho các nhà xây thương mại. Thực tế, nhìn trên bản đồ, phần chiều ngang ngõ chỉ rộng khoảng 1,6-1.7m nhưng trên thực tế, những ngõ chung này đều có chiều ngang lên tới khoảng 2m, rất rộng rãi. Lý do duy nhất, đó là họ cắt xén bớt diện tích xây dựng để gia tăng thêm diện tích cho phần ngõ. Người mua rất hiếm đo lại trong khi họ có thể mất tới 1-3m2 vì được sử dụng làm diện tích chung”.
Anh A. cũng nhấn mạnh: “Chi phí xây dựng căn nhà xây 4 tầng, diện tích sử dụng 120m2 phải mất khoảng trên 1 tỷ đồng nếu xây cách đây vài năm, còn với chi phí nhân công vật liệu như hiện tại có khi lên tới 1,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, đối với nhà đầu tư họ chỉ mất khoảng 2/3 số tiền đó cho một căn nhà xây thương mại, và xây trong vòng 3 tháng xong 3-4 căn. Và mỗi căn nhà xây thương mại, họ kiếm được trung bình từ 500 triệu đồng trở lên. Một năm xây 4 căn đã có ít nhất 2 tỷ tiền lời. Đây là lý do mà họ bán đất thổ cư “ăn chênh” không bằng xây nhà thương mại. Điều này cũng giải thích tại sao ở một số khu vực, tìm đất rất khó nhưng tìm nhà xây thương mại rất dễ”.