Theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor công bố vào 27/11, Trung Quốc đứng thứ bảy trong số 40 quốc gia xét theo chỉ số đánh giá mức độ sẵn sàng cho phát triển xe điện.
Theo Euromonitor, 40 quốc gia này chiếm khoảng 90% tổng thị trường ô tô trên toàn cầu. Mức độ sẵn sàng về phát triển xe điện được đánh giá qua bốn yếu tố: mức độ trưởng thành của thị trường, mức độ phát triển của cơ sở hạ tầng, chi phí sở hữu và sức mua của người tiêu dùng.
Trong đó, Trung Quốc được đánh giá cao nhất về phát triển cơ sở hạ tầng, phần lớn là bởi nước này đẩy mạnh đầu tư vào các trạm sạc công cộng và sạc nhanh.
Báo cáo cho biết, năm ngoái, Trung Quốc có 1,8 triệu trạm sạc công cộng, chiếm khoảng 65% tổng số trạm sạc toàn thế giới. Quốc gia này cũng ghi nhận tỷ lệ bộ sạc nhanh trên đường cao tốc cao nhất thế giới với 534 bộ sạc trên 100 km đường cao tốc.
Tuy nhiên, Trung Quốc xếp thứ 36 trong bảng xếp hạng về sức mua trung bình của người tiêu dùng, chỉ đứng trên Indonesia, Bulgaria, Thái Lan và Ấn Độ, do thu nhập hộ gia đình khả dụng tương đối thấp hơn, báo cáo cho biết thêm.
“Điều kiện kinh tế không triển vọng, chi phí sinh hoạt tăng cao và lãi suất tăng đang khiến người tiêu dùng gặp khó khăn hơn khi mua xe mới,” Fransua Vytautas Razvadauskas, phụ trách mảng thông tin về ngành công nghiệp ô tô tại Euromotor, nhận xét.
Trong khi đó, Na Uy, Thụy Sĩ và Thụy Điển được đánh giá là ba thị trường thân thiện với xe điện nhất bởi sự trưởng thành của thị trường xe điện và sức mua tổng thể của người tiêu dùng, theo Euromonitor.
Theo các chuyên gia và nhà phân tích trong ngành, Trung Quốc có thể tiếp tục là thị trường xe điện lớn nhất thế giới với doanh số dự báo sẽ vượt 8,5 triệu chiếc vào cuối năm nay, chiếm 60% tổng doanh số toàn cầu.
Chính phủ Trung Quốc đã đặt mục tiêu đến năm 2025, ít nhất 20% ô tô bán ra hàng năm là phương tiện sử dụng năng lượng mới, bao gồm ô tô chạy bằng pin, xe plug-in hybrid (xe lai sạc điện) và xe chạy bằng pin nhiên liệu hydro.
Trung Quốc cũng dự kiến sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng xe điện, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, nhằm cân bằng sự phân bổ các trạm sạc công cộng và thúc đẩy sự phổ biến của xe điện trên toàn quốc. Vào tháng 5, chính phủ nước này đã ban hành kế hoạch nhằm đẩy nhanh việc xây dựng các trạm sạc ở vùng sâu vùng xa.
Các nhà sản xuất xe điện của Trung Quốc, bao gồm BYD, Nio và Xpeng, cũng đang đặt hy vọng vào các mẫu xe mới với giá cả phải chăng hơn khi người tiêu dùng thắt lưng buộc bụng trong bối cảnh kinh tế bất ổn.
Các nhà sản xuất xe điện hàng đầu của Trung Quốc cũng được cho là đang tăng cường mở rộng sang thị trường nước ngoài khi nhu cầu trong nước giảm dần và nhu cầu sử dụng năng lực sản xuất dư thừa ngày càng tăng.